Bài học từ sự đổi thay bất ngờ của một học sinh cá biệt

Bài học từ sự đổi thay bất ngờ của một học sinh cá biệt

Đến lúc này, Lê Hùng Cường thấy mình thật may mắn khi có buổi nói chuyện “không hứng thú” với diễn giả Đào Ngọc Cường. Sau buổi nói chuyện, cậu học sinh lớp 11 đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, thái độ của mình. Từ một cậu học sinh hư, nghiện điện tử, lấy trộm tiền của bố mẹ, cậu đã trả lại chiếc điện thoại thường dùng để chơi game cho bố mẹ, chuyên tâm vào học hành và sống có khát vọng.

Bằng những lời chân thật, gần gũi cùng với một trái tim luôn nồng ấm của một người cha, người thầy đã chạm đến trái tim nhiều gai góc của cậu học sinh lớp 11. Sau vài ngày cảm hoá, nhờ biết cách giáo dục phù hợp, hiểu được tâm lý tuổi teen, diễn giả Đào Ngọc Cường đã gieo vào tiềm thức của cậu học sinh lớp 11 cách yêu bản thân, trách nhiệm với gia đình và tương lai.

Từ một teen sống bất cần, khi được khuyến khích và ghi nhận giá trị cá nhân, Lê Hùng Cường đã thay đổi tư duy, sống tích cực và có ước mơ hoài bão, có niềm tin vào tương lai, đặc biệt là cảm nhận được giá trị của tình yêu gia đình.

Bài học từ sự đổi thay bất ngờ của một học sinh cá biệt ảnh 1
Diễn giả Đào Ngọc Cường trong một buổi nói chuyện với học sinh.

Dưới đây là chia sẻ của em Lê Hùng Cường về cuộc gặp gỡ với diễn giả Đào Ngọc Cường, đã tạo thay đổi lớn trong cuộc đời của cậu học sinh lớp 11.

“Các bạn ạ, trước khi viết những dòng này thì thật sự tôi đang khủng hoảng, khủng hoảng về mọi mặt. Tôi cảm thấy cuộc sống quá đỗi khó khăn. Tại sao tôi phải học suốt ngày trong khi điều tôi thực sự muốn xem tivi và chơi điện tử. Mọi người có quyền tự do lựa chọn cuộc sống của mình hoặc có thể làm điều họ thích cơ mà. Những thứ tôi muốn là tivi và điện tử cơ mà. Nhưng tôi đã thực sự sai lầm.

Trước đây, tôi luôn nghĩ việc gì tôi làm cũng đúng, nên đã làm những việc mà khi ấy tôi cho là bình thường. Những việc tôi làm thì thôi khỏi bàn, từ việc bỏ học đi chơi điện tử từ đầu cấp 2, rồi tự ý mua điện thoại để trông như người lớn. Những bản kiểm điểm, cam kết cứ dần nhiều lên, mọi người cũng mất dần sự tín nhiệm và quan tâm tới tôi. Nhưng tôi cứ mặc kệ, tưởng rằng đó chỉ là biểu hiện của sự ghét bỏ và quan tâm thái quá tới cuộc sống riêng của tôi. Và rồi điểm số các môn cứ tụt dần đều. Thầy cô liên tục nhắc nhở và gọi điện cho bố mẹ nhưng cũng chẳng khiến tình hình khá hơn. Bố mẹ cứ mắng thì tôi lại hứa sẽ sửa đổi, thầy cô nhắc thì em hứa sẽ cố gắng hơn.

Cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua mà giờ đây tôi cũng đã đi được 2/3 chặng đường cấp 3 rồi. Nhưng tôi chấp nhận với cuộc sống luôn đầy tiếng la rầy mà mặc định nó là bình thường. Bố mẹ bất lực với tôi và cuối cùng, với niềm tin mình chẳng còn gì để mất ngoài việc phải bỏ tiền,… Và rồi thật may mắn, tôi đã được gặp diễn giả Đào Ngọc Cường- người giúp cho tôi hiểu cuộc đời mà tôi đang sống thực sự không đáng.

Ban đầu, tôi không thực sự biết đến cuộc nói chuyện giữa tôi và diễn giả Đào Ngọc Cường cũng như không hứng thú với việc phải dành ra buổi chiều của mình để nói chuyện với một người mà mình chưa hề quen. Nhưng cuối buổi nói chuyện tôi đã thay đổi hoàn toàn thái độ của mình.

