Đi qua bão giông

GD&TĐ - Chị mệt mỏi lê bước vào nhà, ngồi thẫn thờ. Đã hai mươi ngày rồi mà chị vẫn chưa thể ngờ được.

Đi qua bão giông

Bình ra mở cửa cho mẹ. Chị không xuống xe mà đưa túi cá:

- Cá rô đồng đấy con ạ, đánh sạch vẩy đi nhé, xong rửa sạch, mổ cẩn thận, lát về bố rán giòn chiên sả, lá lốt…

Thằng Bình thảng thốt nhìn mẹ. Chạm ánh nhìn của con, chị định thần vài giây rồi có cảm giác choáng váng. Bình vội vứt túi cá xuống, đỡ xe máy. Chị bảo khẽ:

- Thôi dắt xe vào… mẹ không đi nữa.

- Vâng! – Nó se sẽ đáp.

Chị mệt mỏi lê bước vào nhà, ngồi thẫn thờ. Đã hai mươi ngày rồi mà chị vẫn chưa thể ngờ được. Ánh mắt anh vẫn nhìn chị trìu mến. Buổi sáng, anh nhắn chị trưa anh không ăn cơm nhà! Anh lại đang hợp tác với cậu bạn thiết kế bảng quảng cáo.

Công việc nhiều, cần có người phụ, anh lại nhiệt tình, thạo vi tính nên anh ấy cứ tha thiết nhờ. Anh tranh thủ trưa, chiều lúc nào rảnh thì làm. Chủ yếu làm đêm rồi đến cửa hàng chỉnh sửa lại và in. Vậy mà đến chiều muộn chị không thấy anh về! Chị gọi cho anh, đầu máy là một giọng khác lạ. Chị nghe gì không hiểu… Nhiều tiếng ồn ào… Chú Trung, em trai anh lúc đó cũng đến.

Sao lại đến nhà chị làm gì? Chú ấy bảo chở chị đi, hình như anh bị tai nạn giao thông… Chị không tin vào tai mình. Ra đến nơi, chân tay chị rụng rời: Xe máy của anh chỏng chơ, đầu xe vỡ nát và… anh nằm đó… Cái nhẫn mặt vuông anh đeo ngón giữa, đôi giầy của anh, bộ quần áo anh mặc lúc sáng… Chị ngất lịm, tỉnh dậy đã thấy nhà chật người!...

Thằng Bình đã cẩn thận xới cơm cúng cho bố. Nó nhỏ nhẹ quay sang bảo:

- Mẹ thay quần áo, tắm rửa rồi ăn cơm?

Chị giật mình, nén tiếng thở dài. Mâm cơm đơn giản với rau cải luộc, một đĩa trứng tráng, đĩa cá rô rán vàng, chiên với lá lốt và sả. Thằng Bình làm khéo thật, y như bố. Bình thường, ba bố con sẽ lấy thêm vài lon bia.

Cá rô rán giòn phải có bia bố ạ! Ừ thì bia! Món này nhất định phải có tương ớt phải không bố! Cần gì, làm nước mắm, vắt tí chanh với quả ớt vào là tuyệt cú mèo! Cá rô mùa này béo bố nhỉ, bao nhiêu mỡ, cả trứng, trứng cá rô là nhất! Bố còn mua nem chua làm gì, có ai ăn đâu.

Ừ, rồi không ai ăn, để đấy tôi, sư bố anh! Thằng em bỏ cái điện thoại xuống đi con, lúc nào cũng điện thoại. Dạ, con nhắn nốt cái tin, với con chụp “ẳn” cả nhà mình nữa... Lại Face!… Cụng ly cái nào! Em cũng uống một chút, làm chứng chứ!... Từ khi thằng Bình đi học đại học, giữa tháng, cuối tháng nó về, cả nhà lại cải thiện, vừa ăn vừa chuyện trò cả tiếng đồng hồ như bàn nhậu. Mắt chị sẽ lấp lánh niềm vui gắp cho từng người, rồi chị lại cằn nhằn, ăn nhanh lên không nguội hết rồi…

- Mẹ nhỉ!

Chị giật mình. Thằng An đã ăn xong, đang gọt lê. Bình chăm chú nhìn mẹ, lo lắng:

- Mẹ thấy được không ạ?

- Được gì?

