Hạnh phúc khi trẻ biết đọc, biết viết
Sinh ra và lớn lên ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum), năm 2018 sau khi tốt nghiệp ra trường cô Y Dung (SN 1995) về giảng dạy tại trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Nhà cách trường hơn 150km, đường đi là những lối xuyên rừng nên thời gian đầu cả tháng cô Dung mới về thăm nhà.
Khoảng cách xa, đường lại khó đi nên mỗi lần từ trường về nhà cô Dung mất hơn 2,5 tiếng đồng hồ chạy xe máy. Những hôm mưa, té ngã trên đường hay dắt bộ qua đoạn sình lầy đã quá đỗi quen thuộc với nữ giáo viên. Thế nhưng cô Y Dung không cảm thấy vất vả, bởi cô biết rằng mình còn may mắn hơn nhiều học sinh khó khăn ngoài kia.
Cô Y Dung bảo rằng, ở huyện biên giới Ia H’Drai đa số phụ huynh là công nhân cạo mủ cao su. Thế nên mọi người sáng sớm đi làm, đến chiều tối mới về nhà, do đó ít có thời gian quan tâm đến con em. Chính vì vậy, giáo viên vừa là người thầy, người cô còn là người cha, người mẹ thứ 2 của lũ trẻ.
“Mình thấy thương học trò nhiều hơn, bởi các em thiệt thòi vì cha mẹ đi làm từ sáng đến tối. Có những em phải tự nấu cơm, đi bộ đến trường học chữ. Dù khó khăn nhưng lũ trẻ đi học chuyên cần và rất ngoan ngoãn”, cô Y Dung bộc bạch.
Học sinh ở điểm trường thôn Ia Đơr. |
Sau 3 năm giảng dạy tại trường chính, năm học 2022-2023 cô Y Dung xung phong vào điểm trường thôn Ia Đơr (trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành) dạy chữ. Điểm thôn cách trường chính 50km, đường lởm chởm đất đá nên hành trình dạy chữ của cô Y Dung khó khăn lại càng cơ cực hơn.
“Mình còn trẻ nên đi đâu cũng được và không cảm thấy khó khăn. Mình chỉ quan tâm các em được đi học, biết đọc và biết viết. Niềm hạnh phúc giản đơn của mình đôi khi là cành hoa dại, hay tấm thiệp chúc mừng với những nét chữ còn nguệch ngoạc của trò trong ngày 8/3 hay 20/11”, cô Y Dung bộc bạch.
Ước mong cho trò
Cô Y Dung mong sẽ có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa để trẻ vùng khó, vùng dân tộc thiểu số để các em có điều kiện tốt hơn khi đến lớp. |
Phụ trách lớp 1E ở điểm thôn với 10 học sinh, những ngày đầu, lũ trẻ lạ lẫm, chẳng chịu giao tiếp, có em khóc đòi về nhà. Để làm quen với trò, cô Dung tổ chức nhiều hoạt động “chơi mà học” bằng ngôn ngữ cơ thể. Dần dần lũ trẻ hào hứng và bắt chước làm theo nên cô trò ngày càng gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Từ những trò chơi, giao tiếp hàng ngày cô Dung khơi gợi hứng thú học tập cho học trò. Giờ đây, 10 học sinh lớp 1E đã tự tin đứng trước lớp giới thiệu về bản thân và thường xuyên tâm sự với giáo viên.
Em Hà Hoàng An (học sinh lớp 1E, dân tộc Thái) chia sẻ, gia đình có 3 chị em, ngoài giờ học em còn phụ cha, mẹ trông em. Khi đến lớp em được tham gia các trò chơi, như khoanh số, tìm chữ cái… nên rất vui.
“Em thích đi học lắm. Lên lớp cô Dung cho chúng em chơi nhiều trò chơi, xem tranh ảnh màu sắc”, em Hoàng An tâm sự.
“Học sinh nơi đây rất thích màu sắc và tranh ảnh nên thời gian rảnh rỗi mình lại cắt, dán để tạo ra nhiều trò chơi thú vị. Tuy nhiên, khả năng khám phá của trẻ là vô tận nên đôi lúc trò chơi mình làm ra còn hạn chế. Do đó, nếu có tivi thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp trẻ tiếp thu một cách tốt nhất.
Lớp ít học sinh nên mình thuận lợi khi hướng dẫn, dạy chữ cho trò. Thế nhưng đây cũng là một bất lợi vì không đa dạng hình thức tổ chức các hoạt động. Mình mong rằng sẽ có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa để trẻ vùng khó, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tốt hơn khi đến lớp”, cô Y Dung chia sẻ.
Thầy Quách Văn Vương - Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành cho biết, toàn trường có 721 học sinh theo học tại 5 điểm trường. Trong đó điểm trường thôn Ia Đơr là xa và khó khăn nhất. Một số giáo viên nhà xa, ở huyện Sa Thầy, hay thành phố Kon Tum cách trường hơn 100km nên việc đi lại rất vất vả.
Theo thầy Vương, cô Y Dung là một trong những giáo viên ở huyện Sa Thầy về địa phương giảng dạy. Mặc dù con đường đến trường khá xa, nhưng trong quá trình dạy học cô Dung rất nhiệt tình, có năng lực chuyên môn. Vừa qua, cô Dung xuất sắc đoạt giải Nhì trong Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện. Không những vậy, vừa là giáo viên, kiêm nhiệm Bí thư đoàn trường, năm học 2022-2023 cô Y Dung đã xung phong vào điểm thôn Ia Đơr để dạy chữ cho trò.
“Cô Y Dung tâm sự rằng muốn vào điểm khó khăn để giảng dạy nhằm thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với học trò. Là người địa phương nên cô sẽ thuận lợi hơn trong việc giao tiếp, vận động học sinh đến lớp”, thầy Vương nói.