Bài học của hiệu trưởng

GD&TĐ - Quan sát mô hình giáo dục thành công trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – cho rằng, mỗi hiệu trưởng đều phải đứng vững và giải quyết đồng bộ cả 3 yếu tố cơ bản.

TS Nguyễn Tùng Lâm và thầy trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh:http://dinhtienhoang.org
TS Nguyễn Tùng Lâm và thầy trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh:http://dinhtienhoang.org

Đó là: xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; tổ chức và quản lý chất lượng giáo dục; vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục, khoa học quản lý để bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương thức giáo dục, phương pháp quản lý.

Trong đó, xây dựng đội ngũ chỉ là một yếu tố cơ bản; yếu tố tổ chức quản lý, vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục cùng với điều kiện cơ sở vật chất cũng phải được trang bị, hoàn thiện đồng bộ với những yêu cầu khác của đổi mới giáo dục, hiệu trưởng mới phát huy hết vai trò và đảm bảo thành công.

“Mới đây Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chuẩn đánh giá Hiệu trưởng các trường phổ thông theo 5 tiêu chuẩn. Chúng tôi hy vọng thực hiện được những tiêu chuẩn này chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ quản lý, các hiệu trưởng có đủ phẩm chất năng lực thực hiện đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông”.

TS Nguyễn Tùng Lâm

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, hiệu trưởng, chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Đặc biệt, Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý trường chất lượng cao phải thấm nhuần những yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ quản lý trường học. Trước hết họ phải có văn hóa quản lý.

Trên cơ sở những tư tưởng của tác giả Geoffreef Jamets (2011) với tài liệu “Khám phá bí mật quản lý: Tám niềm tin cốt lõi” nói về văn hóa của các CEO trong nền kinh tế thị trường, trên cơ sở tác giả tổng kết 100 cuộc phỏng vấn của CEO thành công, TS Nguyễn Tùng Lâm đã biên tập, xây dựng thành 8 tiêu chuẩn văn hóa quản lý của người Hiệu trưởng Việt Nam hiện nay. Cụ thể như sau

Sản phẩm của trường học trước hết là nhân cách người học và người dạy

Lấy sự phát triển nhân cách của học sinh và giáo viên làm thước đo sự phát triển bền vững của nhà trường. Tập trung năng lực quản lý cho việc “Dạy tốt – học tốt” tạo ra một môi trường làm việc tự chủ, sáng tạo có văn hóa của tất cả các bộ phận trong nhà trường, phấn đấu đạt những mục tiêu, sứ mệnh của mỗi nhà trường.

Mỗi nhà trường là một cộng đồng, cùng nhau hiến thân cho sự thành công và phát triển

Coi trường học của mình như là một nơi tập hợp những hy vọng, hoài bão và ước mơ của mỗi cá nhân. Tất cả đều được kết nối với những mục đích lớn lao, cao đẹp của nhà trường mà do chính mỗi cán bộ giáo viên đã tôn vinh.

Họ truyền cảm hứng để mỗi cán bộ giáo viên có thể tập trung hiến thân cho sự thành công và phát triển lớn mạnh của mỗi nhà trường, của các đồng nghiệp và cho bản thân mỗi người.

Quản lý là tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải để kiểm soát và bắt lỗi

Luôn thiết lập những quy tắc chỉ đạo chung và cam kết có đủ các nguồn lực giúp cán bộ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

Để cho các bộ phận được chủ động đưa ra các quyết định, các phương pháp riêng của mình và chỉ can thiệp trong những trường hợp cán bộ giáo viên không thực hiện đúng các mục tiêu nguyên tắc đã thống nhất: Luôn giúp cán bộ giáo viên nhận ra những thiếu sót của mình và giúp đỡ họ tự sửa chữa tự hoàn thiện bản thân.

