Một sáng đầu hạ, khi trường tôi đi tham quan qua cung đường này, tôi vẫn thường tự hỏi: Ai đã trải mặt đường này bằng cả thanh xuân? Ai đã gánh lấy phần đất đá, bom rơi, khói lửa - để hôm nay, xe cứ thế bon bon mà không phải ngoái đầu nhìn lại?
Câu trả lời không nằm ở các tượng đài. Nó nằm ở trong những cánh tay - những cánh tay từng vá Trường Sơn.
Họ là Thanh niên xung phong - những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi, chưa từng có tấm bằng đại học, chưa một lần quen với chữ “nghỉ ngơi”, nhưng lại có thừa dũng cảm và yêu nước để gác lại đời riêng.
Họ rời ghế học, rời cánh đồng, rời cha mẹ già, khoác lên mình màu áo xanh, rồi đi. Không phải đi ra chiến trường với súng đạn, mà đi để mở đường cho Tổ quốc, bằng cuốc, xẻng, tay trần - và cả trái tim nguyên vẹn.
Những năm tháng chiến tranh, Trường Sơn không chỉ là một dãy núi, một con đường. Trường Sơn là xương sống của đất nước, là huyết mạch tiếp tế, là nơi mà chỉ cần ổ bom chưa kịp vá, xe gạo chưa kịp qua, là cả vùng chiến sự có thể rơi vào hiểm nghèo.
Thế là họ đến. Họ ở lại. Họ sống giữa rừng sâu, bám chốt ngày đêm, nhặt từng viên đá, lấp từng hố bom. Có người chưa từng được về lại quê, có người không kịp lớn lên. Trường Sơn giữ họ lại - với tất cả thương tích, máu và cả nụ cười tuổi đôi mươi không bao giờ già nữa.
Có một nữ thanh niên xung phong từng viết vào nhật ký: “Nếu mai không còn sống, xin đừng khóc. Hãy hát thay em”. Tôi đọc, thấy cổ họng nghẹn đắng. Thời đại này, nhiều người sống rất lâu nhưng chưa chắc đã từng dám sống hết mình. Còn họ - những người đã sống hết tuổi trẻ trong một vài năm ngắn ngủi, mà hóa bất tử.
Thế rồi chiến tranh qua đi. Con đường Trường Sơn ngày nay đã bằng phẳng, phủ nhựa. Lữ hành, xe tải, xe khách nối đuôi nhau chạy qua những khúc cua ngoạn mục. Nhưng ít ai biết: Có những đoạn đường từng thấm máu người, có những triền đồi từng là bãi mìn, nơi mà bước chân ra là không chắc có ngày về.
Những người vá Trường Sơn ngày ấy - ai còn, ai mất? Có người về với thương tật giấu trong xương thịt. Có người sống trong lặng lẽ, nghèo khó, lùi về sau cuộc đời như thể mình chưa từng tồn tại giữa sử sách. Có người chỉ được nhắc đến trong những buổi dâng hương mỗi năm một lần.
Chúng ta biết ơn họ - nhưng nhiều khi, lòng biết ơn chỉ dừng ở một cái cúi đầu, một phút mặc niệm. Mà những cánh tay đã từng vá đất, vá đường, vá cả tương lai này… xứng đáng được nhắc tên nhiều hơn, sống tốt hơn, được trẻ con hôm nay biết họ là ai.
Nhưng có lẽ, điều mà những thanh niên xung phong may mắn còn sống đến ngày hôm nay mong nhất, không phải là danh hiệu hay vinh danh mà là việc thế hệ sau có thể sống tử tế hơn, sống có trách nhiệm hơn, sống mà không quên rằng đất nước từng được làm nên bởi mồ hôi, máu và cả giấc mơ còn dở của rất nhiều người đi trước. Và sống với khát vọng vì Tổ quốc lớn lao như họ.
Chúng ta - những người trẻ hôm nay - không còn phải cầm xẻng vá đường giữa bom, nhưng chúng ta vẫn còn quá nhiều “hố bom” cần vá: Hố bom của sự vô cảm, bất công, thiếu trung thực; của khoảng cách giàu nghèo, tổn thương môi trường; của thiếu giáo dục nơi vùng sâu, vùng xa…
Vậy thì, “vá Trường Sơn” hôm nay, là cách mà bạn chọn để sống có trách nhiệm trong lớp học, trong công ty, trong từng lựa chọn nhỏ. Đó là cách bạn bước ra khỏi vùng an toàn như việc tình nguyện đi dạy học ở miền núi, tham gia chiến dịch tình nguyện hè, làm dự án chuyển đổi số cho nông dân, trồng lại rừng, làm sạch sông suối, hay chỉ đơn giản là… không bỏ rác bừa bãi nơi công cộng. Mỗi hành động nhỏ hôm nay - nếu làm bằng tinh thần xung phong - đều là một cách ta vá lại Trường Sơn theo kiểu của thời đại mới.
Đừng chờ tuổi lớn mới sống như những người lớn từng sống. Thanh niên xung phong ngày ấy cũng chỉ mười tám, đôi mươi - như rất nhiều bạn trẻ bây giờ.
Buổi sáng hôm nay, tôi may mắn được trải nghiệm đi dọc con đường cũ Trường Sơn, giữa những tán rừng đã xanh trở lại, bỗng thấy một nấm mộ vô danh ven đường. Trên bia chỉ có mấy chữ mờ nhòe: “TNXP, hy sinh năm 1972”.
Tôi đứng lặng thật lâu. Không biết người ấy tên gì, quê đâu, có từng có mối tình học trò chưa kịp nói không… Nhưng tôi chắc chắn một điều: Người ấy từng dám sống - dám sống vì điều gì đó lớn hơn chính mình.
Đó cũng chính là bài học giản dị nhất mà thanh niên xung phong để lại cho chúng ta, rằng sống không phải chỉ để đi qua ngày tháng mà là để lấp đi những khoảng trống đang chờ người trám vào bằng lòng dũng cảm.
Có lẽ, Trường Sơn sẽ còn tiếp tục được nhắc tên trong thơ ca, sách vở nhưng điều tôi mong hơn cả - là lớp trẻ hôm nay, khi nhắc tới “Thanh niên xung phong”, không chỉ cảm động, mà còn thấy mình có phần trách nhiệm trong đó, trách nhiệm sống đẹp, sống xứng đáng và tiếp nối.
Khi nhìn qua gương chiếu hậu, Trường Sơn dần lùi xa - nhưng lòng tôi lại thấy gần hơn bao giờ hết. Gần như một lời nhắc nhở dịu dàng mà kiên quyết: Sống biết ơn không phải chỉ để nhớ, mà để hành động. Sống tiếp nối không phải chỉ để giống, mà để đi xa hơn.
Có lẽ, ở đâu đó, những cánh tay từng vá Trường Sơn vẫn đang vẫy gọi - không phải để ta luyến lưu, mà để ngẩng đầu bước tiếp về tương lai với một niềm tin chưa từng tắt như họ đã từng dùng những cánh tay để vá đường cứu nước.