Liên hợp quốc (LHQ) hiện là tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh với 193 nước thành viên. Với nhiệm vụ và quyền hạn được cộng đồng quốc tế giao phó trong Hiến chương, Liên hợp quốc có vai trò và đóng góp sâu rộng đối với mọi mặt của đời sống quốc tế, tham gia điều phối các nỗ lực quốc tế giải quyết hầu hết các vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, quyền con người, giải trừ quân bị…
Liên hợp quốc khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương
Vừa qua, ngày 21-9 (sáng 22-9, giờ Việt Nam), tại Niu Oóc (Mỹ), Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ) đã được tổ chức trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Ðại hội đồng LHQ Khóa 75. Phiên họp được tổ chức theo hình thức Lãnh đạo các nước ghi hình phát biểu trước để phát trực tiếp tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Trong tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên hợp quốc khẳng định các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ, hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Tuyên bố nêu rõ đại dịch Covid-19 không chỉ gây nên sự chết chóc mà còn khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, tình trạng đói nghèo và bất an gia tăng. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh nhân loại đang vươn tới một thế giới bình đẳng hơn và phát triển bền vững hơn; kêu gọi thế giới đoàn kết vượt qua đại dịch và nâng cao năng lực ứng phó thách thức trong tương lai.
Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rết khẳng định, các nước cần hợp tác và thế giới cần có hệ thống đa phương, mà trong đó, LHQ cùng các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực và tổ chức thương mại hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhau. Ông nhấn mạnh thế giới cần có hệ thống đa phương bao trùm, dựa trên nền tảng chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cả giới trẻ trên toàn cầu.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi “Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc” cùng với 106 Lãnh đạo cấp cao và 67 Bộ trưởng các nước thành viên Liên hợp quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Nhân dân Việt Nam quyết tâm cùng tất cả các dân tộc trên thế giới gìn giữ hoà bình, thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 và lá cờ Việt Nam sẽ tung bay tại thêm nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn cầu. Tôi tin rằng với quyết tâm cao và nỗ lực mạnh mẽ chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình và tương lai tươi sáng cho hôm nay và mai sau".
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn cộng đồng quốc tế đã tín nhiệm bầu Việt Nam giữ cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, đồng thời khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó, bao gồm cả cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, nỗ lực đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với LHQ ngày càng phát triển.
Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế–xã hội của đất nước. LHQ trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại LHQ ngày càng được nâng cao.
Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực... đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Ngày nay, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, việc đẩy mạnh mối quan hệ này và nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của LHQ nhằm phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là rất cần thiết.
Kế hoạch Chiến lược chung giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 (Chương trình hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ) được ký vào ngày 5/7/2017. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào Con người; Đảm bảo thích ứng với Biến đổi Khí hậu và phát triển môi trường bền vững; Thúc đẩy sự Thịnh vượng và Quan hệ Đối tác; Tăng cường Công lý, Hòa Bình và Quản trị toàn diện. Tổng ngân sách của Chương trình này dự kiến là 423.348.650 USD, trong đó 96.254.080 USD từ ngân sách thường xuyên; 68.135.684 USD từ các nguồn tài trợ khác và 258.958.886 USD cần phải tiếp tục huy động.
Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của LHQ cũng như vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy LHQ phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại. Trong năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này. Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam đã cử 30 sĩ quan quân đội và 01 bệnh viện dã chiến cấp hai gồm 63 cán bộ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng).
Từ ngày 2/1/2020, tại New York, Việt Nam bắt đầu các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), mở đầu nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021.
Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp, thực hiện tốt vai trò điều hành hoạt động, thương lượng các văn kiện, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, Ban Thư ký Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực cũng như báo giới.
Việt Nam đảm đương thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo dựng môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia hơn 200 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, xem xét 59 vấn đề trong chương trình nghị sự, thông qua 81 văn kiện…
Trên tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững," Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; đồng thời, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.