- Cái văn bằng hai công nghệ thông tin Bách khoa và chương trình IELTS ấy… con nghĩ từ từ đã.

Nếu là anh thì anh thì anh sẽ bảo, nghĩ kỹ chưa. Con phải chủ động về thời gian và chương trình học. Bố mẹ sẽ tạo điều kiện hết mức, nhưng không học thay con được. Tùy con… Chị mơ hồ nghe giọng nói của anh. Nhìn đôi mắt đang chờ đợi của Bình, chị buột miệng:

- Tùy con!

Chị mệt mỏi lên phòng. Trên tường là tấm ảnh cưới chụp lại hôm kỷ niệm hai mươi năm. Hôm kỷ niệm hai mươi năm, anh hỏi chị có muốn làm gì không. Chị bảo chẳng cần gì, anh chỉ vẽ chuyện.

Anh bảo chị muốn đi chơi không thì cả nhà bố trí đi. Chị bảo thằng An còn đang học thêm, Bình không về, mà chị còn đang hoàn thiện cái cơ sở dữ liệu ngành cho cả trường. Anh vẫn không thay đổi ý định, bảo vậy cả nhà đi chụp bộ ảnh cưới làm kỷ niệm. Chị ngại không muốn đi, lại váy vó, trang điểm mất cả buổi.

Anh gắt khẽ, cái gì cũng không, song lúc lại bảo anh chẳng quan tâm với không lãng mạn. Thấy anh làm mặt giận, chị miễn cưỡng đồng ý. Trang điểm xong, chị thấy mình rạng rỡ như thuở xưa anh đón chị về. Hôm lấy ảnh, chị trách anh, cái mặt sao khó đăm đăm, chả có cái nào cười, mà bảo tô tí son cho tươi tắn thì cũng không.

Anh cười to, ôi dào, hoa phải có bình, cảnh muốn đẹp thì phải có nền. Ba bố con anh không làm phông thì sao cô dâu nổi bật được! Chị không muốn tranh cãi với anh khi thấy ánh mắt anh ngập tràn sự hài lòng.

Anh thay luôn ảnh bìa và hình nền trên Facebook và bảo chị thay cho đồng bộ! Chiều anh chị cũng thay nhưng có mấy khi chị vào Facebook!... Giờ anh đi mãi, chẳng về nữa. Lòng chị trống rỗng, hoang hoải… Bình gõ nhẹ cửa, ý muốn vào phòng mẹ. Chị bảo nó đi ngủ sớm, chị không muốn nói chuyện. Nó nhắc mẹ cũng đi ngủ sớm.

Chị tắt đèn. Căn phòng nhỏ vốn rất ấm cúng giờ chỉ còn mình chị, im lặng đến đáng sợ. Anh với chị quy ước với nhau, anh đi đâu cũng phải trở về nhà trước chín giờ tối, nếu không ăn cơm nhà cũng phải nhắn sớm. Trong quãng thời gian đó, bất kể anh liên hoan, hát hỏng với bạn bè… chị cũng không làm phiền.

Anh nhiều việc. Công việc bận rộn nên lúc nào anh cũng phải tranh thủ. Có khi anh làm việc khuya, chị làu bàu:

- Muộn rồi mà anh cứ lọ mọ làm gì vậy!

Chị là hiệu trưởng một trường mầm non, anh làm phó hiệu trưởng một trường THCS. Đặc thù công việc của chị là phải trực trưa hầu hết ở trường và hầu như không ngủ trưa, vì vậy tối chị hay ngủ sớm. Anh thì thức khuya và dậy sớm, lại ít ngủ. Nghe chị càu nhàu, anh quay ra cười:

- Em ngủ trước đi, anh làm nốt cái kế hoạch hoạt động ngoại khóa.

- Anh cứ nhập nhằng máy tính làm sao em ngủ được, lúc sớm thì anh không làm…

- Thì anh cũng phải đi dạy suốt ngày, lại còn phải hồ sơ, sổ sách, soạn đề, giáo án, họp hành, các mối quan hệ…

- Anh lúc nào chả giao lưu với quan hệ…!

