Thơ ca Trung đại Việt Nam: Văn hóa “quy ẩn” của các nhà Nho

Thơ ca Trung đại Việt Nam: Văn hóa “quy ẩn”  của các nhà Nho

Điều này được thể hiện đậm nét trong các sáng tác thơ ca thời Trung đại...

Rời xa chốn quan trường

“Xuất sử hành tàng”,“lánh đục tìm trong”, đó là cách ứng xử của các Nho sĩ thời phong kiến. Khi mà xã hội mục ruỗng, rối ren đến mức không thể hòa đồng, cũng không cải thiện được thì các nhà Nho đã tự nguyện “quy ẩn” để rời xa chốn thị phi, quan trường bon chen để lui về quê nhà, vui thú với chốn điền viên mà giữ được phẩm cách của mình.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. Ông là vị quân sư tài ba của Lê Lợi, là nhà Nho suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, cả cuộc đời ông luôn đau đáu một lòng với dân, với nước. 

Thế nhưng khi: “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/Dòng đời quanh nữa nước non quanh” (Bảo kính cảnh giới - Bài 9) thì Nguyễn Trãi không thể khoanh tay đứng nhìn bè lũ nịnh thần chia bè kết cánh, hoành hành khắp mọi nơi: “Ung dung cứ nói điều ta thích/Uốn gối theo đời không thể vâng” (Mạn hứng - Bài 2). 

Nhà thơ đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà từ hoàn cảnh xã hội và sự tự nhận thức, thôi thúc của tâm hồn mình: “Về đi sao chẳng sớm toan/Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi/Muôn chung chín vạc làm gì/Cơm rau nước lã nên tùy phận thôi” (Côn Sơn ca). 

Để rồi, khi trở về quê hương, ông hòa mình vào cuộc sống thanh bạch, bình dị, gần gũi với nhân dân, xóm giềng: “Lụp xụp lều tranh bé cửa hiên/Nhà quan tưởng chốn ẩn người hiền” (Tức sự).

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tên hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến là một nhà Nho có tư cách đạo đức, tài thơ văn, một nhà giáo có tiếng trong lịch sử Việt Nam. 

Sau 8 năm làm quan tại triều đình, sau khi ông dâng sớ xin nhà vua chém đầu 18 tên lộng thần nhưng không được vua chấp thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. 

Điều này được ông gửi gắm bao điều tâm sự trong những sáng tác thơ ca: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người tới chốn lao xao” (Nhàn). Nguyễn Bỉnh Khiêm tự coi mình là kẻ dại khờ giữa xã hội đầy rẫy những kẻ bon chen, nịnh bợ, giành giật. Ông tìm về nơi thanh vắng chốn quê nhà để rời xa chốn quan trường đầy thị phi, tìm về để có được sự thư thái trong tâm hồn: “Chốn điền viên cũ dầu thong thả/Đạo Thánh hiền xưa luống chốc mòng” (Nhân tình thế thái - Bài 15).

Sống nhàn tản tích cực

Rời xa chốn quan trường, các nhà Nho đã trở về nơi thôn quê, hòa mình vào cuộc sống thanh bạch, giản dị mà tươi đẹp chốn điền viên. Họ đã tìm được thú vui nhàn tản, được làm được điều mình thích, sống thuận theo tự nhiên và hòa mình vào thiên nhiên.

Khi trở về ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã tìm được không gian sống dân dã, bình dị và tìm được những giây phút thư thái, hiếm có trong cuộc đời: “Rồi, hóng mát thuở ngày trường/Hòe lục đùn đùn tán rợp giương” (Bảo kính cảnh giới - Bài 43). 

Ông đã cảm nhận được bức tranh quê ngồn ngộn sức sống, thấy cuộc sống làng quê yên ả, thanh bình: “Ao cạn vớt bèo cấy muống/Trì thanh phát cỏ ương sen” (Thuật hứng - Bài 24). Nhà thơ lắng nghe được những thanh âm của thiên nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên để quên đi những ưu phiền, bụi bặm: “Côn Sơn có đá rêu phơi/Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm/Trong ghềnh thông mọc như nêm/Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm/Trong rừng có bóng trúc râm/Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn” - (Côn Sơn ca).

