Những đóa hoa thơm…

GD&TĐ - Xe bắt đầu vượt đèo Pha Đin, chui tọt trong màn sương dày đặc bao phủ bốn phía.

Những đóa hoa thơm…

Mọi người trong đoàn thiện nguyện đang say giấc giữa đống hàng hóa, đồ đạc lỉnh kỉnh. Chuyến đi lúc gần nửa đêm đã vắt kiệt sức lực cả đoàn sau một tiếng đồng hồ tập trung khuân vác các thùng hàng chất đầy mấy chuyến xe.

Chặng đường từ Thủ đô lên đến trung tâm thành phố Điện Biên Phủ dự kiến mất hơn mười tiếng đồng hồ. Đi đêm, đường tối tăm lại càng khó khăn hơn. Mấy anh em trong đoàn thay nhau cầm lái để đảm bảo an toàn. Trầm tựa đầu vào cửa sổ nhớ một phần tuổi trẻ của mình đã gửi lại những hành trình ngược xuôi nước Việt.

Đỉnh đèo này năm hai mươi tuổi Trầm đã từng ở đây cùng bạn bè và thầy cô trong khoa. Lúc ấy vài đoạn đường trên đèo vẫn còn đang sửa chữa. Mười năm đã trôi qua, mọi thứ đều đã đổi thay nhưng cảm xúc đang tràn ngập lòng Trầm là dường như vẫn vậy.

Bao khát vọng vẫn ấm trong lồng ngực. Tiếng của Yên lại vang lên trong tâm trí Trầm “sau này nhất định tụi mình sẽ cùng quay trở lại nơi này”. Trầm bất giác cầm điện thoại lên bấm máy gọi cho Yên. Ở đầu dây bên kia tiếng ngái ngủ cất lên.

- Gì vậy Trầm ơi?

- Mình đang ở đèo Pha Đin này.

- Ôi vậy à. Đi cùng ai vậy Trầm? Có lạnh lắm không?

- Mình cùng đoàn thiện nguyện mang quần áo ấm lên cho các bé trên Mường Nhé. Đi đến đây thì nhớ các cậu quá. Chúng mình từng hứa sẽ cùng quay trở lại nơi này.

Cả hai cùng im lặng. Trầm nghe đâu đó như có tiếng thở dài. Hai năm nay tụi Trầm ít gặp nhau, hoặc những cuộc gặp thường thiếu người này, vắng người kia. Vì tụi Trầm bận quá, đứa nào cũng mải mê công việc, ngược xuôi trên những chặng đường.

Yên rong ruổi theo đoàn làm phim đi khắp nơi. Một năm chỉ về thành phố vài lần, chưa kịp hẹn cà phê đã thấy alo ở một nơi xa lắc. Yên hứa chừng nào làm được một bộ phim tài liệu “ra gì” thì nhất định sẽ dẫn cả bọn đi khao.

Gần đây nhất, Yên nói đang ấp ủ làm phim về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. Có lúc Yên gọi cho Trầm chỉ để khoe vừa bị ngẩn ngơ trước một nụ cười mưu sinh quá đẹp. Hay một buổi sáng nào đó bạn gửi cho Trầm bức ảnh chụp khoang thuyền đầy cá lấp lánh ánh bình minh ở vùng biển xứ Thanh.

Kha ra trường thay vì đi làm báo thì xin vào dạy học trong trung tâm dạy trẻ tự kỷ. Vì Kha từng trải qua những năm tháng tuổi thơ sợ con người và ánh sáng. Nhìn vào mắt những đứa trẻ tự kỷ Kha nhận ra nỗi sợ hãi của chính mình.

Nỗi sợ ấy từng nhiều lần muốn dìm Kha xuống hố sâu. Đã có lúc Kha tưởng như không thể vượt qua được chính mình. Nhất là khi không có ai bên cạnh dắt mình vượt qua cơn khủng hoảng đầu đời. Nhà Kha nghèo lắm, bố mẹ quanh năm lam lũ lo miếng ăn đã đủ chật vật, không ai còn thời gian quan tâm xem một đứa trẻ nghĩ gì.

Kha không nhớ mình đã phải tự mạnh mẽ vượt qua bằng cách nào. Nhưng Kha biết cảm giác của một đứa trẻ tự kỷ tìm thấy lại ánh sáng của cuộc đời. Kha muốn mang tất cả thời gian và sức lực của mình để vỗ về, nâng đỡ những đôi mắt u buồn, hoảng loạn, sợ hãi kia. Để chúng có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, thời gian của Kha đều dồn hết cho bọn trẻ, đôi khi chỉ để ngồi cạnh chúng lắng nghe thứ ngôn ngữ không lời.

Tình cờ gặp nhau vài lần trên phố, thấy xe Kha treo lủng lẳng vài món đồ chơi, trên tay là những cuốn sách hay viết về phương pháp dạy trẻ tự kỷ. Vài lần trên Facebook thấy Kha check in ở rạp chiếu phim cùng bọn trẻ. Ngày cuối tuần hay lễ tết gọi hỏi Kha đang ở đâu? Giọng Kha lẫn vào tiếng cười con trẻ.

