Bài toán kinh phí

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - SGK cho học sinh khuyết tật nói chung, học sinh khiếm thị nói riêng là vấn đề canh cánh của nhiều người...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, đại diện Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cho biết, do chưa có đơn vị cung cấp SGK chữ nổi nên học sinh khuyết tật chưa được sử dụng sách theo lộ trình từng năm, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đang gặp khó khăn.

SGK cho học sinh khuyết tật nói chung, học sinh khiếm thị nói riêng là vấn đề canh cánh nhiều năm nay của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh các trường chuyên biệt. Còn nhớ năm 2018 trong cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, nhiều giáo viên cho biết mong muốn lớn nhất của mình là có bộ SGK riêng cho các em.

Xây dựng một bộ SGK riêng cho trẻ khuyết tật cũng là tâm nguyện và nỗ lực nhiều năm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của ngành.

Một trong những điểm nhấn của kế hoạch này là tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu cho các cơ sở giáo dục, trong đó có đề cập tới việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK cho trẻ khuyết tật. Riêng với SGK chữ nổi, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Tổ chức CBM (Christoffel Blindenmission) tổ chức hội thảo chuyển đổi SGK sang sách chữ nổi Braille và chữ to để làm căn cứ thống nhất cho các cơ sở chuyển đổi và in SGK cho học sinh khiếm thị.

Thầy trò các trường mong ngóng, Bộ GD&ĐT nỗ lực, thế nhưng, đến nay, ngoại trừ một vài nhà xuất bản có làm sách nói cho học sinh khiếm thị, còn lại vẫn chưa có đơn vị nào làm SGK chữ nổi. Nguyên nhân chính khiến các đơn vị xuất bản không mặn mà với SGK chữ nổi do vấn đề chi phí. Bởi sách chữ nổi có thị trường quá hẹp mà chi phí đầu tư cao, nên các nhà xuất bản (NXB) khó thể đầu tư. Nếu không có chính sách hỗ trợ người khiếm thị hoặc quỹ tài trợ để doanh nghiệp đảm bảo hoàn vốn thì hiếm NXB nào dám lao vào một thị trường như thế.

Vì thế, thực hiện Chương trình GDPT mới, để trò có tài liệu theo học, đa số các cơ sở giáo dục chuyên biệt phải tự làm SGK chữ nổi. Thầy cô, học sinh ở các trường vẫn cùng nhau chép sách hay còn gọi là tự nhân bản thủ công SGK sang một tập giấy bằng chữ nổi Braille. Ở hai trường chuyên biệt hàng đầu tại Hà Nội và TPHCM (Trường Nguyễn Đình Chiểu), nhờ có máy móc, trang thiết bị của tổ chức nước ngoài tài trợ, cùng sự nỗ lực của đội ngũ, đã chuyển được SGK chương trình mới sang SGK chữ nổi cho trò, thêm cả hình ảnh minh họa sinh động. Tuy vậy, bài toán kinh phí vẫn đè nặng đầu ra, cung vẫn chưa đủ cầu.

Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, một cuốn sách in thường chuyển sang in chữ nổi sẽ thành 6 - 8 tập; giấy in chữ nổi và in nhiệt đều cần kinh phí cao - khoảng hơn 14 triệu đồng/bộ SGK chữ nổi cho học sinh khiếm thị lớp 1; bộ sách lớp 6 khoảng 18 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí phân bổ về trường chưa đáp ứng nhu cầu, công tác xã hội hóa có nhiều hạn chế, trường không được cấp kinh phí mua giấy in nhiệt, giấy in chữ nổi in SGK mới cho học sinh khiếm thị…

Thực tế tự làm các tài liệu dạy học theo SGK chương trình mới ở các trường, đặc biệt ở hai trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu trong nhiều năm qua cho thấy năng lực biên soạn SGK chữ nổi của ngành Giáo dục đã được khẳng định. Vấn đề quan trọng nhất để bảo đảm sách kịp thời đến với trò vẫn là tài chính và khâu này trách nhiệm không chỉ riêng ngành Giáo dục. Vì thế, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) mới đây đề nghị Chính phủ có quy định về kinh phí và đơn vị cung cấp SGK chữ nổi cho học sinh khuyết tật rất cần được xem xét, để đảm bảo tiến độ và chất lượng học tập theo chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.