Anh bỏ máy đứng dậy ôm ghì lấy chị, bịt miệng chị bằng một nụ hôn nồng nàn. Bao nhiêu năm vợ chồng, anh vẫn yêu thương, chiều chuộng chị như thế… Những lần chị bị đau đầu, anh thức cả đêm bóp đầu cho chị, giật mình khi nghe tiếng chị húng hắng ho.

Có khi nửa đêm anh cũng soi đèn ra bãi đằng sau nhà hái lá ngải về sao nóng với rượu cho chị gối đầu. Đôi khi mất ngủ, anh chị tâm sự với nhau đủ thứ chuyện, chuyện trường lớp, gia đình. Chị nép đầu vào ngực anh, vòng tay anh ấm áp và chắc chắn, chị nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Chỉ khi nghe tiếng chị thở đều đều anh mới nhẹ nhàng trở dậy mở máy làm tiếp.

Biết chị không ngủ trưa, anh dậy sớm cắm cơm, tưới hoa ở ban công, tiện tay quét dọn nhà, khua thằng An dậy đi học, rồi lên phòng, đặt một nụ hôn lên trán chị: Sáng rồi cô giáo của em ơi! Chị tỉnh rồi nhưng nằm cố, đôi khi chị làm nũng kéo tay anh, rồi vòng tay qua cổ anh để được nghe: Muộn rồi đấy em ơi, có cơm rang mỡ đấy, dậy, dậy!

Lâu nay giấc ngủ đến với chị nặng nề, chập chờn. Chị sợ mình ngủ rồi anh gọi không nghe được máy, chị lại cũng muốn ngủ để biết đâu anh sẽ về gặp chị trong giấc mơ, vài phút thôi cũng được!… Chị định gọi điện cho anh, nhưng tìm mãi chẳng thấy cái điện thoại đâu.

Bỗng chị thấy điện dưới bếp sáng, tiếng mở tủ lạnh. Hóa ra anh đi uống nước. Chị bảo anh bỏ thói quen uống nước lạnh nhưng anh vẫn không bỏ được. Chị tìm cái đèn pin. Đây rồi, đèn pin lúc nào anh cũng để đầu giường, sạc điện đầy ắp. Chị đi xuống nhà dưới, đêm hôm cứ lục cục ai mà ngủ được. Biết ngay mà, anh đang ngửa cổ uống nước ừng ực. Chị càu nhàu theo thói quen:

- Sao khuya rồi lại đi uống nước mát vậy?

- Dạ, con gửi nốt cái email rồi ngủ. Mẹ cứ ngủ đi! - Tiếng thằng Bình. Chị bàng hoàng chợt tỉnh, đau đớn ngồi thụp dưới chân cầu thang. Sao mà tiếng nó hắng giọng, tiếng ho của nó cũng y như bố. Nó hốt hoảng đến đỡ chị:

- Mẹ làm sao vậy? Con đưa mẹ lên phòng nhé!

- Mẹ có sao không, con lên đây ngủ với mẹ nhé!

Chị lắc đầu, ngồi dựa vào thành giường. Nỗi chán chường, buồn bã xâm chiếm cả căn phòng nhỏ, ngập tràn trong lòng chị. Chị ước gì có thể gào thét, có thể đập phá và… chị ước gì có thể đi cùng anh. Chị nhớ anh da diết, chị thương anh và cũng giận anh.

Vừa năm trước bố, rồi mẹ bỏ chị mà đi. Cả quãng đời còn lại chị sống sao đây? Chị lại mở Facebook của anh! Hoa lan tươi rực rỡ anh thích thú ngắm hàng tiếng đồng hồ. Mấy chậu hồng cổ Sa Pa anh ươm cho riêng chị, anh quay video các góc độ.

Anh mới phát biểu hôm khai giảng, anh tổ chức Trung thu… Anh mới đi hiến máu nhân đạo này… Anh đi cổ vũ bóng đá. Anh thay mặt Hội đồng niên trao quà… Biết bao nhiêu hội có tên anh! Có lần chị thấy anh nhắn tin, chat liên tục. Chị tò mò:

- Anh nhắn nhe gì mà suốt cả tối thế?

- À, anh mới tham gia Hội đồng niên toàn quốc em ạ!

- Anh chỉ phụ trách ở tỉnh mình thôi. Giờ công nghệ hiện đại, có phải đi đâu đâu, mở mạng lên họp online, thống nhất là xong. Còn quỹ chẳng đáng mấy. Nhiều bạn gần mình mà khó khăn lắm em ạ! Thôi thì một chút dâng cho đời!

