Để thực hiện chủ trương này cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản trong đó, người cán bộ quản lý giáo dục nói chung, cán bộ quản lý trường học nói riêng phải có những năng lực mới, đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà trường.
Cần đổi mới Chuẩn hiệu trưởng?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện NCKH Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, ở Australia, quy định về Chuẩn Hiệu trưởng cho thấy: Hiệu trưởng hỗ trợ để kiến tạo tương lai. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của học sinh để các em có thể trở thành người học thành công, cá nhân sáng tạo tự tin và công dân hành động.
Chuẩn hiệu trưởng được hiểu là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với hiệu trưởng về các lĩnh vực phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản trị nhà trường, năng lực xây dựng môi trường giáo dục và năng lực xây dựng quan hệ xã hội.
Thực tế cho thấy, hầu hết việc đánh giá hiệu trưởng hiện nay không phản ánh thực tiễn năng lực của hiệu trưởng, việc đánh giá nặng về hình thức, do vậy kết quả đánh giá không chính xác, không hỗ trợ được phát triển năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng.
Việc đánh giá hiệu trưởng theo Chuẩn chưa đáp ứng được mục đích phân loại hiệu trưởng: Theo kết quả đánh giá có đến 90% hiệu trưởng được xếp loại xuất sắc. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý trường học, việc điều chỉnh, bổ sung Chuẩn hiệu trưởng là cần thiết.
Những phẩm chất và năng lực căn bản của một CBQL
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, người lãnh đạo trường học ngoài các năng lực, phẩm chất của một nhà giáo còn cần phải có tố chất của nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Có thể khái quát những phẩm chất và năng lực căn bản của một người lãnh đạo trường học với 5 yếu tố chính là:
Thứ nhất, có những năng lực và phẩm chất nền tảng vững chắc như: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, vững vàng về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm: Hiểu biết những xu hướng giáo dục hiện đại, chương trình giáo dục; Chủ động, sáng tạo trong công việc; Có khả năng tự học, tự phát triển.
Thứ ba, có năng lực quản trị nhà trường: Có năng lực quản trị chiến lược; Quyết đoán, có bản lĩnh đổi mới, dám đương đầu với thử thách; Linh hoạt và chấp nhận thay đổi. Đảm bảo thực hiện tốt các chức năng quản lý trường học: Phát triển đội ngũ, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục, quản lý tài chính, cơ sở vật chất, hành chính, quản lý kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục nhà trường.
Thứ tư, có năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ. Thực hiện dân chủ trường học, cởi mở, công bằng, công khai minh bạch trong mọi hoạt động của nhà trường. Xây dựng văn hóa nhà trường, duy trì một tổ chức học tập hỗ trợ để mọi học sinh tiến bộ trong học tập.
Thứ năm, có năng lực xây dựng và phát triển các mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng xã hội. Hiệu trưởng xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường với cộng đồng; trao đổi, thông tin và cùng nhau giải quyết các vấn đề về giáo dục học sinh và phát triển nhà trường, cộng đồng.
Sẽ đào tạo bồi dưỡng CBQL phù hợp với từng đối tượng
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, để khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá hiệu trưởng theo Chuẩn, cần làm cho mỗi hiệu trưởng hay cán bộ nguồn hiệu trưởng hiểu rằng: Chuẩn hỗ trợ họ tìm ra và phát huy các năng lực tốt nhất của họ, đồng thời xác định đúng nhu cầu cần học tập để tiến bộ liên tục, phát triển lên bậc cao hơn.
Có 5 tiêu chuẩn để đánh giá hiệu trưởng như: Phẩm chất chính trị và đạo đức ngoại ngữ; Năng lực chuyên môn nghiệp vụ; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; Năng lực hoạt động xã hội. Mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí. Ví dụ tiêu chuẩn 5. Quản trị nhà trường có các tiêu chí mô tả tiêu chuẩn như: Lập kế hoạch phát triển nhà trường; Quản trị hoạt động giáo dục HS; Quản trị tổ chức, hành chính; Quản trị nhân sự; Quản trị tài chính, CSVC; Quản trị chất lượng giáo dục.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cũng cho biết, sau khi hoàn thiện Chuẩn, sẽ đánh giá nhu cầu học tập của CBQL theo Chuẩn, từ đó Bộ GD&ĐT, các địa phương, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sẽ phát triển các chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu học tập của CBQL theo từng nhóm đối tượng.
Đối với CBQL ở bậc 1 sẽ có các chương trình căn bản. Đối với bậc 2 trở lên học bồi dưỡng thường xuyên sẽ có các chương trình phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ: CBQL đang rất yếu về quản trị tài chính, sẽ cung cấp các khóa bồi dưỡng về chủ đề này cho người học. Đối với CBQL bậc 3 trở lên sẽ được học để hỗ trợ đồng nghiệp ở địa phương về quản trị nhà trường.
Việc học tập lâu nay chủ yếu là học tập trung, số lượng người được tham gia học tập không nhiều, không đáp ứng được yêu cầu học tập thường xuyên, liên tục của hiệu trưởng.
Vì vậy sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có chủ trương đẩy mạnh học tập trực tuyến kết hợp với học tập truyền thống, tăng cường chia sẻ tri thức trực tiếp giữa các CBQL với nhau, các chuyên gia từ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD với CBQLGD, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng với các cơ quan QLGD đế bồi dưỡng cái mà người hiệu trưởng cần để thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đổi mới GDPT.