“Nếu trên thực tế, người ta phát hiện ra rằng các thành viên Quốc hội là đồng phạm với cuộc nổi dậy này, nếu họ tiếp tay cho tội ác thì có thể phải có những hành động vượt ra ngoài Quốc hội về mặt truy tố” - bà Pelosi nói tại một cuộc họp báo.
Chủ tịch Hạ viện khuyến khích Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu Russel L.Honore “xem xét ngay lập tức cơ sở hạ tầng an ninh của Điện Capitol, các quy trình và thủ tục liên ngành cũng như việc chỉ huy và kiểm soát”.
Khi được hỏi về những cáo buộc của một số thành viên đảng Dân chủ rằng những kẻ bạo loạn có thể đã được hỗ trợ bởi các thành viên đang ngồi trong Quốc hội, bà Pelosi nói rằng việc này sẽ được “xem xét”.
“Để phục vụ ở đây với nhau, chúng ta phải tin tưởng rằng mọi người cần tôn trọng lời tuyên thệ nhậm chức của họ, tôn trọng thể chế này” - bà nói - “Chúng ta phải tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng những người đã đưa chúng ta tới đây. Chúng ta cũng phải có sự thật và điều đó sẽ được xem xét”.
Hôm 14/1, Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng đã mở cuộc điều tra để xác định cách Bộ Quốc phòng thực hiện các chính sách giải quyết chủ nghĩa cực đoan về tư tưởng trong lực lượng vũ trang trong bối cảnh xảy ra hỗn loạn ở Capitol khiến 5 người chết.
Trong một tuyên bố hôm qua, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller nói rằng mọi người xứng đáng có được “sự minh bạch” về những gì xảy ra ngày 6/1 và hứa Bộ Quốc phòng sẽ làm việc một cách “hoàn chỉnh, kỹ lưỡng và khiến các bên tham gia phải chịu trách nhiệm”. Ông cũng khen ngợi phản ứng của Bộ Quốc phòng đối với vụ bạo loạn.
Cuộc điều tra về vụ tấn công ở Capitol diễn ra trong bối cảnh có các báo cáo gần đây cho rằng một số kẻ bạo loạn đã tìm cách “bắt giữ và ám sát” các quan chức được bầu. Tuy nhiên, nhà chức trách liên bang cho biết hôm qua rằng “không có bằng chứng trực tiếp về các nhóm giết người và bắt giữ” trong số những kẻ tấn công vào Capitol.
TT Donald Trump đã bị luận tội vì “kích động bạo lực” nhưng ông phủ nhận trách nhiệm của mình về vấn đề này.