- Nhưng anh bao nhiêu việc mà cứ như bơ phân đạm, rắc đâu tốt đấy!

Anh cười hì hì:

- Năm ngoái mình đưa thằng Bình lên Hà Nội nhập học với tìm nhà trọ, không có anh bạn thì cũng khốn đốn. Anh sắp xếp được, em yên tâm!

Với ai và công việc gì anh cũng tận tình hết lòng.

Bình tắt máy tính rồi chui vào màn. Nó bật đèn mắt trâu ở phòng khách cho ấm cúng. Thằng An giọng ngái ngủ:

- Mẹ sao vậy?

- Không sao, mẹ lên phòng rồi. Anh bảo này!

- Cứ nói đi!

- Có khi mai hai anh em mình kê thêm cái giường trên phòng thờ ở tầng 2, mày lên đó mà ngủ, nhỡ đêm hôm mẹ cần gì thì mẹ gọi. Chứ cứ như này anh lo lắm!

- Như này là như nào?

Bình nén tiếng thở dài. Giá bình thường nó sẽ đá cho thằng An một cái. Đồ vô tâm. Nhưng giờ nó không ở nhà nhiều được, chỉ còn thằng em. Nó hạ giọng:

- Hôm trước anh gọi điện về, mợ bảo mẹ trầm hẳn, chẳng nói năng gì, nhớ nhớ quên quên. Mẹ đến trường mới nhớ đang luộc mấy quả trứng, gọi điện về cho mợ bảo sang tắt bếp hộ, may không cháy, cạn sạch nước rồi…

- Chuyện này em có biết.

Bình thở dài:

- Nghe mợ nói thế sốt ruột quá, anh phải xin nghỉ học phần này để về ở nhà với mẹ một thời gian. Mợ Hà nói đúng!

- Mợ nói gì anh?

- Mợ bảo từ hôm bố mất, mẹ không khóc nữa, mắt mẹ cứ ráo hoảnh nhưng buồn tê tái. Mẹ vẫn chưa chấp nhận được sự thật, và ngại giao tiếp với mọi người, cứ thế này mẹ sẽ trầm cảm mất. Cả đêm hôm nữa…

- Từ hôm bố mất người ra người vào hỏi thăm nhiều nhưng mẹ cũng chỉ nín lặng, thi thoảng nói cảm ơn. Hai tuần trước mọi người cũng động viên mẹ tới trường cho khuây khỏa, nhưng mẹ đi trên trường chẳng để ý gì, lúc thì đi quá đường, lúc suýt xô vào người ta, em thì phải đi học, mợ Hà chở mẹ đi mấy hôm…

Thằng An trở mình, và cũng thở dài. Bình hạ giọng:

- Anh định ở nhà hết tháng này, cho ổn ổn đã rồi mới đi. Mày chịu khó mà học đừng để mẹ phải nhắc. Còn vụ ra phố học thêm chắc phải từ từ, mày tự học đi vì còn bố thì bố đưa đi đón về, giờ ai mà đi đón được. Để anh tìm cho mấy khóa đào tạo từ xa, rồi tự giác học vẫn được. Thấy thế nào?...

- Vâng!

Giá như trước kia nó sẽ gắt lên: Biết rồi! Hoặc bảo kệ nó, nhưng giờ nó đã không cãi nữa.

Trời đã sáng. Chị thấy đau hết người và cổ. Hóa ra đêm qua chị lại ngồi tựa vào thành giường như thế, rồi ngủ thiếp đi lúc nào, tay vẫn cầm điện thoại. Đầu hơi váng vất. Chị nhớ thằng An phải đi học, gần sáu giờ rồi. Nhưng có mùi cơm rang với trứng. May quá, có anh dậy trước rồi. Chị đánh răng rửa mặt vội vàng xuống nhà. Vừa xuống đến chân cầu thang chị lại giật mình đánh thót khi nghe giọng thằng Bình:

- Mẹ dậy rồi ạ! Con cắm cơm chín rồi, mẹ lấy cơm cúng cho bố đi.

