Ở hai đầu ngọn sóng

GD&TĐ - Chiều thu ấy, có người lính hải quân ngồi cùng Nhi trong căn nhà nhỏ thoảng hương hoa, hương cỏ… nói chuyện tương lai.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nắng chiếu qua cửa lớp.

Đám học trò đã ra khỏi trường từ khi tiếng trống trường cuối cùng trong ngày vang lên, đã chiều rồi, mấy chiếc lá vàng lác đác rơi ngoài thềm. Dãy phòng học im lặng, khác hẳn không khí xôn xao của những giờ ra chơi, học trò từ trong lớp ùa ra khỏi cửa phòng như đàn chim vỡ tổ.

Nhi vẫn còn ngồi trên bàn giáo viên nhìn ngọn nắng nhảy múa ngoài ô cửa. Mắt Nhi bất chợt long lanh, sáng rực và những tia nắng đang khiêu vũ theo một giai điệu nào đó mà chỉ riêng chúng mới cảm thấu.

Nhi từng hỏi một chị đồng nghiệp đang sống cùng con trai trong căn nhà nhỏ mua được sau nhiều năm chăm chỉ làm việc và tiết kiệm:

- Làm mẹ đơn thân có cực khổ, có tủi thân không chị?

Chị bất ngờ nhìn Nhi, chị không biết rằng sắp tới Nhi cũng là mẹ đơn thân, nhưng chị nghĩ Nhi có tư tưởng thay vì lấy chồng sẽ chọn cách sống độc thân với một đứa con do chính mình sinh ra. Chị khuyên:

- Khổ chứ! Cực lắm! Nếu không đủ bản lĩnh em gục ngã bất cứ lúc nào.

Nhi cúi mặt, cười cười. Cực khổ, vất vả Nhi không sợ. Bản lĩnh - chắc Nhi có thừa, dù người ngoài vẫn lầm tưởng Nhi là cô gái mong manh, yếu đuối. Người đời vẫn hay nhìn những cô giáo dạy Văn dáng đi thướt tha, uyển chuyển trong tà áo dài mỗi sớm đến lớp, giọng nói nhỏ nhẹ nhu mì cứ ngỡ rằng tâm hồn như pha lê, dễ vỡ. Nhi không thuộc tuýp người như thế, nói cách khác, Nhi mạnh mẽ vô cùng. Bởi vậy, Nhi sẵn sàng để đón đợi đứa trẻ chào đời mà không có ba bên cạnh.

Nhưng mạnh mẽ thế nào cũng có lúc yếu mềm, bởi dẫu sao đi nữa Nhi cũng là một người phụ nữ. Khoảnh khắc yếu mềm nhất của Nhi thường diễn ra khi đêm đã khuya, giáo án đã soạn xong, một mình Nhi giữa bộn bề suy tư, trăn trở.

Nghĩ đến cảnh một mình nằm trong bệnh viện sinh con, một mình lo lắng cho con mọi chuyện, từ tã sữa đến giáo dục nhân cách cho con khi con đã nhận biết được thế giới xung quanh, Nhi thấy một màu cô độc bao trùm lên cuộc sống của mình.

Nhi có già cỗi gì đâu? Nếu không mang trong bụng một cơ thể sống, có lẽ Nhi đã bay nhảy khắp đất nước, đi cho thỏa cái khát khao xê dịch của mình, lấy cảm xúc dồn vào từng bài giảng cho thế hệ kế tiếp.

Khi đã biết chuyện, chị đồng nghiệp hỏi Nhi:

- Rồi em định giấu ba mẹ, giấu ba đứa nhỏ luôn sao?

Nhi gật đầu:

- Em giấu ba mẹ vì em sợ ba mẹ buồn. Phụ nữ không chồng mà có con dẫu sao cũng không hay lắm! Còn anh ấy, em không muốn anh phải lo lắng. Em đến với anh ấy bằng sự tự nguyện, bằng tình yêu. Anh ấy còn phải làm tròn nhiệm vụ đối với đất nước.

Đứa nhỏ là minh chứng cho tình yêu mà Nhi dành cho người thanh niên đang ngày đêm canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày anh trở về từ đảo xa là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Nhi.

Trong đêm cuối cùng ở cạnh bên anh, Nhi đã trao tất cả những gì quý giá nhất của người con gái cho anh. Nhi không mong anh sẽ ở bên cạnh Nhi, chỉ mong anh hiểu được lòng Nhi, rằng Nhi vẫn đêm ngày hướng về người lính hải quân đang canh giữ đảo xa mà Nhi yêu thương, ngưỡng phục.

