Sở Công Thương Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đến từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán về sức mua hiện vẫn còn những ẩn số.
Chuẩn bị dự trữ hàng Tết (Ảnh minh họa) |
Tập trung sản xuất hàng Tết
Theo dự báo của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Giáp Ngọ năm 2014 tăng khoảng 15-18% so với các tháng trong năm. Một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%.
Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân Thủ đô, Sở Công Thương dự toán lượng lương thực phục vụ dịp Tết vào khoảng 65.000 tấn/tháng; 10.000-12.000 tấn lợn hơi/tháng; khoảng 6.000 tấn thịt và 6 triệu quả trứng gia cầm; 90.000 tấn rau củ quả. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng dự kiến mức tiêu thụ thực phẩm chế biến sẽ tăng từ 20-25% so với các tháng khác trong năm.
“Thành phố tự cung tự cấp được một số lượng lớn các loại hàng hóa phục vụ Tết. Còn lại một số mặt hàng như: Thực phẩm chế biến, lúa gạo, thịt lợn, rau củ quả… vẫn phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận. Chúng tôi đã lên kế hoạch sẵn sàng để đảm bảo nguồn hàng”- lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, kế hoạch cung ứng hàng Tết đã được Sở Công Thương gửi đến cả các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Các doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, xăng dầu, doanh nghiệp làng nghề và các chợ đều tham gia cung ứng hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết này.
Lo ngại sức mua
Theo quy luật, sức mua sẽ tăng cao nhất trong dịp Tết hàng năm, kéo giá cả tăng theo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia thương mại dự báo, nhiều mặt hàng vẫn tăng giá vào dịp Tết. Ví dụ, giá bán thịt gia cầm dự kiến tăng 5-10% trong tháng Tết. Tương tự, mặt hàng thủy hải sản có thể tăng thêm 10-15% trong dịp cao điểm này.
Với mặt hàng thịt lợn- mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhất trong các loại thực phẩm tươi sống dịp Tết thì thời tiết trở lạnh những tháng cuối năm cộng với diễn biến khó lường của dịch bệnh có thể khiến nguồn cung thịt giảm đúng dịp Tết. Vì vậy, giá thịt lợn được dự báo mất thế ổn định từ đầu năm đến nay và tăng khoảng 10%.
Lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cho hay, tăng giá hàng Tết là việc làm bất khả kháng vì chi phí đầu vào đã tăng lên rất nhiều. “Sức mua chưa được cải thiện và tăng giá càng tạo áp lực lên việc tiêu thụ hàng hóa”- vị lãnh đạo này chia sẻ.
Cùng chung nỗi lo này, ông Trịnh Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Tràng An nhấn mạnh: “Hàng Tết chỉ bán được bằng Tết năm ngoái đã là thành công vì biểu đồ bán hàng từ đầu năm đến nay cho thấy, sức mua giảm nhẹ. Giá hàng Tết cũng tăng khoảng 5-10%”. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Bánh kẹo Tràng An, tháng 12 Âm lịch sẽ là thời gian cao điểm mua sắm. Khi đó, các gian hàng lưu động phục vụ Tết của các doanh nghiệp sẽ được triển khai để phục vụ người dân.
Theo ANTĐ