Sa thì mải mê làm kinh tế. Sau ba năm làm báo, Sa bất ngờ xin nghỉ việc về nhà mở trang trại nuôi cá, trồng cây, chăn nuôi gia súc. Vài lần khốn đốn do giá lợn, giá bò xuống thấp, hoa quả trong nước bị ghìm giá trầm trọng bạn bè tưởng Sa sẽ quay về nghề báo.

Nhưng không, bạn vẫn bền bỉ gây dựng lại từ đầu. Thỉnh thoảng, Sa có gọi hỏi tụi Trầm có ở thành phố không, “sẵn chuyến xe chuyển hàng sẽ gửi ít rau xanh, hoa quả sạch xuống cho các bạn”.

Năm ngoái, Trầm lên thăm bạn, ngỡ ngàng nhìn Sa rắn rỏi, tươi rói giữa vườn bưởi đang vào mùa thu hoạch. Sa nói chỉ mong trồng cây sạch, nuôi con sạch để người dân có những bữa cơm ngon bổ. Làng Sa năm vừa rồi nhiều người chết vì ung thư. Ăn uống độc hại nên cơ thể con người là nơi ủ đầy bệnh tật.

Nhìn những người còn rất trẻ phải từ giã cõi đời bỏ lại gia đình, những đứa con thơ khiến Sa càng thêm trăn trở. Sa từng nói có những đêm đặt lưng xuống giường là chìm vào giấc ngủ, mê man vì mệt. Trong giấc mơ, Sa thấy phổi mình bật lên những mầm xanh vươn cành thành tán cây rộng lớn.

Vậy mà, cánh lái buôn ép giá thứ gì cũng rẻ. Ra chợ thì thấy toàn đồ Trung Quốc độc hại bày bán ê hề. Trầm xót xa cho bạn khi nghĩ đến cảnh nông dân Quảng Ngãi khóc ròng vì dưa hấu bán không ai mua. Thanh long ở nhiều tỉnh miền Trung phải đổ cho bò ăn vì không tìm được nguồn tiêu thụ.

Nghĩ về Sa lòng Trầm vừa cảm thấy bình yên vừa nhiều lo lắng. Nhưng lần nào gọi cho nhau Sa cũng cười giòn tan bảo “tụi mình có cả tuổi trẻ trong tay, lo gì không chạm đến ước mơ”. Ừ thì tụi Trầm còn trẻ…

Chỉ chốc nữa thôi lên đến đỉnh đèo. Trầm tưởng như đang trôi bồng bềnh giữa những áng mây trắng xốp. Lòng Trầm trẻ lại tuổi đôi mươi, háo hức nhìn cảnh vật xung quanh thấy lòng tươi mới. Trầm nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng của thầy cô, bạn bè đang hò nhau tập trung lại bên sườn núi cùng nhau chụp chung một bức ảnh kỉ niệm.

Giờ nhắm mắt lại Trầm cũng có thể mường tượng ra nguyên vẹn những nụ cười năm xưa. Điệu múa sạp Tây Bắc từng nhịp, từng nhịp như đang đập trong lồng ngực. Trầm cũng muốn được một lần thử lại những món ăn của người dân tộc Mường, dân tộc Thái, muốn được cùng bạn bè say men rượu cần, say những đôi má hồng, những nụ cười bẽn lẽn của thiếu nữ nơi đây.

Chuyến đi thực tế ấy đã luôn thức dậy sống động trong tâm trí Trầm những lúc đơn độc giữa phố xá chật chội, xô bồ. Thanh xuân đẹp quá và tụi Trầm vẫn không ngừng sống như những đóa hoa.

Hôm nay, Trầm trở lại nơi này, trên chuyến xe này cùng đồng nghiệp và cả những người chưa từng quen biết, để mang đến một mùa xuân ấm áp cho những đứa trẻ nghèo thiếu thốn áo quần, sách vở. Trầm mong chờ chuyến đi này đã lâu. Háo hức được ôm những đứa trẻ vào lòng. Được ngắm những cánh hoa mùa xuân mọc trên vách núi.

- Xe đi đến đâu rồi em ơi? - Một người trong đoàn tỉnh dậy ngó ra cửa xe hỏi Trầm.

- Lên đỉnh Pha Đin rồi chị ạ. Còn cách thành phố Điện Biên Phủ gần trăm cây số nữa. Chị mệt thì cứ ngủ thêm đi. Lên đến thành phố nghỉ một lúc là lại di chuyển luôn. Đến tối muộn chưa chắc đã đến được Mường Nhé. Nghe nói đường khó đi lắm chị.

- Em không bị say xe à? May nhỉ. Chị thì say quá.

- Trước kia em cũng say lắm. Nhưng sau này đi nhiều thành quen.

Trầm làm báo, những chuyến đi nối dài thêm mơ ước được sống một cuộc đời có ích. Một năm vài lần Trầm cùng đồng nghiệp kêu gọi bạn bè, các tổ chức xã hội đóng góp tiền bạc, sách vở, quần áo ấm đi làm thiện nguyện. Hơn ba mươi tuổi, gia tài của Trầm chẳng có gì ngoài những chuyến đi.