Chị đồng nghiệp nhìn Nhi, sắc mặt Nhi vẫn hồng hào dù Nhi mang thai đã hơn ba tháng. Chị nói:

- Cuộc sống của em, em có quyền quyết định. Nghĩ tích cực một chút thì làm mẹ đơn thân cũng vui đấy em!

Nhi tin chị nói thật vì lúc nào xuất hiện chị cũng cười tươi rói. Cuộc sống của chị vẫn no ấm, đủ đầy. Sáng chị đưa con đến trường rồi đi làm, chiều chị ghé đón con về, nấu cho con món gì đó đầy đủ dinh dưỡng.

Đêm xuống, bên chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ, chị dạy con học bài, đọc thơ cho con nghe, trò chuyện với con về những điều bình dị mà ý nghĩa trong cuộc sống. Hoặc rảnh rỗi, chị đưa con đi tham quan thành phố. Đứa nhỏ tuy thiếu ba nhưng nó được mẹ chở che, bảo bọc cho đến ngày trưởng thành, khôn lớn.

Nhi nghĩ về mình. Rồi mình cũng sẽ an yên giống như cuộc đời của chị, hoặc sẽ có viễn cảnh khác đẹp hơn, chỉ cần Nhi gọi điện hoặc biên thư cho anh báo tin mình đã mang trong bụng giọt máu của anh - giọt máu của một chàng thanh niên dũng cảm và đầy trách nhiệm, anh sẽ trở về đất liền, sẽ cùng Nhi và đứa bé sống trong một ngôi nhà nhỏ giữa thành phố. Ở đây anh cũng có thể cống hiến cho đất nước mình, bằng cách này hay cách khác.

- Vậy tại sao em không gọi cho cậu ấy để báo tin? Chắc cậu ấy sẽ rất vui đấy! - Chị đồng nghiệp buột miệng hỏi.

- Anh ấy đang ở đảo xa, trái tim anh ấy chia đều cho em, cho gia đình, cho Tổ quốc. Em biết cái khát vọng được ra đảo để giữ biển, làm tròn bổn phận của người lính hải quân đối với đất nước cứ dâng trào trong anh ấy. Anh ấy luôn ý thức được phẩm chất của một người công dân. Em không muốn mình cản trở bước đường của anh ấy.

Chị đồng nghiệp của Nhi đưa mắt nhìn ra những chiếc lá màu xanh đang rung rinh trong sân trường. Lá bóng ửng dưới ánh sáng mặt trời. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau, nhưng chị tin ai rồi cũng sẽ thu xếp ổn thỏa cuộc đời của mình. Ai rồi cũng sẽ tìm được hạnh phúc, tâm hồn sẽ thư thái sau bao nhiêu biến động thời trẻ tuổi.

Nhiều lần anh gọi, Nhi ấp úng định nói với anh, nhưng rồi có cái gì chặn lại khiến Nhi không nói được. Nhi lảng sang chuyện khác. Nhi hỏi:

- Anh này, anh có yêu em nhiều không?

Anh cười giòn giã. Rồi nhận ra Nhi đang nghiêm túc, anh đáp lại:

- Có, tất nhiên là có rồi! “Anh yêu em như anh yêu đất nước” (ý thơ Nguyễn Đình Thi) vậy!

- Em cũng thế! Trong tim em lúc nào cũng có bóng hình của người lính đảo…

Thi thoảng anh và Nhi nói với nhau những lời lãng mạn như vậy, thậm chí là biên thư. Những cánh thư anh gửi từ đảo xa về, kèm theo trái bàng vuông, lá cây phong ba… Nhi trân trọng cất vào ngăn kéo.

Thư từ đất liền gửi ra kèm tấm chân dung người lính biển được vẽ bằng bút chì bởi cô giáo dạy Văn Lê Phương Nhi cũng được anh nâng niu. Anh hay ngồi đọc thư Nhi dưới tán cây bàng vuông, trên trời ánh trăng vàng.

Mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc. Đối với người lính biển, hạnh phúc chỉ đơn giản như vậy thôi! Anh vẫn luôn hướng lòng mình về đất liền xa xôi, gửi tình yêu theo cánh chim hải âu vượt qua muôn trùng biển sóng.

Ở đảo xa anh thấy nhớ nhà, nhớ Nhi da diết. Nhưng anh vẫn phải canh giữ biển trời quê hương như câu thơ thuở cấp ba cô giáo dạy anh phải nhớ lấy, nhớ thật sâu: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” (Nguyễn Mỹ).

