“Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ: Tài năng, nhân cách để lại cho đời

GD&TĐ - “Bài ca ngất ngưởng” được coi như tác phẩm tổng kết lại cuộc đời của Nguyễn Công Trứ - con người bản lĩnh tài hoa, cá tính mang nét đặc trưng tiêu biểu của mẫu hình nhà Nho tài tử.

Thể hiện ở cả hai phương diện: Con người công dân (phận vị) và con người cá nhân (riêng tư).

Tài năng và chí khí

Nguyễn Công Trứ xuất thân trong gia đình quan lại nhỏ cuối triều Lê Trịnh. Khi ông chào đời, nhà Lê đã bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng rồi tan rã, nhường vai trò lịch sử cho nhà Tây Sơn trong một thời gian ngắn rồi đến sự hình thành nhà Nguyễn. Lớn lên trong một xã hội đầy biến động nhưng ngay từ khi còn là chàng “bạch diện thư sinh”, ông đã nung nấu sở nguyện giúp vua, cứu đời (Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông).

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi rồi tuần du Bắc Hà, Nguyễn Công Trứ đã đón đường dâng “Thái bình thập sách” những mong lọt vào tầm nhìn của Gia Long để có cơ hội “trí quân trạch dân”, tiếc thay kế sách ấy đã không được nhà vua để ý tới. Lận đận với trường ốc đến mãi năm 1819 ông mới đỗ Giải nguyên (khi đã ngoài 40 tuổi), đến năm 1820 khi vua Minh Mạng lên ngôi ông mới được bổ dụng chức Hành tẩu ở Quốc sử quán (tức tập sự một chức quan nhỏ trong bộ phận biên soạn  lịch sử).

Từ đây con đường hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ mới chính thức bắt đầu với bao thăng trầm như chính ông tâm sự “Lợm mùi giáng chức với thăng quan”, mặc dù cả ba đời vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) vừa không muốn dùng ông vừa không thể không dùng ông (Đỗ Lai Thúy). Tuy nhiên, không khi nào ông nản lòng mà luôn giữ bản lĩnh bởi thăng giáng với ông không là chuyện vinh nhục mà ông sống với bản chất của một người luôn hết lòng, tận tụy phục vụ triều đình.

Ở cương vị nào ông cũng đem hết tâm nguyện của mình ra cống hiến. Con người bản lĩnh, tài hoa, cá tính mang những nét đặc trưng của mẫu hình nhà Nho tài tử, điều đó được thể hiện rõ nhất trong “Bài ca ngất ngưởng”.

Ngay mở đầu bài thơ, Nguyễn Công Trứ đã coi mọi việc trong trời đất đều là phận sự của ông Hi Văn tài bộ (biệt hiệu của Nguyễn Công Trứ). Ông dấn thân vào lồng (làm quan) bởi đó là con đường duy nhất để thực hiện chí nam nhi của mình, là cách để ông có thể giúp đời:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Nguyễn Công Trứ cũng thật tự hào khi điểm lại những chức vụ mình đã trải qua như Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc, Phủ doãn… Chỉ nghe qua những chức vụ ấy đã thấy ông là người gánh vác những trọng trách lớn lao, một con người có tài kinh bang tế thế:

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên

Ông được triều đình cử đi dẹp loạn khi Thái Nguyên, Thái Bình, lúc Quảng Ngãi… nhưng với tầm nhìn chiến lược của mình, ông cho rằng muốn dẹp được loạn trước hết phải làm cho dân có cuộc sống ấm no, yên ổn. Ông đã dâng sớ xin vua Minh Mạng cho khai khẩn vùng đất bồi ven biển Ninh Bình, Thái Bình để dân lưu tán có nơi định cư, ổn định cuộc sống, trên cơ sở đó hình thành hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Ngay từ lúc ông còn sống, nhân dân nơi đây đã lập sinh từ (đền thờ khi sống) để ghi nhớ công ơn của vị Doanh điền sứ hết lòng vì dân.

Tranh vẽ Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Tranh vẽ Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Cuộc đời là cuộc chơi

Bên cạnh một con người phận vị, còn một Nguyễn Công Trứ - con người cá nhân trong một xã hội thường phủ nhận vai trò cá nhân. Điều đó được ông thể hiện rất rõ khi cởi mũ áo trở về cuộc sống đời thường. Một vị đại thần khi hưu quan lại cưỡi bò vàng, che mo cau sau đuôi con bò cái để “che miệng thế gian”, đi ngất ngưởng giữa cuộc đời, như một sự thách thức với cuộc đời.

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục

Có thể nói, hưởng lạc đã trở thành một nhu cầu tất yếu hàng ngày ở con người Nguyễn Công Trứ, ông không ngần ngại thổ lộ điều đó: Trăm năm trong cõi người ta/ Xóc sổ tính ngày chơi đà được mấy hoặc Cuộc hành lạc chơi bao là lãi bấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù. Khi về hưu quan, cởi bỏ mọi ràng buộc danh lợi, ông càng có điều kiện thỏa mãn những nhu cầu hưởng lạc và nhận ra Chen chúc lợi danh đà chán ngắt/ Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao? Trong xã hội ấy mấy ai dám sống như Nguyễn Công Trứ, ở ông có cả sự tận hiến và tận hưởng, hai điều đó đều ở mức tuyệt đối.

Nguyễn Công Trứ là một mẫu hình nhà Nho tài tử tiêu biểu, ở con người ông cả nét thị tài (có tài, cậy tài) và đa tình (giàu cảm xúc) đều nổi trội. Chính những nét đa tình đã giúp ông bày tỏ con người cá nhân của mình một cách tự nhiên, hồn nhiên, vượt lên sự được mất, khen chê ở đời. Xét cho cùng đó là con người ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân, nhưng ông luôn ý thức về nghĩa vua tôi, ý thức bổn phận, trách nhiệm của một bề tôi trung thành, mẫn cán:

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Tổng kết lại bài hát nói cũng là tổng kết lại cuộc đời, Nguyễn Công Trứ so sánh mình với Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật - những nhân vật nổi tiếng đời Hán, đời Tống để khẳng định mình: Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung. Bởi dù sao ông cũng đứng trên lập trường của một nhà Nho nên tam cương phải đặt lên hàng đầu như ông từng tuyên bố: Hay tám vạn ngàn tư mặc kệ/ Không quân thần phụ tử đếch ra người.

Khi tiếp cận thơ văn Nguyễn Công Trứ, nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn lưu ý: “Sáng tác của một nhà nho trung đại như Nguyễn Công Trứ cho thấy, cần vận dụng lý luận liên văn bản và lý thuyết tiếp nhận cho văn học trung đại Việt Nam một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều quan trọng là cần phân biệt con người tác giả tiểu sử và con người nghệ thuật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ”.

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) tự  Tồn Chất, biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông để lại cho hậu thế khoảng 150 tác phẩm trên nhiều thể loại nhưng thành công nhất ở thể loại hát nói. “Bài ca ngất ngưởng” là một trong những tác phẩm hát nói xuất sắc nhất của ông thể hiện cá tính tài tử của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