Chuẩn hiệu trưởng: Con đường thành công của nhà trường...

GD&TĐ - Theo PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến – Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chuẩn hiệu trưởng là những quy định về các năng lực cơ bản mà người hiệu trưởng trường phổ thông phải có, được diễn đạt thành các tiêu chuẩn, tiêu chí và các bậc năng lực.

Mục đích của Chuẩn hiệu trưởng nhằm để hiệu trưởng tự đánh giá, làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch học tập... Ảnh minh họa/internet
Mục đích của Chuẩn hiệu trưởng nhằm để hiệu trưởng tự đánh giá, làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch học tập... Ảnh minh họa/internet

Cách tiếp cận xây dựng Chuẩn hiệu

Chuẩn hiệu trưởng là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông.
PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến

PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến – phân tích: Mục đích của Chuẩn hiệu trưởng nhằm để hiệu trưởng tự đánh giá, làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch học tập, tự hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường.

Đồng thời làm căn cứ để cấp dưới nhận định, đánh giá, giám sát, góp ý cho hiệu trưởng, góp phần tạo dựng môi trường dân chủ, kỷ cương, tích cực.

Mặc khác Chuẩn hiệu trưởng còn làm căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục sử dụng trong công tác quản lý nhằm phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông và cũng là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông.

Cách tiếp cận xây dựng Chuẩn hiệu trưởng khá đa dạng, có thể dựa trên việc xác định các yêu cầu công việc và nhiệm vụ mà hiệu trưởng phải thực hiện trong nhà trường; có thể dựa trên những yêu cầu về năng lực và phẩm chất cá nhân đáp ứng những đặc điểm của hoạt động và quan hệ quản lý ở trường học; có thể dựa trên các yêu cầu và tiêu chí đánh giá về các chỉ số thành tích của nhà trường, có thể tiếp cận theo nội dung cơ bản của quản lý chất lượng một trường học và yêu cầu nhân cách của người hiệu trưởng…

“Dù tiếp cận nào thì Chuẩn hiệu trưởng đều hướng người hiệu trưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trường học và dẫn nhà trường đến thành công” - PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Cần bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn hiệu trưởng. Ảnh minh họa/internet
Cần bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn hiệu trưởng. Ảnh minh họa/internet

Bồi dưỡng cán bộ quản lý theo Chuẩn hiệu trưởng

Nói về công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng, PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến – cho rằng: Việc đầu tiên là cần xác định đối tượng nhu cầu mục tiêu bồi dưỡng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng.

Việc xác định đối tượng được bồi dưỡng sẽ nắm bắt được đặc điểm nhu cầu của họ để từ đó xây dựng được kế hoạch nội dung và có phương pháp bồi dưỡng thích hợp. Trên cơ sở kết quả sàng lọc các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, có thể chia đối tượng được bồi dưỡng trên cơ sở phân loại chức danh quản lý:

Một là, bồi dưỡng cần thiết - dành cho những cán bộ quản lý đã được bổ nhiệm nhưng chưa được đào tạo bồi dưỡng về quản lý;

Hai làm bồi dưỡng đại trà - dành cho những cán bộ quản lý nguồn hay những người có nhu cầu bồi dưỡng hạt nhân dành cho những cán bộ quản lý nguồn.

Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến, mọi chương trình bồi dưỡng phải gắn liền với việc phân tích nhu cầu của đối tượng bồi dưỡng và các mục tiêu được xác lập đều phải cụ thể và có thể đo lường được. Từ các mục tiêu này các thành tố của khung kế hoạch và chương trình bồi dưỡng mới được hình thành trong mối tương quan giữa mục tiêu, nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và thời gian.

Ngoài ra, cần xác định được nhu cầu bồi dưỡng Chuẩn hiệu trưởng, bởi đây là một trong những bước quan trọng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng.

Xác định nhu cầu bồi dưỡng dựa trên kết quả đánh giá thực hiện công việc hằng năm của cán bộ quản lý, mức độ đạt Chuẩn hiệu trưởng, nhu cầu mong muốn của cá nhân cán bộ quản lý.

“Việc xác định nhu cầu bồi dưỡng gắn với nội dung bồi dưỡng, vì vậy vấn đề đặt ra phải xác định được mỗi đối tượng cần bồi dưỡng năng lực gì ở bậc nào?..” - PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến nêu vấn đề; đồng thời nhấn mạnh:

Tùy theo loại hình bồi dưỡng, đối tượng bồi dưỡng để lựa chọn, xây dựng chương trình phù hợp. Tuy nhiên, chương trình bồi dưỡng phải đảm bảo các tiêu chí: Chương trình phải bám sát yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục hiện nay và điều kiện quản lý cụ thể, phải đảm bảo tính phù hợp với nội dung, đối tượng bồi dưỡng.

Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng là một con đường nâng cao chất lượng đội ngũ. Ảnh minh họa/internet.
Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng là một con đường nâng cao chất lượng đội ngũ. Ảnh minh họa/internet.

3 loại hình bồi dưỡng theo Chuẩn hiệu trưởng

Xuất phát từ thực tế, PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến đề xuất 3 loại hình bồi dưỡng cán bộ quản lý theo Chuẩn hiệu trưởng:

Một là, bồi dưỡng theo chương trình quy định chung: Bồi dưỡng theo quy định chung của ngành. Trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương và nhu cầu của đối tượng bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng thường xuyên bao gồm chương trình bắt buộc và chương trình mở rộng.

Hai là, tự bồi dưỡng: Tự bồi dưỡng, tự học thường xuyên là con đường thuận lợi nhất, có hiệu quả nhất để nâng cao trình độ tay nghề và hoàn thiện nhân cách cán bộ quản lý.

Việc tự bồi dưỡng và tự học của cán bộ quản lý có thể được thực hiện thông qua thực hành trải nghiệm thực tế quản lý, chủ động tham gia các chương trình bồi dưỡng trong và ngoài ngành giáo dục, tập huấn chuyên đề tham gia các lớp trung cấp chính trị quản lý nhà nước, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp...

Bà là, đào tạo tiếp nối nâng chuẩn đào tạo và nâng chuẩn năng lực: Việc đào tạo nâng cao trình độ và chuẩn năng lực đang là mối quan tâm hàng đầu để nâng cao chất lượng đội ngũ. Các cán bộ quản lý có thể tham gia các khóa đào tạo chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học như: đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng là một con đường nâng cao chất lượng đội ngũ. Điểm quan trọng nhất trong tổ chức bồi dưỡng là các cơ sở giáo dục khi thực hiện hoạt động bồi dưỡng cần luôn cập nhật, linh hoạt cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của môi trường quản lý, sự thay đổi của nhu cầu và năng lực cá nhân cán bộ quản lý, của các cơ sở giáo dục phổ thông có thể đặt ra những yêu cầu đó cần có, điều chỉnh những nhiệm vụ cụ thể của người cán bộ quản lý tại từng cơ sở giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