Đi để đến với từng nhân vật trong bài viết của mình, để thấu hiểu và chia sẻ, để cất lên tiếng nói của những phận người thấp cổ bé họng trong xã hội. Tiếng nói của sự thật, lẽ công bằng mà nhiều khi chính Trầm cũng loay hoay tìm kiếm. Đã có lúc trước những khó khăn ập đến, Trầm đã từng nghĩ đến chuyện buông xuôi.

Tìm một công việc an nhàn, sống bằng lòng với những điều giản dị. Vui với hoa buổi sáng, cà phê buổi chiều. Những ngày cuối tuần ngủ vùi trong chăn ấm đệm êm hoặc ở nhà một mình nhẩn nha bếp núc. Ai cũng có nhu cầu sống một cuộc đời bình yên như thế, chẳng có gì sai.

Những lúc ấy Trầm lại nghĩ về bạn bè mình. Kha từng nói “chỉ có một cách duy nhất để kéo dài tuổi trẻ ấy là luôn nỗ lực sống cho hoài bão”. Không có thứ hoài bão nào mang tên “bình yên” cả. Có chăng sự bình yên chỉ là một khoảnh khắc nào đó mà thôi.

Cả đoàn lên đến thành phố Điện Biên Phủ lúc mười giờ trưa. Đoàn nghỉ ngơi hai tiếng đồng hồ là lại tiếp tục lên đường. Đường đến Mường Nhé rất khó đi, núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, ai cũng chỉ mong nhanh đến nơi cần đến.

Các em nhỏ cần quần áo ấm, những đôi ủng đủ dày dặn cho một mùa giá rét. Cái lạnh cắt da cắt thịt ám ảnh Trầm khi nghĩ đến những đứa trẻ tơ hơ bấm mười đầu ngón chân tím ngắt xuống đất.

Chúng đi qua mùa đông bằng những chiếc áo ngắn cũn, mỏng tanh, rách rưới. Và bếp lửa chập chờn nấu những bữa cơm còn độn đầy ngô sắn. Chúng gợi lại tuổi thơ nghèo khó của Trầm. Cũng cơm độn, những ổ rơm nhặm nhượi và chậu than củi bố để dưới gậm giường để đi qua những mùa sương lạnh giá. Trầm nhớ đến bà già bán kẹo bột vẫn thường đi qua cổng nhà mình.

Thỉnh thoảng bà dừng lại dúi cho anh em Trầm mấy chiếc kẹo bột thơm mùi gừng, mùi mật. Ngậm viên kẹo nghe hơi ấm của gừng tan trong cổ họng nghe mùa lạnh trôi qua trong tình yêu thương của một người xa lạ. Trầm cũng muốn được như bà cụ năm xưa, san sẻ tình thương, vun vén ấm áp đến những mảnh đời nghèo khó.

Từng chút, từng chút một. Biết bao nhiêu tấm lòng thơm thảo ngoài kia luôn chung tay, đồng hành cùng Trầm. Mang hơi ấm đến cho đời cũng là khi Trầm thấy đời mình như ngọn lửa. Cháy để thắp sáng một cuộc đời ý nghĩa.

Xe đi qua Mường Ảng, Mường Phăng, Mường Thanh, Mường Chà rồi cũng tới Mường Nhé lúc trời tối mịt. Cả đoàn mệt lử sau một ngày một đêm di chuyển cả một quãng đường dài 700 cây số.

Trầm nấu mì tôm cho cả đoàn ăn lấy sức vác hàng xuống xe, sắp xếp, phân chia từng thứ một để đi từng xã vào sáng hôm sau. Đêm ấy cả đoàn ngủ lại trường học, chăn chiếu mang theo không đủ ấm. Thầy, cô giáo đòi nhường chăn màn, kiếm củi đốt lửa làm ấm không gian trong lớp.

Mệt là thế nhưng dường như chẳng ai ngủ được. Thủ thỉ chuyện trò, soát lại xem bao nhiêu đôi ủng, bao nhiêu chồng sách, bao nhiêu áo ấm. Mường tượng ra những ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của bọn trẻ mà thấy ấm áp len vào cả giấc mơ. Ngoài trời sương đêm xuống nhiều hơn. Củi lửa đã tàn chỉ còn những hơi thở đều đều lan ra khắp căn phòng chất đầy hàng hóa.

Trong giấc mơ của Trầm, lời bài hát “Thời hoa đỏ”(*) vang lên. Mái tóc xoăn của thầy bồng bềnh trong mây trời Tây Bắc khi hào hứng bắt nhịp cho cả lớp. Tụi Trầm đứng sát bên nhau đung đưa theo từng lời ca tiếng hát “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/ Như nuối tiếc một thời trai trẻ…”. Trầm thức giấc, bất giác mỉm cười. Tụi Trầm sẽ chẳng bao giờ phải hối tiếc đâu, vì đã sống tuổi thanh xuân rực rỡ như ngọn lửa hồng, như những đóa hoa thơm…

------------------------------------------------------

(*) Bài hát “Thời hoa đỏ” nhạc Nguyễn Đình Bảng, phổ thơ Thanh Tùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.