Chị lặng lẽ lấy bát. Buổi sáng còn mờ sương và hơi lạnh nhưng thằng Bình đã hoàn toàn tỉnh ngủ, chắc nó dậy lâu rồi. Không ngủ à con, sao dậy sớm thế, vừa cắm cơm nóng vừa rang cơm à, em dậy chưa con… sao mẹ nói mà không trả lời?

- Mẹ xong chưa ạ? Sao lại lấy cơm vào cái bát to này à mẹ?

Chị lại giật mình. Chính chị cũng ngơ ngác, không phải chị vừa nói chuyện với nó hay sao?... Chị vội chữa thẹn:

- Ừ mẹ quên, em dậy chưa con?

Thằng An ăn sáng xong đi học, chị cũng đến trường. Xe máy đã được thằng Bình dắt ra sân, quay ra cổng để chị chỉ việc đi như thường ngày anh vẫn làm cho chị như vậy.

Chị cố sắp xếp lại những công việc cần giải quyết. Kiểm tra việc đón trẻ đủ chưa, thực đơn cho các con, hoàn thiện chuyên đề ngoại khóa 20/11. Sao anh không đón lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo cùng em? Mọi khi anh cứ tổ chức ở trường xong thì về làm nồi lẩu quây quần cả nhà. Có khi vào nhà ông bà nội, ông nội cũng trong ngành Giáo dục, cả chú thím, và cô nó nữa.

Chị sẽ uống một chút rượu vang, má chị đỏ lên và mắt long lanh nhìn anh. Anh sẽ nói khẽ vào tai chị: Em đẹp lắm. Chị lại lườm anh cháy má nhưng tủm tỉm cười… Năm nay thì chị chẳng muốn tổ chức gì! Chị sợ những lời hỏi han chia sẻ, chị sợ những ánh mắt thương hại chị…

Buổi trưa có tiếng gõ cửa. Cô Nga lớp ba tuổi dẫn theo bé Mi ngập ngừng gọi:

- Chị ơi!

- Gì đấy em?

- Bé Mi nay nhìn thấy chị nhất định đòi xuống với mẹ Vân. Cả tuần vừa rồi bé ốm không đi học!...

Ồ bé Mi. Con bé hơi hạn chế về ngôn ngữ, lại nhát, không chịu ngủ với các bạn. Có buổi đi kiểm tra thấy bé nằm sấp thút thít khóc chị đã bế bé xuống phòng để khỏi ảnh hưởng tới các bạn. Thế là thành thói quen, cứ khi nào đi học, ngủ trưa bé phải được mẹ Vân vỗ về hoặc xuống phòng mẹ Vân mới ngủ.

Con bé toét miệng cười và nhẹ nhàng đi vào phòng chị.

- Trưa nay con ăn được mấy bát? - Chị nhẹ nhàng hỏi.

- Hai…! Cô bé giơ hai ngón tay bé xíu lên.

- Con giỏi quá. Giờ con ngủ nhé, ngoan cô khen!

Chị vỗ nhè nhẹ vào vai con bé, rồi xoa nhẹ trên trán nó. Con bé lại nhoẻn miệng cười - nụ cười thật ngây thơ và đáng yêu, nó khẽ gọi:

- Mẹ… Vân!

- Ừ!

- Con yêu…

- Mẹ cũng yêu con lắm!

Nó mân mê cái băng tang trên ngực chị rồi thỏ thẻ:

- Màu đen! - Đôi mắt đen to tròn trong veo, nhìn chị không chớp.

Chị ôm nó vào lòng. Trước kia, anh vẫn khen chị có đôi mắt đẹp. Nước mắt chị lăn dài trên má. Con bé ngỏng đầu ngơ ngác. Đôi tay nhỏ xíu của nó lau nước mắt cho chị, rồi chính nó vỗ nhè nhẹ vào má chị như dỗ dành. Chị nghẹn ngào:

- Ngủ đi con, ngoan!...

Con bé thấy lạ nhưng cũng im lặng và ngoan ngoãn nhắm mắt lại! Cuộc đời như giấc ngủ say… Cảm giác trống trải xâm chiếm, nhưng chị cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

Tuần trước, cô hiệu trưởng bảo chị mang chìa khóa phòng anh tới để tìm hồ sơ cho anh. Chị nhờ chú Trung mang tới vì không thể cầm lòng được khi đi qua phòng làm việc của anh. Đồ đạc của anh không nhiều, được xếp cẩn thận trong một chiếc thùng carton. Giấy khen, bằng khen chẳng bao giờ anh mang về, anh bảo treo làm gì cho chật nhà.

