Chân dung tinh thần của nhà nho Nguyễn Khuyến trong “Thu điếu”

GD&TĐ - Thu điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến nằm trong chùm ba bài thơ thu “nức danh nhất” trong văn học trung đại Việt Nam. Bài thơ tạo dựng được một bức tranh “điển hình hơn cả cho làng cảnh Việt Nam”. Sau mỗi dòng thơ, mỗi hình ảnh thơ, chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét bức chân dung tinh thần của một nhà nho với cốt cách thanh cao và tấm lòng yêu nước thầm kín. 

“Thu điếu” tạo dựng được một bức tranh điển hình cho cảnh làng quê Việt. Ảnh minh họa: IT
“Thu điếu” tạo dựng được một bức tranh điển hình cho cảnh làng quê Việt. Ảnh minh họa: IT

Nguyễn Khuyến là người tài năng, là một nhà nho có cốt cách thanh cao, thâm trầm, có tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Qua cái nhìn phát hiện của nhà thơ Xuân Diệu, tất cả những phẩm chất cao quý ấy hiện lên thật tinh tế: “Bức ảnh cụ Nguyễn Khuyến cầm chén rượu hạt mít này tôi yêu quý lắm. Người cụ đẹp, đôi lông mày và đôi mắt đa tình hơn là thơ cụ (…) đầu đội khăn lượt nghiêm trang, dáng vẻ đàng hoàng trịnh trọng như các nhà nho xưa, như ánh lên tài hoa chứ chẳng khô khan chút nào (…) tôi quý trọng cái chén rượu hạt mít thanh cao trong những ngón tay thanh nhã này ở ảnh cụ Tam nguyên Yên Đổ.

Trong thời thế ấy nó là một thách thức, một đắc ý, một sáng tạo” (Tiểu luận phê bình Đọc thơ Nguyễn Khuyến). Cốt cách của nhà nho Nguyễn Khuyến không chỉ hiện lên trong một bức ảnh, qua con mắt của nhà phê bình tài hoa Xuân Diệu mà còn ẩn trong rất nhiều các sáng tác của ông.

Nguyễn Khuyến đã để lại một số lượng sáng tác lớn, gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, với trên 800 bài, chủ yếu là thơ. Tiêu biểu là Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.

Thu điếu nằm trong chùm ba bài thơ thu “nức danh nhất” trong văn học trung đại Việt Nam. Bài thơ tạo dựng được một bức tranh “điển hình hơn cả cho làng cảnh Việt Nam”. Sau mỗi dòng thơ, mỗi hình ảnh thơ, chúng ta có thể hình dung bắt gặp một cách rõ nét bức chân dung tinh thần của Nguyễn Khuyến - một nhà nho với cốt cách thanh cao và tấm lòng yêu nước thầm kín.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến

1.Toàn bộ bài thơ Thu điếu là một bức tranh thu đặc trưng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Trung tâm của bức tranh mùa thu là hình ảnh “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Từ chiếc thuyền con giữa lòng ao nhỏ, cái nhìn của thi nhân bao quát xung quanh: Mặt nước ao thu lạnh lẽo, trong veo đến hết độ của sắc trong; sóng biếc hơi khẽ gợn; ngang tầm mắt là “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.

Cái nhìn ấy sau đó lại hướng lên trời cao để thu vào một khoảng trong xanh vời vợi, lơ lửng như yên tĩnh từ muôn đời. Thế rồi, ánh nhìn lại vội trở về mặt đất, bắt gặp “ngõ trúc quanh co” uốn lượn men theo lối đi của vô vàn những chiếc ao nhỏ vùng đồng bằng chiêm trũng này. Tầm mắt quay trở lại điểm dừng là chiếc thuyền câu bởi “thanh động” của tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo.

Trong Thu vịnh, nhà thơ Nguyễn Khuyến hướng đến cái cao, cái xa, cái thanh của bầu trời “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, Thu ẩm lại được quan sát từ “Năm gian nhà nhỏ thấp le te” và đôi mắt đầy tâm sự -“không vầy cũng đỏ hoe”. Với Thu điếu, cái nhìn đi từ tầm gần đến cao xa rồi quay trở lại. Dường như bản thân sự di chuyển ánh nhìn ấy đang theo chiều hướng thu dần, hẹp dần lại, để rồi đứng yên ở một điểm, cứ thế nhìn ngược vào bên trong thăm thẳm của thế giới tâm trạng.