Sự xuất sắc, sáng tạo, hiệu quả của mỗi cán bộ giáo viên luôn được tôn trọng

Luôn đối xử với mỗi cán bộ giáo viên như là những người quan trọng nhất trong mỗi nhà trường. Sự xuất sắc sáng tạo và hiệu quả là những tiêu chí luôn được tôn trọng ở khắp mọi lĩnh vực, từ mỗi lớp học đến văn phòng nhà trường.

Kết quả là cán bộ giáo viên ở mọi bộ phận tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, trước kết quả mỗi công việc họ được giao. Họ luôn được khích lẹ làm theo cách riêng của mỗi người nhưng lại hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chung của nhà trường.

Động lực ở mỗi nhà trường xuất phát từ tầm nhìn, sự sáng tạo

Động lực ở mỗi nhà trường xuất phát từ tầm nhìn, sự sáng tạo không phải từ sự sợ hãi. Luôn luôn truyền cảm hứng cho mọi người hướng về một tương lai tốt đẹp hơn và luôn gợi mở để mỗi cán bộ giáo viên của trường sẽ là một phần của tương lai tốt đẹp đó.

Kết quả là, các cán bộ giáo viên làm việc tích cực hơn, hiệu quả hơn bởi vì họ tin tưởng vào mục tiêu của mỗi nhà trường, tận tâm sáng tạo với công việc họ đang làm. Và tất nhiên họ biết họ sẽ được chia sẻ những thành quả mà họ đã làm nên. Họ tự hào về những đóng góp của họ cho sự thành công chung của mỗi nhà trường.

Mọi công việc ở mỗi nhà trường phải trở nên vui vẻ, không thể là sự mệt nhọc

Luôn xem công việc như là một điều thú vị hiển nhiên và tin tưởng rằng công việc quan trọng nhất của người quản lý là giao đúng việc cho từng người và làm cho họ thật sự hạnh phúc khi họ làm việc. Mọi người đều thấy đến trường để được cống hiến, sáng tạo, được chia sẻ và giúp đỡ, không có sự khó khăn trở ngại nào làm họ nản chí, gục ngã.

Ứng dụng CNTT và các tiến bộ khoa học ký thuật, khoa học Tâm lý giáo dục

Ứng dụng CNTT và các tiến bộ khoa học ký thuật, khoa học Tâm lý giáo dục là con đường dẫn đến thành công của mỗi nhà trường. Luôn có ý thức gương mẫu và tạo mọi điều kiện để Cán bộ giáo viên nhà trường học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ khoa học giáo dục vào mọi hoạt động của nhà trường.

Luôn thích ứng với “hệ thống công nghệ thông tin” để nâng cao hiệu quả quản lý làm cho mọi hoạt động của nhà trường vào nề nếp quy củ hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Đổi mới toàn diện, triệt để để phát triển bền vững

Đổi mới toàn diện, triệt để để phát triển bền vững. Động viên được cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Luôn coi sự đổi mới như là một phần tất yếu của cuộc sống không đổi mới không thể phát triển kịp thời đại. Họ không coi đổi mới là vì lợi ích riêng của mình, họ biết thành công chỉ có thể xảy ra nếu cán bộ giáo viên và nhà trường đón nhận những ý tưởng mới và cách thức mới để làm việc có hiệu quả hơn. Họ luôn học hỏi để tự thay đổi mình mới có cơ hội tạo ra những đổi mới đột phá cho mỗi nhà trường.

Luôn quan tâm đến việc động viên, thu hút cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội cùng tham gia các hoạt động giáo dục, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong mỗi nhà trường.

Thủ lĩnh và người truyền lửa

"Vai trò hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần mà trước hết họ còn phải là nhà giáo dục, vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục.

Hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường, mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ; biết xây dựng văn hóa tổ chức (văn hóa học đường).

Muốn có kết quả đó, hiệu trưởng phải giúp mỗi nhà giáo cũng phải có đủ phẩm chất, năng lực; nhân cách của nhà giáo phải đủ lớn để làm tấm gương dẫn dắt học trò; là người nắm được những phẩm chất, năng lực cần có của học sinh; có khả năng vận dụng thành thạo trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh" - TS Nguyễn Tùng Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.