Cụ Lập sinh năm 1923 tại thôn Cổ Dương (Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội). Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chàng thanh niên Đinh Văn Lập hăng hái tham gia hoạt động bí mật tại địa phương.
Trong Kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, cụ hoạt động tại chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, cụ công tác tại ngành năng lượng.
Từ năm 1960 tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Thủy điện Thác Bà. Năm 1970, cụ được điều động về công tác tại Tổng cục Địa chất cho đến khi được nghỉ chế độ hưu trí vào năm 1984.
Cụ kể, đầu những năm 80 của thế kỷ XX là thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn, đời sống thiếu thốn, mọi sinh hoạt vật chất eo hẹp. Tiền lương hưu của hai cụ ít ỏi nên cụ cùng với cụ bà sớm hôm cuốc xới, chăm bẵm vườn rau, củ, quả... trên khu vườn ông cha để lại (cả đất nhà và vườn rộng 1.197m2).
Cũng nhờ vậy mà hai cụ nuôi được các con khôn lớn, giúp đỡ các cháu nội, ngoại ăn học (hai cụ có 3 người con trai, 1 người con gái, trong đó người con trai cả chiến đấu và đã hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1974).
Đặc biệt, cụ luôn chú trọng trong việc giữ cho mình một cái Tâm. Cụ bảo, để tâm được sáng thì lòng phải luôn thanh thản, vui vẻ, độ lượng, không chỉ với con cháu người thân trong nhà mà còn đối với tất cả mọi người.
Tâm sáng sẽ giảm đi những áp lực tinh thần không cần thiết và nó sẽ giúp cho mình được khỏe mạnh hơn. Có lẽ vì thế mà khi gặp cụ luôn thấy một cảm giác dễ gần, dễ trò chuyện thân mật và đó cũng là một cách để cụ rèn luyện tinh thần.
Kể về thời gian sinh hoạt của mình, cụ cho biết: Khoảng 9 giờ 30 hằng ngày cụ đi xe buýt từ Đông Anh sang nghỉ ngơi ở gian nhà được Nhà nước hỗ trợ trên phố Trần Hưng Đạo, 14 giờ đi xe buýt lên bơi ở Trung tâm Thể thao Ba Đình.
Những năm trước, cụ còn bơi được 600 - 700m, nay chỉ bơi khoảng 300 - 400m là nghỉ, không cố, cố quá nhỡ đuối sức thì nguy. Rồi cụ cười hóm hỉnh: Rèn luyện tuy không mất tiền nhưng cũng không tham, phải biết lượng sức mình. Luôn rèn luyện thể chất và tinh thần là bí quyết để cụ sống vui, sống khỏe.