Trong thế giới ấy, chân dung tinh thần của một nhà nho trước sự đổi thay của thời cuộc được phác họa một cách rõ nét. Nhuốm trong từng cảnh thu, sắc thu là tâm trạng u hoài, một cõi lòng vắng lặng mênh mang và cả nỗi cô đơn “Đời loạn đi về như hạc độc” (Cảm hứng) của một nhà nho bất lực trước thời thế.

2.Thu điếu mở ra trước mắt người đọc một bức tranh thu tĩnh lặng mang nét đặc trưng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Bức tranh thu với những hình ảnh rất quen thuộc: Ao thu, nước thu, thuyền câu, lá vàng, gió thu, trời thu, ngõ trúc… Tất cả dệt nên một không khí thu, sắc thu riêng của vùng đồng bằng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam. Ở đây, sự hòa phối của màu sắc đã đạt đến sự “thú vị”, như phát hiện của nhà thơ Xuân Diệu: “Cái thú vị của bài thơ là ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi”.

Đường nét trong bức tranh thu cũng thật mảnh mai, tinh tế: đường bao thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn của lượn sóng ao thu… Tất cả được bao bọc bằng một không gian nghệ thuật tĩnh lặng, vắng bóng người. Sự tĩnh lặng ấy được hiện lên bằng việc sử dụng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. Phải là một không gian tĩnh lặng đến gần như tuyệt đối mới có thể thấy rõ cái “hơi gợn tí” của sóng biếc mặt ao và chút “khẽ đưa” của lá vàng.

Cảnh thu, sắc thu, không gian thu tạo cho chúng ta cảm nhận “rất là đất nước nhà mình, có thật, rất sống”. Đó chỉ có thể là sự khúc xạ của một tâm hồn gắn bó thiết tha với thiên nhiên, với quê hương đất nước.

Đằng sau bức tranh thu “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng quê Việt Nam” ta bắt gặp chân dung tinh thần của một nhà nho trước thời cuộc.

Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ lớn cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam. Người trí thức đã đạt đến đỉnh cao học vấn và hoan lộ ấy sinh ra không gặp thời. Nỗi niềm day dứt, u hoài của lương tâm, trách nhiệm của người trí thức từng đứng đầu cả ba kì thi, vì phải bó tay trước những đòi hỏi của thời cuộc khiến cụ Tam nguyên Yên Đổ phải từ quan ẩn dật. Tâm sự ấy, khi hiện lên bằng giọng điệu trào phúng thâm thúy, nhưng phần đa được gửi gắm qua mảng thơ trữ tình.

Thu điếu không phải là ngoại lệ. Trong bức tranh thu, trong gam màu lạnh của sắc xanh: Xanh nước, xanh sóng, xanh trời… trong khí thu hiu hắt, dường như có cái se sắt trong lòng nhà thơ. Trong vế đối với “hơi gợn tí” của “sóng biếc” là “khẽ đưa vèo” của lá. “Khẽ đưa” đối chỉnh với “gợn tí”, nhưng chữ “vèo”, miêu tả tốc độ bay của lá thì thật không phù hợp với mức độ “khẽ đưa”. Phải chăng, sau dáng bay “vèo” của lá thu chính là cảm nhận về thời thế của nhà thơ?

Nguyễn Khuyến từng đỗ đầu cả ba kì thi (thi Hương 1864, thi Hội và thi Đình năm 1871), được vua ban cờ biển có viết hai chữ “Tam nguyên”. Ông ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn. Lúc này, Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1885, chúng tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi, nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã.