Bài học từ sự đổi thay bất ngờ của một học sinh cá biệt ảnh 2
Em Lê Hùng Cường học sinh lớp 11 Trường THPT Hoàng Hoá 4, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá)

Thầy Cường với những lời nói rất chân thật đã khiến tôi phải suy nghĩ rất lâu về những điều thầy nói. Thầy không đề cập đến những vấn đề tôi học hành giỏi hay dở, cũng không dùng những ngôn từ mạnh bạo để tôi phải nghe theo nhưng những lời nói của thầy đã chạm tới đáy lòng của tôi. Thật xấu hổ khi là học sinh của một lớp chọn mà tôi lại không biết 1 sào bằng bao nhiêu mét vuông (mặc dù nơi tôi sống rất nhiều ruộng) hay những bài toán chi tiêu hằng ngày trong gia đình tưởng như rất đơn giản nhưng lại là thứ tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Những giảng giải, phân tích của thầy đều khiến tôi cảm thấy tự trách móc bản thân.

Thì ra bấy lâu nay bố mẹ vẫn nhịn ăn nhịn mặc để dùng những đồng lương còm cõi nuôi chúng tôi ăn học, mà tôi lại đang dùng chính những đồng tiền mồ hôi nước mắt ấy để tiêu pha vào những trò vô bổ và lãng phí mất tuổi xanh của mình. Tôi còn chưa bao giờ mở miệng hỏi thăm bố mẹ lấy một câu khi họ đau ốm hay đi làm về mệt mỏi. Nỗi thất vọng với bản thân lúc đó không sao tả xiết. Nhưng thầy Cường đã không trách móc tôi lấy một lần, thầy không thấy ở tôi là một con người vô cảm và vô trách nhiệm. Thầy thấy ở tôi sự khát khao và tài năng chỉ là do phát huy chưa đúng chỗ. 

Các bạn không biết, thật sự lúc đó tôi không tin tôi là một người có tài năng. Một con người luôn bị la rầy, không có sự tín nhiệm của mọi người, lúc nghe được câu nói ấy sẽ cảm thấy ra sao, chắc nhiều bạn hiểu rõ. Thầy chỉ lấy dẫn chứng rằng với niềm tin của mình, tôi đã làm cho chiếc điện thoại dính vào mặt mình được. Và đó cũng là lúc niềm tin trong tôi được thắp lên mãnh liệt rằng: TÔI CHẮC CHẮN LÀM ĐƯỢC.

Niềm tin của tôi càng mãnh liệt hơn nữa khi tôi đọc quyển sách mà thầy đưa cho: “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Các bạn không thể tin tôi thay đổi thế nào khi tôi đọc quyển sách đó đâu. Thái độ, niềm tin, sự đam mê, tất cả đều được thổi bùng lên khi chính tác giả đã khẳng định:’Tôi tài giỏi, bạn cũng thế’. Tôi không còn nói năng một cách cộc lốc, hay nóng giận vô cớ. Tôi đã thực sự tin là tôi làm được, dám ước mơ tới những điều cao cả và từ bây giờ tôi phải thay đổi để đạt được ước mơ của mình.

Môn Ngữ văn của tôi không tốt nên tôi cũng sẽ không dùng những ngôn từ hoa mỹ để lấy lòng các bạn, nhưng tôi thực sự khuyên các bạn - những bạn đồng trang lứa, nhỏ hơn hay thậm chí lớn hơn tôi: Các bạn là những thiên tài, không ai có thể phủ nhận điều đó. Còn nếu các bạn đang cảm thấy mình thật vô dụng thì đó là do các bạn chưa tận dụng hết khả năng của mình thôi. Đừng để đến lúc 30-40 tuối rồi mới nghĩ lại rằng giá như hồi đó mình thay đổi thì có lẽ giờ đã tốt hơn, đừng để những thú vui nhất thời làm ảnh hưởng đến cuộc đời vui vẻ sau này của bạn. Tôi không có quyền phán xét, hay ép buộc các bạn phải nghe theo, nhưng hãy tin tôi: “Thà khổ một lúc còn hơn khổ cả đời.”

Theo diễn giả Đào Ngọc Cường, các bậc phụ huynh cần thấu hiểu tâm tư của con mình trong độ tuổi “ẩm ương” để khích lệ, động viên con hợp lý, kịp thời, vun đắp cho những ước mơ của con thành hiện thực. Sau vài buổi chia sẻ tâm tư với thầy Cường, hiện học sinh Lê Hùng Cường đã tự nguyện trả lại điện thoại – công cụ chơi game cho bố mẹ. Tiết chế và học cách nói năng, giao tiếp lịch thiệp, học tập và vui chơi theo thời gian biểu. Em cũng tình nguyện hướng dẫn thầy cô và các bạn học sinh toàn trường sử dụng phầm mềm học trực tuyến được an toàn và hiệu quả. Đây là bước tiến quan trọng, là ghi nhận ban đầu cho một hành trình thay đổi của một học sinh “cá tính” đã may mắn tìm được lý tưởng sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