Còn đối với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi trở về nơi quê nhà, ông hóa thân vào một lão nông vác cần câu đi câu cá, vác mai, vác cuốc đi làm đồng để vui thú với điền viên: “Một mai, một cuốc, một cần câu/Thơ thẩn dầu ai vui thú nào” (Nhàn). 

Ông tìm ở nơi ấy một triết lý sống, đó là sống thuận theo tự nhiên, mỗi mùa đều có những thú vui, những sản vật cho con người vẫy vùng, thưởng ngoạn: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen,hạ tắm ao” (Nhàn). Nhờ đó, danh lợi đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm nhẹ bẫng như cơn gió, tâm hồn được thảnh thơi, nhẹ nhõm: “Cuộc cờ đua chí dù cao thấp/Ta muốn thanh nhàn thú vị ta” (Thú nhàn).

Khi cáo quan về quê nhà, Nguyễn Công Trứ dường như không còn nghĩ đến công danh, bổng lộc hay những vướng bận chốn quan trường, ông tìm cho mình cách sống “ngất ngưởng” tự do, tự tại. Một mặt ông không hề hổ thẹn về công danh, sự nghiệp mình đã làm được, mặt khác, ông thích làm những điều mình thích, không hề bị ràng buộc bởi lễ giáo: “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng/...Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.../ Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng...” (Bài ca ngất ngưởng). 

Mặc kệ cho người đời có là ai, Nguyễn Công Trứ luôn sống thật là mình, khẳng định mình, không bị bất cứ ai, điều gì chi phối: “Ai say, ai tỉnh, ai thua được/Ta mặc ta mà, ai mặc ai” (Cầm kì thi tửu - Bài 1).

Đau đáu tấm lòng yêu nước thương dân

“Thân nhàn nhưng tâm không nhàn”, đó là điều chúng ta cảm nhận được ở nhà Nho Nguyễn Trãi. Mặc dù có lúc, có thời điểm ông cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn nhưng ông luôn đau đáu hướng về đất nước, về nhân dân. 

Tình cảm đó luôn trào dâng, cuồn cuộn trong tâm hồn: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng - Bài 5). Nguyễn Trãi từng mong ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong, mong muốn cho nhân dân khắp nơi, khắp chốn được ấm no hạnh phúc: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới - Bài 43). 

Tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi được thử thách qua thời gian, dù có trải qua biết bao đổi thay của thời thế nhưng trong tâm hồn ông vẫn vẹn nguyên lòng trung hiếu của một nhà Nho: “Bui có một lòng trung lẫn hiếu/Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật hứng - Bài 24).

Nhà thơ Nguyễn Khuyến hòa mình vào làng cảnh của đồng bằng Bắc bộ khi cáo quan nhưng lúc nào trong lòng ông cũng canh cánh ơn vua, nợ dân, nợ nước: “Ơn vua chưa chút đền công/Cúi xuống hổ đất, ngửa trông thẹn trời” (Di chúc). 

Trong tâm hồn của Tam Nguyên Yên Đổ dường như chất chứa những uẩn khúc, những nghĩ suy và lo lắng cho thời cuộc: “Tựa gối buông cần lâu chẳng được/Cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu). Cảnh tĩnh lặng mà tâm hồn đang trào dâng biết bao nỗi niềm, phải chăng đó là tấm lòng yêu nước thương dân, tư tưởng theo ông suốt cả cuộc đời.

Tư tưởng sống nhàn tản mà tích cực của các Nho sĩ luôn được gửi gắm trong những sáng tác thơ ca, một tư tưởng nhân sinh tiến bộ trong văn học Việt Nam thời trung đại. Đó có thể là những lời tự trào, là những cảm hứng tự nhiên, là những ẩn ý được gửi gắm trong câu chữ. Đọng lại trong tư tưởng ấy là tấm lòng yêu nước thương dân luôn đau đáu khôn nguôi trong tâm hồn của những nhà Nho.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