Sống giữa thời kì các phong trào yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc, ông đành xin cáo quan về ở ẩn. Thời thế đổi thay nhanh quá, giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của vị Tam nguyên Yên Đổ không thực hiện được. Thoáng chốc non sông đã rơi vào tay kẻ thù, vị đại khoa chỉ biết ngậm ngùi “dặn các con”: “Sách vở ích gì cho buổi ấy” (Ngày xuân dặn các con). Sự thay đổi của thời cuộc được cảm nhận trong cả cái vèo bay của “lá vàng”. Nhà tho Tản Đà về sau cũng có tứ thơ như vậy:

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế có ngần ấy thôi

(Cảm thu tiễn thu)

Trong kết cấu thơ thất ngôn bát cú Đường luật, cặp câu 5, 6 thường là bàn luận, mở rộng những suy tư, chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình được gợi ra từ hai câu thực (câu 3, 4). Trong bài thơ Thu điếu, vẫn nằm trong mạch thơ, tứ thơ về mùa thu, vẫn là những hình ảnh quen thuộc đặc trưng của mùa thu nhưng trong đó ẩn chứa nỗi niềm tâm sự sâu kín của nhà thơ:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Hình ảnh “trời xanh ngắt” được trở đi trở lại trong cả ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Trong Thu vịnh, đó là “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”; trong Thu ẩm là “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Và một lần nữa, trong Thu điếu, đó lại là “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.

“Xanh ngắt” là màu xanh có chiều sâu. Trời thu xanh ngắt một màu thăm thẳm vừa gợi được cái sâu, cái lắng của không gian, vừa gợi cái nhìn vời vợi của thi nhân. Trong màu “xanh ngắt” của bầu trời dường như có cả sắc màu của nội tâm, của dòng suy tư của một nhà nho vì thấy bất lực trước cuộc đời. Nhưng cùng với cái trong của nước thu, trời thu xanh ngắt cao rộng kia như tấm gương soi khí tiết của nhà nho Tam nguyên Yên Đổ.

“Tầng mây lơ lửng” giữa bầu trời cao rộng như mang theo cả sự lửng lơ trong tâm trạng con người.

Tâm trạng thời thế cuối cùng được thu về trong dáng vẻ của ngư ông:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Hai câu thơ gợi lên ấn tượng về sự tĩnh lặng của không gian. Chỉ một tiếng cá đớp động dưới chân bèo mà thanh động cả thế giới thu nhỏ trong ao thu. Thủ pháp dùng cái động để nói cái tĩnh trong bài thơ một lần nữa phát huy hiệu quả nghệ thuật của nó trong việc biểu hiện mỗi u hoài tĩnh lặng trong cõi lòng người câu cá.

Câu cá hay câu cá mùa thu tồn tại trong thơ ca cổ Trung Quốc và Việt Nam như một đề tài quen thuộc. Ngoài những bài thơ vịnh nghề ngư trong tứ nghệ - ngư, tiều, canh, mục, hình ảnh nhân vật trữ tình cùng với chiếc cần câu thường để chỉ cái thú trong lúc thư nhàn, có khi đồng nghĩa với việc lánh đục tìm trong, thể hiện thái độ quay lưng lại với chính sự, lại có khi mang dáng dấp của một hành động ẩn nhẫn đợi chờ thời cơ. Trong bài thơ Thu điếu, cơ chế tâm hồn chi phối sự kể, tả của tác giả có lẽ cần được cắt nghĩa trên khía cạnh tinh thần như thế.

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến khép lại, ấn tượng để lại sâu đậm trong lòng người đọc có lẽ cái thanh và tĩnh. Nhưng thanh và tĩnh không chỉ là sự tồn tại vốn có của sự vật mà nó còn là điểm hội tụ của tâm hồn đã ủ sẵn nỗi muộn sầu tìm gặp với cảnh sắc thiên nhiên. Có thể nhu cầu thổ lộ tâm trạng u hoài đã dẫn lối để nhân vật trữ tình tìm tới và biểu hiện những gì làm toát lên ấn tượng thanh và tĩnh.

Chính sự hài hòa giữa cảnh và tình đã đem đến vẻ đẹp tinh tế cho bài thơ. Chân dung tinh thần của Nguyễn Khuyến trong Thu điếu vừa mang dáng vẻ của một nhà nho lạc bước giữa thời cuộc vừa mang vẻ đẹp thuần khiết của một tâm hồn yêu thiên nhiên, thiết tha với quê hương, đất nước.

Chân dung tinh thần của  Nguyễn Khuyến trong Thu điếu vừa mang dáng vẻ của một nhà nho lạc bước giữa thời cuộc vừa mang vẻ đẹp thuần khiết của một tâm hồn yêu thiên nhiên, thiết tha với quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