'Kể cả F-35 cũng không có cửa thắng ở Ukraine'

GD&TĐ - Theo phân tích, kể cả có tiêm kích tàng hình F-35 thì Ukraine cũng không thắng nổi, bởi Nga sẽ hủy diệt chúng ở ngay các sân bay.

'Kể cả F-35 cũng không có cửa thắng ở Ukraine'

Ukraine muốn Mỹ viện trợ F-16 Fighting Falcon

Trong thời gian qua, các phi công Ukraine đã nhiều lần nói về sự áp đảo về số lượng và chất lượng của chiến đấu cơ Nga trước những loại máy bay chiến đấu của nước mình và cho rằng, chỉ có nhận được những chiếc tiêm kích hiện đại hơn của phương Tây thì họ mới chống nổi không quân Nga.

Thiếu tá Không quân Ukraine Vadim Voroshilov phàn nàn trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Telegraph của Anh hồi đầu tháng 4 rằng, máy bay chiến đấu Nga biết cách đưa phi công Ukraine vào bẫy phục kích rồi tấn công bất ngờ, khiến cho họ không thể trở tay kịp.

Theo anh ta, Không quân Nga luôn thay đổi chiến thuật, tạo ra các bẫy, dùng một máy bay làm mồi nhử đánh lừa máy bay Ukraine bay lên, rồi 2 đến 3 chiếc khác xuất hiện bất thần, bao vây và dễ dàng tiêu diệt nó. Do đó, số lượng chiến đấu cơ của Ukraine ngày càng ít đi.

Theo phi công Ukraine, Không quân nước này với số lượng máy bay ít ỏi và chất lượng kém hơn không thể làm gì được trước đối thủ mạnh hơn nhiều. Họ cho rằng chỉ khi các nhà tài trợ vũ khí phương Tây cho Kiev máy bay “tiên tiến hơn”, ví dụ như F-16 thì họ mới có thể bảo vệ các sân bay của mình, chiếm quyền kiểm soát không phận và hỗ trợ tấn công trên mặt đất.

Một bài viết trên tờ Defense Express của Ukraine mới đây cũng nêu bật tầm quan trọng của việc không quân Ukraine sở hữu tiêm kích hạng nhẹ đa năng F-16 của Mỹ để đối phó với các chiến đấu cơ dòng MiG và Su của Nga.

Theo bài báo, chiếc tiêm kích hạng nhẹ của Mỹ hoạt động đáng tin cậy hơn; đặc tính chiến thuật và kỹ thuật cũng như hệ thống chiến đấu trên những máy bay phương Tây vượt trội so với máy bay Nga, tầm bắn của tên lửa không đối không cũng xa hơn đáng kể so với các tên lửa loại máy bay Nga.

Ngoài ra, những máy bay phương Tây cũng có các hệ thống thiết bị khác trên máy bay đáng tin cậy, hiệu năng cao hơn, cho phép các phi công vận hành máy bay dễ dàng hơn, sử dụng tốt hơn tiềm năng chiến đấu của chúng.

Các chiến đấu cơ kiểu Liên Xô của Ukraine không phải đối thủ của không quân Nga

Các chiến đấu cơ kiểu Liên Xô của Ukraine không phải đối thủ của không quân Nga

Tờ Business Insider của Mỹ cũng tiết lộ những yêu cầu ngày càng cấp bách của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky với người đồng cấp Mỹ Joe Biden về việc cung cấp các thiết bị quân sự hiện đại hơn, chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-16 và máy bay không người lái MQ-9 Reaper.

Tờ báo Mỹ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị là ông Colin Kahl nói với các dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 28/2 năm nay rằng, Kiev đã có lúc xin tới 128 máy bay thế hệ thứ tư gồm F-15, F-18 và F-16, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã từ chối.

Điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố trên kênh truyền hình MSNBC rằng, Nhà Trắng không nghiên cứu việc cung cấp F-16 cho Ukraine mà chỉ ưu tiên chuyển giao các hệ thống mà Kiev chắc chắn sẽ cần đến trong thời gian tới là pháo, đạn dược, các phương tiện phòng không và xe bọc thép.

Mặc dù phương Tây vẫn không loại trừ hoàn toàn khả năng cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine, nhưng giới phân tích cho rằng, kể cả là Mỹ cung cấp cho Không quân Ukraine máy bay tiêm kích như F-16 hay thậm chí cả F-35 Lightning II thì cũng không gây ra nhiều khó khăn cho Nga.

