Nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm thực hiện vì lợi ích trẻ khiếm thị
Chuyển đổi SGK sang sách chữ nổi Braille là công việc khó khăn, cần nhiều thời gian và công sức, đặc biệt trong bối cảnh máy in chữ nổi tại Việt Nam hiện nay số lượng rất hạn chế bởi giá thành quá cao.
Theo cô Hà Thanh Vân - Hiệu trưởng trường PT Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh - ngoài 3 Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, không có bất cứ trường phổ thông nào trong cả nước làm SGK cho học sinh khiếm thị. Hiện nhà trường đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sang chữ nổi Braille, trọn bộ gồm có 324 cuốn.
Quy trình chuyển đổi SGK hiện hành sang sách chữ nổi Braille được nhà trường thực hiện rất công phu. Theo đó, bước đầu tiên là mua SGK từ nhà sách; họp nhóm giáo viên thảo luận về cách chuyển đổi nội dung bao gồm chữ, biểu bảng và hình ảnh; phân công giáo viên thực hiện từng cuốn sách. Sau khi các nhóm giáo viên trao đổi để tìm hiểu về những hình nội dung và hình minh họa, nhà trường sẽ giao giáo viên thực hiện chuyển từ chữ in sang chữ Braille (đánh máy chữ nổi), làm hình gốc, giải nghĩa/mô tả những hình ành không thể chuyển sang hình nổi.
Tiếp theo, họp nhóm giáo viên và học sinh kiểm định lại sách, biểu bảng và hình ảnh nổi. Cuối cùng, in trọn vẹn bộ sách, photocopy hình nổi bằng máy Thermoform, dán hình lên trang chữ để cố định hình.
Thực hiện các công đoạn này gặp nhiều khó khăn, vì máy in chuyên dùng không đủ cho hoạt động in ấn sách theo yêu cầu của học sinh; phải đặt mua máy tại Hoa Kỳ với giá gần 500 triệu/máy loại tốc độ trung bình Embosser Express 150, nếu bị hư hỏng không có phụ tùng để thay thế.
Trong khi đó, kinh phí nhà nước cấp cho trường hoàn toàn không có mục mua máy in và sửa chữa trang thiết bị này. Một khó khăn khác là giáo viên phải dùng thời gian ngoài giờ dạy để thực hiện việc chuyển đổi sách, do đó, cần kinh phí để hỗ trợ giáo viên làm việc này.
Cùng chia sẻ những khó khăn trên, đại diện Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), nhắc đến việc nguồn SGK chữ nổi đều do các tổ chức phi chính phủ tài trợ kinh phí nên về lâu dài là không bền vững (ví dụ, Tổ chức CBM năm 2020 sẽ dừng hỗ trợ nhà trường, và trong các năm tiếp theo sẽ rút dần dự án khỏi Việt Nam). Khó khăn về các thiết bị máy móc in SGK chữ nổi. Các thiết bị này đều phải nhập từ nước ngoài, giá thành rất cao. Nếu có xin được kinh phí của UBND thì việc mua máy cũng gặp khó khăn về thủ tục.
Cô Hà Thanh Vân - Hiệu trưởng trường PT Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh - phát biểu tại hội thảo. |
Chuyển đổi các SGK mới sang sách chữ nổi Braille
Từ thực tế triển khai, với việc chuyển đổi SGK sang sách chữ nổi Braille và chữ to cho học sinh khiếm thị, cô Hà Thanh Vân kiến nghị các Nhà xuất bản cung cấp dữ liệu để in sách chữ phóng to theo khả năng thị lực của từng học sinh, hoặc NXB cung cấp sách phóng to in sẵn căn cứ theo số lượng tổng hợp lên từ các trường.
Nếu các NXB cung cấp file dữ liệu thì việc chuyển đổi các môn Văn, Sử, Địa, Công dân, Sinh, Anh văn được rút ngắn rất nhiều, do phần mềm chuyển đổi Braille tương đối hoàn chỉnh đối với các cuốn sách không có nhiều công thức, ký hiệu Toán, Lý, Hóa.
Trong khi đó, đại diện Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đề xuất Bộ GD&ĐT chỉ đạo để có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp SGK chữ nổi, SGK phóng to cho học sinh khiếm thị. Hiện nay việc chuyển đổi đã thuận lợi hơn vì tháng 8/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BGDĐT về chuẩn quốc gia chữ nổi Braille.
Tuy nhiên nhà trường cũng đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm việc xây dựng kho học liệu trên mạng Internet cho học sinh khiếm thị, học sinh có thể dễ truy cập, dễ sử dụng. Cung cấp nguồn sách tham khảo, sách truyện chữ nổi cho học sinh khiếm thị để các em có cơ hội rèn kĩ năng đọc chữ nổi. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các nhà trường có nguồn kinh phí thay thế các thiết bị máy in chữ nổi khi bị hỏng.
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, trực thuộc Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Nẵng thì đề nghị cần bảo đảm những điều kiện để thực hiện chuyển đổi SGK chữ nổi và sách phóng to cho học sinh khiếm thị cả về nhân lực (giáo viên, nhân viên thư viện, thiết bị, kỹ thuật, in ấn); điều kiện chuyên môn; trang thiết bị.
Trong đó có việc cần thống nhất kí hiệu Braille, thống nhất quy trình, các biện pháp chuyển đổi; thống nhất thời gian, tiến độ công việc để có sách giáo khoa kịp thời cho học sinh sử dụng. Thành lập Hội đồng chuyển đổi SGK chữ nổi để lựa chọn bộ SGK phù hợp, thống nhất được các qui định về khuôn khổ, kích thước, cách trình bày, nội dung chuyển đổi, kí hiệu trong SGK chữ nổi....
Ngoài ra, cần có hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng cho việc chuyển đổi SGK chữ nổi và sách phóng to; bộ công cụ để đánh giá xác định khả năng nhìn (thị lực gần, thị lực xa, thị trường..) của trẻ khiếm thị để in sách phóng to phù hợp với từng em. Nhà xuất bản cung cấp các bản mềm của SGK để chuyển đồi in sách chữ nổi và sách phóng to. Cần có các phần mềm chuyên dụng để chuyển đổi file hình ảnh, văn bản từ chữ thường sang chữ Braille, các phần mềm dịch chữ thường sang chữ nổi để in sách chữ nổi…
Các ý kiến tại hội thảo đều cùng có chung quyết tâm, đó là nỗ lực cao nhất để chuyển đổi SGK mới sang sách chữ nổi Braille và chữ to cho học sinh khiếm thị. Đại diện các nhà xuất bản cũng thể hiện sự sẵn sàng tham gia, đồng hành, hỗ trợ công việc này; trong đó có việc cho sử dụng miễn phí bản thảo SGK đã chế bản, cũng như các sách tham khỏa, tài liệu bổ trợ khác; in SGK chữ to (khổ A3)…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc cần thiết phải chuyển đổi cả các SGK mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt sang sách chữ nổi Braille để đảm bảo quyền lợi cho học sinh khiếm thị.
Bộ GD&ĐT giao Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi SGK sang sách chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị, chỉ đạo Dự án Đổi mới Giáo dục phổ thông (RGEP) và các Nhà xuất bản liên quan thực hiện việc chuyển các SGK sang sách chữ nổi; tổ chức thực hiện biên tập, chế bản; cuối cùng, ra các bản mẫu của SGK cho các trường sử dụng. “Công việc cần bắt tay thực hiện ngay để trước mắt có thể xong bản mẫu đối với các SGK lớp 1 đã được phê duyệt trong tháng 5-6/2020” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.