Startup nữ - sự thật và lầm tưởng

GD&TĐ - Tiếp nhận những thực tế dù là phũ phàng, đương đầu với thử thách và phá bỏ rào cản xã hội, rào cản từ bản thân. Hiểu đúng, làm đúng sẽ giúp những nữ khởi nghiệp nhanh chóng khẳng định thành công cá nhân.

Nhiều phụ nữ quan tâm đến khởi nghiệp có mặt tại chương trình FounderGirls Power Talk
Nhiều phụ nữ quan tâm đến khởi nghiệp có mặt tại chương trình FounderGirls Power Talk

Bỏ công sức gấp 5 - 10 lần

“Phụ nữ lựa chọn startup không chỉ là sự nghiệp mà còn là lựa chọn thái độ sống. Dấn thân vào con đường khởi nghiệp, phụ nữ nên chuẩn bị tâm lý để đón nhận nhiều thay đổi trong cuộc sống ở bản thân và những người thân”, chị Thi Anh Đào - Giám đốc điều hành Isobar Vietnam, thuộc Dentsu Aegis Network chia sẻ.

Lần đầu tiên, tại sự kiện của FounderGirls Power Talk, phụ nữ có được cái nhìn tổng thể và sâu sắc về hai mặt đối lập trong khởi nghiệp - “Sự thật” và “Lầm tưởng”. Mặc dù kinh doanh là phi giới tính nhưng đối với phụ nữ khởi nghiệp vẫn có những đòi hỏi đặc biệt để vượt qua các rào cản xã hội, rào cản của chính nội tại bên trong, “thậm chí bỏ công sức gấp 5,10 mới có thể được ghi nhận”, chị Anh Đào cho biết thêm.

Trong làn sóng phát triển mạnh mẽ khởi nghiệp tại Việt Nam, phụ nữ nhận được nhiều hỗ trợ từ các đề án của chính phủ cũng như cộng đồng hỗ trợ nữ khởi nghiệp như FounderGirls, WISE (Mạng lưới Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh Việt Nam),… Tuy nhiên, nhiều lầm tưởng về nữ khởi nghiệp là một thực trạng đáng chú ý.

Nhiều phụ nữ có xu hướng chọn bạn thân để cùng sáng lập vì cho rằng họ dễ dàng hiểu những ý định kinh doanh của mình, đồng thời dễ cảm thông và trở thành chỗ dựa tinh thần trong quá trình startup lắm gian nan. Chị Anh Đào cho biết: “Chọn bạn thân để trao niềm tin không sai nhưng để tìm co-founders (người đồng sáng lập) thì phải chú trọng yếu tố có cùng hệ giá trị theo đuổi và có chuyên môn ở các lĩnh vực khác để bổ trợ lẫn nhau”.

Phụ nữ vẫn vấp phải rất nhiều định kiến trong xã hội khi bị cho rằng họ chỉ khởi nghiệp theo phong trào và chỉ làm tốt trong một số lĩnh vực “nữ tính” như làm đẹp, dinh dưỡng, y tế…

Thực tế, vị thế của nữ doanh nhân đã được khẳng định mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Theo danh sách của Forbes Việt Nam, nhiều tên nữ lãnh đạo có tầm hưởng đến nền kinh tế hiện đại được nhắc đến như bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), bà Chu Thị Thanh Hà (FPT Telecom), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air), bà Nguyễn Thị Thiên Thanh (Cơ điện lạnh REE),…

Chị Thi Anh Đào cho biết: “Cuộc sống hằng ngày, phụ nữ dành nhiều thời gian để bận tâm các vấn đề thực phẩm sạch, giáo dục cho con, sức khỏe gia đình, cộng thêm tính cách chu đáo, tỉ mỉ vốn có nên nhiều startup nữ tìm thấy lợi thế khi khởi nghiệp các lĩnh vực liên quan”.