F-16, F-35 cũng sẽ bị Nga phá hủy?

Theo một cựu binh không quân Hoa Kỳ đồng thời là cựu phi công F-16 là ông John Venable cho biết, tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ 4 là F-16 Fighting Falcon của Mỹ không thể vượt qua hệ thống phòng không của Nga, vì vậy chúng không phù hợp để sử dụng ở Ukraine.

Trang Business Insider dẫn ý kiến của ông John Venable cho biết, các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-16 thiếu tính năng tàng hình nên trong điều kiện chiến đấu sẽ hoàn toàn thất thế trước các hệ thống phòng không tiên tiến, chẳng hạn như hệ thống S-400 của Nga.

Theo người cựu binh này, tiêm kích F-16 chẳng làm được gì trên chiến trường hiện đại, nó càng không phù hợp với không quân Ukraine trong cuộc đấu với cường quốc quân sự như Nga, vì các hệ thống phòng không của Nga có thể dễ dàng phát hiện và tiêu diệt chiếc tiêm kích của Mỹ.

Tên lửa Nga sẽ hủy diệt cả F-16 lẫn F-35 ngay khi chúng còn đang trên đường băng

Tên lửa Nga sẽ hủy diệt cả F-16 lẫn F-35 ngay khi chúng còn đang trên đường băng

Venable lưu ý rằng, trong trường hợp đối đầu với lực lượng Phòng không-Không quân Nga, chính ông ta cũng không muốn bay qua Ukraine lúc này vì hiểu rằng những lần xuất kích như vậy “không có cơ hội thành công”.

Vị cựu binh không quân Mỹ kết luận rằng, việc Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev sẽ không ảnh hưởng gì đến cục diện của cuộc chiến và cũng không làm tăng cơ hội giúp Không quân Ukraine đạt được kết quả tích cực trong đợt phản công giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Thậm chí là giới phân tích còn cho rằng, ngay cả Mỹ có cung cấp chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của mình là F-35 Lightning II của mình cho Ukraine thì cũng sẽ thất bại trước Nga, bởi Moscow không chỉ có các hệ thống phòng không và chiến đấu cơ hiện đại, mà còn có nhiều tên lửa tấn công chính xác cao.

Theo nhà phân tích quân sự Michael Peck bình luận trên tờ Business Insider, trong trường hợp Mỹ thông qua quyết định cung cấp tiêm kích tiên tiến cho Ukraine, Nga sẽ phá hủy các sân bay của Ukraine ngay từ khi nước này chuẩn bị nhận máy bay phương Tây và sẽ tiếp tục phá hủy chúng ngay trên đường băng, trước khi cất cánh.

Theo ông, còn rất nhiều việc cần làm để đảm bảo các đường băng cũ kiểu Liên Xô của Ukraine đủ điều kiện cho máy bay phương Tây hoạt động mà không gặp phải nguy cơ vật thể lạ lọt vào làm hỏng động cơ. Bên cạnh đó, nhiều sân bay Ukraine có đường băng quá ngắn để máy bay phương Tây có thể tăng tốc lấy đà cất cánh.

Nhà phân tích lưu ý rằng Nga có tất cả các phương tiện để theo dõi việc bắt đầu sửa chữa sân bay và giáng đòn tấn công chính xác vào chúng. Các vệ tinh Nga có thể quan sát rõ ràng công việc sửa chữa và mở rộng đường băng, đếm số lượng máy bay trên đường băng và xác định chủng loại của chúng để giáng đòn tấn công ngay từ khi chúng chưa cất cánh.

Chuyên gia khẳng định một thực tế là tất cả các sân bay của Ukraine đều nằm gọn trong tầm bắn của tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo Nga, còn việc cho đến nay Moscow chưa tấn công sân bay chỉ vì chưa xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng về hàng không từ phía Ukraine.

Tuy nhiên, một khi các chiến đấu cơ hiện đại của phương Tây được cung cấp cho Kiev thì ngay lập tức các sân bay nước này sẽ là mục tiêu quan trọng nhất cần phải hủy diệt và khi đó, ai cũng rõ số phận những chiếc tiêm kích tiên tiến của như F-16 hay F-35 Mỹ cũng không khác gì chiến đấu cơ cũ của Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.