Theo tạp chí Military Watch Magazine, các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ đang nỗ lực đi tìm nguyên nhân khiến các Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 tiên tiến, mà Mỹ chuyển giao hỗ trợ quân sự cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, bị Nga vô hiệu hóa dễ dàng.
Theo bài báo, sau khi được Mỹ chuyển giao khoảng hơn nửa năm trước đây, các hệ thống pháo phản lực HIMARS đã được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi và gây ra nhiều thiệt hại cho quân Nga.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt này được vệ tinh Mỹ cung cấp tọa độ mục tiêu nên có độ chính xác cao, đã giúp Ukraine phá hủy nhiều kho đạn dược, trung tâm chỉ huy của Nga, đặc biệt là vụ tấn công vào cầu Crimea (cầu Kerch) đã làm giảm sức tấn công và khí thế của quân Nga.
Thậm chí, HIMARS còn được xem là vũ khí bước ngoặt trong chiến sự vì đã giúp Ukraine giành lại thành phố chiến lược Kherson mà không bị tổn thất quá nhiều binh lực.
Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, HIMARS tỏ ra ngày càng kém hiệu quả về độ chính xác. Giới truyền thông Ukraine hầu như không còn đưa tin về những chiến tích của M142, trong khi cơ quan quân sự Nga công bố ngày càng nhiều về các vụ bắn hạ, đánh chặn tổ hợp pháo phản lực này.
Bài báo nêu rõ, các hệ thống phòng không Nga bắt đầu bắn hạ chúng thường xuyên hơn, các quả đạn cũng thường xuyên bắn chệch mục tiêu nhiều hơn. Giới quân sự Ukraine vẫn chưa rõ làm thế nào Nga có thể làm giảm hiệu quả của các hệ thống này nhiều như vậy.
Bình luận về vấn đề này, giới chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, việc tổ hợp HIMARS của Mỹ không còn “làm mưa, làm gió” trên chiến trường Ukraine xuất phát từ việc Nga đã kết hợp hàng loạt các biện pháp chiến thuật và kỹ thuật để trực tiếp phá hủy các tổ hợp M142, làm giảm độ chính xác của quả đạn, tăng khả năng đánh chặn của phòng không Nga và vô hiệu hóa tầm bắn của HIMARS.
Những biện pháp đối phó của Nga
Theo các chuyên gia, đầu tiên, Nga đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật tác động trực tiếp đến độ chính xác của HIMARS, bằng cách sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu tín hiệu dẫn đường, điều khiển đạn từ vệ tinh Mỹ hoặc chế áp điện tử cả khu vực mục tiêu HIMARS có thể nhắm tới.
Bên cạnh đó, Nga còn tăng cường các hệ thống trinh sát pháo binh, ví dụ như hệ thống trinh sát âm thanh và hồng ngoại Penicillin, có khả năng phát hiện và định vị địa điểm đặt vũ khí vừa khai hỏa trong vòng có 5 giây, giúp pháo binh Nga phản pháo phá hủy các tổ hợp HIMARS.
Ngoài việc trực tiếp đánh vào HIMARS, gây nhiễu làm giảm độ chính xác của đạn, Nga cũng gia tăng khả năng đánh chặn bằng cách tăng cường hàng loạt tổ hợp phòng không tầm ngắn/thấp như Pantsir-S, Tor… sang chiến trường Ukraine để đánh chặn đạn có điều khiển của HIMARS.
Không chỉ nhắm trực tiếp vào HIMARS, Nga còn bố trí các sở chỉ huy, kho tàng hậu cần xa tiền tuyến, ngoài tầm bắn của để vô hiệu hóa tổ hợp pháo phản lực phóng loạt của Mỹ, nếu không, cũng kéo dài thời gian đạn bay đến mục tiêu, tăng khả năng đánh chặn.
Với tổ hợp những biện pháp như trên, Nga đã vô hiệu hóa hệ thống pháo phản lực của Mỹ, khiến Quân đội Ukraine mất đi một chỗ dựa vững chắc trong cuộc phản công mà họ dự định sẽ tổ chức trong thời gian tới.
Ngoài ra, các chuyên gia bình luận trên tạp chí Military Watch Magazine rằng, trong một cuộc chiến toàn diện, HIMARS và các vũ khí tấn công chính xác cao có tính năng tương tự sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều, vì trong một kịch bản như vậy, các cuộc tấn công sẽ được thực hiện chủ yếu nhằm vào các phương tiện dẫn đường và định vị mục tiêu, đặc biệt là vệ tinh của Mỹ.
Cho đến nay, Moscow vẫn kiềm chế chỉ gây nhiễu chứ không dùng tên lửa bắn hạ các vệ tinh Mỹ và NATO trong cuộc xung đột quân sự hạn chế ở Ukraine, dù Nga có khả năng và vẫn đang mở rộng hơn nữa khả năng chống vệ tinh của mình. Nhưng nếu chiến sự leo thang lên cấp độ cao hơn hoặc Mỹ cung cấp nhiều tổ hợp HIMARS hơn cho Ukraine, Nga từng tuyên bố sẽ không loại trừ việc bắn hạ vệ tinh.