Hồ sơ chuyên môn, anh cất cẩn thận từng túi một… Cái giá sách mini để bàn bằng gỗ, tự tay anh đóng. Chị bảo anh phun tí sơn lên màu cho bóng đẹp, anh bảo cần gì, cứ thô mộc mà bền lâu. Vài chiếc cà vạt... Chị bảo anh đi đo may bộ véc thì anh toàn gạt đi, bảo có bộ hồi cưới vẫn vừa, chưa lỗi mốt, chỉ cần vài chiếc sơ mi tử tế là được. Nước mắt chị lăn dài trên má…

Có một cuốn sổ bìa da có cúc. Chị lần mở. Ảnh của gia đình được anh kẹp cẩn thận. Bức ảnh thằng Bình được anh rửa riêng. Anh đặc biệt lo cho nó, vì nó vào đại học, sống tự lập và xa khỏi vòng tay của anh chị. Đằng sau tấm ảnh là những dòng anh viết.

Những nét chữ rắn rỏi của anh còn nguyên tươi màu mực: “Con trai à,… sẽ có những thành công và thất bại, những niềm vui và nỗi buồn đang chờ đón con. Bố mong con có đủ bản lĩnh để đón nhận tất cả… Bố không kỳ vọng con thành vĩ nhân, mà chỉ mong con thành NHÂN theo đúng nghĩa trọn vẹn của nó… Bố sẽ không dắt tay con, không nâng từng bước nhưng sẽ luôn đồng hành cùng con!...”.

Bên cạnh tấm ảnh là một cuốn sổ tiết kiệm mang tên Bình. Chị khóc nấc thành tiếng. Anh bảo anh có một bí mật dành tặng Bình nhân dịp sinh nhật. Chị gặng hỏi nhưng anh chỉ cười… là đây sao! Anh bảo anh luôn đồng hành cùng nó cơ mà! Anh ơi!... Bình, Bình ơi!...

Bình hốt hoảng chạy lên. Nó kinh ngạc khi thấy mẹ nó khóc. Bao ngày nay lòng mẹ lạnh tanh. Nó vừa mừng, vừa lo. Nhận lấy từ tay mẹ bức ảnh rất đẹp của nó và những dòng bố viết, nó nghẹn ngào! Chị thổn thức:

- Sao con không đi học?

- Con xin mẹ rồi mà, con nghỉ học trình này… con học lại sau!

- Trời ơi, Bình ơi, ai cho phép con nghỉ! - Chị nắm vai nó lắc mạnh.

Bình mếu máo:

- Con lo cho mẹ!... Con học lại cũng có sao đâu…!

- Không được! Con lên trường đi học ngay!

- Vậy sau bốn chín ngày của bố con sẽ đi!

- Không. Mai đi luôn, chiều mai có chuyến bắt xe đi luôn, không có lỡ dở việc học! Trời ơi, sao em lại không để ý con về ở nhà lâu thế!

Bình sợ hãi nắm chặt tay mẹ:

- Vâng, mai con đi mẹ ơi, mẹ bình tâm thì con mới yên tâm được!

Chị gạt nước mắt, nhìn thẳng vào mắt con:

- Bố con vẫn bảo, trước giông tố mà đầu hàng thì thật tầm thường. Sao mẹ con mình có thể làm cho bố thất vọng được!

Bình lau nước mắt khẽ đáp:

- Vâng, mai con lên trường đăng ký học lại ạ! Mẹ cố gắng nhé!

Chị đứng dậy, giọng quả quyết:

- Ở nhà mẹ có em An, ông bà nội và mọi người rồi, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Mẹ cũng còn phải đi làm. Bố con ngày xưa mơ ước học Đại học Bách khoa mà không thực hiện được. Giờ con phải học thật đàng hoàng, sang năm còn dẫn em đi nhập trường! Nghe chưa!

Bình cắn chặt môi, khuôn mặt nó kiên nghị và rắn rỏi. Chị chợt nhận ra nó dường như đã trưởng thành hơn nhiều so với tuổi. Nhìn ảnh anh trên tường, chị thấy anh mỉm cười!...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.