Nói về lầm tưởng lợi thế từ sự nữ tính “trời cho” các nữ startup, chị Anh Đào cho biết: “Phụ nữ mềm mỏng không đồng nghĩa yếu đuối. Miễn là họ biết tranh luận vì mục đích gì thì họ vẫn hoàn toàn có thể thuyết phục được đối tác hay chủ đầu tư. Ngược lại, sự nhạy cảm của phụ nữ đôi khi khiến họ chăm chút tiểu tiết mà bỏ qua các vấn đề lớn thực sự cần giải quyết”.

Đội chiếc nón to hơn đầu

Quá trình khởi nghiệp cũng là quá trình phụ nữ khám phá và phát triển bản thân. Sự nhạy cảm của phụ nữ có thể giúp họ dễ dàng nhận ra các cơ hội hay sự cầu toàn giúp họ mau chóng phát triển bản thân. Điều quan trọng là mức độ vừa phải và đặt đúng chỗ.

Là nhà sáng lập Isobar Vietnam (trước đây là Emerald Consulting), khởi nghiệp từ năm 24 tuổi, chị Thi Anh Đào chia sẻ: “Doanh nghiệp của tôi từng thay máu gần như 50% do tôi quá nôn nóng, áp lực nhân viên. Làm mẹ là bước ngoặt quan trọng thay đổi tôi khi nhận ra tại sao mình có thể kiên nhẫn giải thích cho con nhưng lại không làm việc đó với nhân viên. Sau đó, tôi nhận ra mỗi người làm việc đều có cách thức riêng. Nên để nhân viên hiểu họ đang làm cái họ mong muốn, chắc chắn sẽ đem lại kết quả tích cực”.

Phụ nữ khởi nghiệp ngoài đảm nhiệm vị trí “đứng mũi chịu sào” cho doanh nghiệp còn nhiều vị trí khác như làm mẹ, làm vợ… Chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống gần như không thể. Khi đã chọn con đường khởi nghiệp, phụ nữ nên sẵn sàng chấp nhận sự thật sẽ nghĩ về nó 24/7 và cần sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là người chồng.

Cả thế giới chỉ có 2% có khả năng làm nhiều việc cùng lúc, trung bình con người mất 15 -30 phút để chuyển sang từ việc này sang một việc khác. Giống như cái máy nếu liên tục bật tắt sẽ tiêu tốn thời gian và năng lượng, thay vào đó tập trung làm một việc, tăng tốc và nhanh chóng hoàn thành sẽ hiệu quả hơn.

Đa phần, phụ nữ là người vướng nhiều vào sai lầm cố gắng làm quá nhiều việc cùng lúc. Với một startup vốn nhỏ, một người đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường nhưng cần lưu ý không nên giải quyết cùng lúc.

Những định kiến xã hội như bất bình đẳng giới, tư tưởng phụ nữ chỉ nên tập trung cho gia đình đã vô tình khiến nhiều phụ nữ cảm thấy “đội chiếc nón to hơn đầu” khi quyết định khởi nghiệp.

Chị Anh Đào chia sẻ: “Trở thành lãnh đạo đồng nghĩa là mọi trách nhiệm đều thuộc về bạn. Chúng ta phải chấp nhận kết quả dù thắng hay thua. Tôi cũng đã mất 3 - 5 năm làm quen với điều đó. Nhưng không sao cả, chỉ cần bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bạn đã có 50% chiến thắng”.

Chị Lê Nguyễn Vân Anh từng đảm nhận vị trí Giám đốc sản xuất tin tức cho kênh CNN châu Á, nhà sáng lập FounderGirls cho biết: “Thất bại không đáng sợ. Đó chỉ là bài học để đi đến thành công. Hãy trân trọng vị trí làm vợ, làm mẹ, chia sẻ với người bạn đời để họ hiểu hơn về giá trị mà những nữ khởi nghiệp đang nỗ lực mang đến cho xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.