Mỗi sáng Nhi đến lớp, chiều tà Nhi trở về nhà. Thành phố vẫn đông đúc và nắng vẫn dát vàng những con đường rợp lá me bay. Đêm Nhi ngồi soạn giáo án, thoảng lại nhắn tin cho anh.

Bao giờ khi làm xong nhiệm vụ anh cũng trả lời tin nhắn của Nhi đầu tiên. Nhi cảm nhận được tình yêu mà anh dành cho mình, dù xa cách trùng dương Nhi vẫn thấy mình ấm áp, hạnh phúc. Nhi truyền tình yêu đó cho đứa nhỏ đang lớn lên từng ngày trong bụng mình.

Cho đến một buổi chiều cuối thu, có người lính hải quân trẻ về ngang qua thành phố. Tiếng chuông cửa reng lên. Nhi từ trong nhà hỏi vống ra: “Ai đó”, nhưng không có tiếng người đáp lại.

Nhi bỏ dở công việc bước ra thì sững sờ vô cùng, trước mắt Nhi là người lính hải quân mặc bộ quân phục, chiếc áo cổ yếm với những đường họa tiết kẻ sọc trắng xanh đặc trưng, đội chiếc mũ trắng, viền xanh, có biểu tượng thiêng liêng được kết tinh từ hào khí hùng anh của đất nước.

Trong khoảnh khắc Nhi thấy mắt mình ươn ướt. Nhi và anh đang đối diện nhau qua song cửa, trên có giàn bông giấy xòa xuống, trổ bông trắng - hồng đan xen.

- Nhi - Anh gọi khe khẽ, bằng giọng điệu trầm ấm thuở nào nhưng giờ đây có phần mạnh mẽ hơn, chắc do cuộc đời quân ngũ đã tôi luyện cho anh - Người lính hải quân của em đã về với em, với con rồi nè!

Nhi bàng hoàng nhìn anh:

- Anh, sao anh biết…?

Anh không đáp lại câu hỏi đó, anh chỉ muốn nói với Nhi rằng:

- Anh đã để mẹ con em phải cô độc. Nhưng em sẽ hiểu cho anh, phải không em? Chúng mình còn trẻ, chúng mình sẽ sống vì Tổ quốc trước, sống cho mình sau.

Nhi gật đầu, tựa đầu vào khuôn ngực rắn chắc thoảng vị mặn mòi của muối biển. Chiều thu hôm ấy, người lính hải quân và Nhi ngồi cạnh bên nhau, chỗ cửa sổ có chậu linh lan trắng đẹp mê hồn. Anh nói với Nhi chuyện đảo xa. Nhi kể cho anh nghe chuyện trường lớp, chuyện ở thành phố.

Nhưng Nhi không dám nói với anh chuyện tương lai. Biết thế nào đây, Nhi không thể mở miệng bảo anh sẽ về thành phố mà sống với Nhi và con. Nhi biết anh đang lo nghĩ thật nhiều cho đất nước mình, cho vùng biển máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

Nhưng anh đã tính toán hết cả rồi, anh nói với Nhi, nhẹ nhàng nhưng khiến Nhi tin tưởng tuyệt đối:

- Nhi, chúng mình cố gắng chịu vất vả một thời gian, đến chừng con mình cứng cáp, anh sẽ đưa hai mẹ con em ra đảo. Ở đó có trường học nhưng thiếu giáo viên. Em sẽ là cô giáo tốt, sẽ dạy cho đám trẻ trên đảo xa những bài học thật hay! Con chúng mình cũng sẽ được đi học, hơn hết, nó sẽ yêu biển đảo nước mình, sẽ như anh, gắn bó phần đời trai trẻ của mình cho đảo xa, cho biển cả Tổ quốc mình…

Đó cũng chính là điều mà Nhi đã mong đợi, đã tưởng tượng và sung sướng vô cùng khi nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng.

“Chúng mình còn trẻ, chúng mình phải sống vì Tổ quốc trước, vì bản thân sau”… - Câu nói của anh cứ dội lên trong trái tim Nhi. Theo sau là muôn vạn ngọn sóng đang cuộn trào, rì rào, bất tận.

Chiều thu ấy, có người lính hải quân ngồi cùng Nhi trong căn nhà nhỏ thoảng hương hoa, hương cỏ… nói chuyện tương lai.

Chiều thu ấy, Nhi nhận ra mình đã đúng đắn trong quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình. Bỗng dưng câu thơ năm nào cô giáo dạy anh, anh đọc cho Nhi nghe, và rồi Nhi cũng đọc cho học trò nghe khi Nhi trở thành cô giáo, bỗng vang vọng trong lòng Nhi:

“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.