Nhiều ý kiến cho rằng, nghèo đói, phân biệt đối xử cũng như bất bình đẳng giáo dục hiện trở nên ngày càng trầm trọng do sự bùng phát của Covid-19.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc cho biết, trẻ em từ những khu vực nghèo cũng như trẻ em gái, người khuyết tật, người nhập cư và dân tộc thiểu số gặp bất lợi về giáo dục ở nhiều quốc gia. Báo cáo này cho thấy, trong năm 2018, có 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không được tiếp cận với giáo dục, do nghèo đói là rào cản chính. Con số này tương đương với 17% tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học. Hầu hết trong số họ đến từ Nam Á, Trung Á và châu Phi.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong giáo dục ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ khi Covid-19 bùng phát. Đại dịch đã khiến hơn 90% học sinh toàn cầu bị ảnh hưởng, khi các trường học phải đóng cửa. Trước bối cảnh này, những người học đến từ gia đình có điều kiện có thể tiếp tục học tại nhà thông qua máy tính xách tay, điện thoại di động và Internet. Trái lại, hàng triệu học sinh khác hoàn toàn không được tiếp cận với việc học.
"Bài học từ quá khứ - chẳng hạn như với dịch Ebola, đã chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người học nghèo nhất. Thậm chí, rất nhiều trẻ có thể không bao giờ được trở lại trường học", Tổng Giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay chia sẻ.
Báo cáo lưu ý rằng, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, thanh thiếu niên từ 20% hộ gia đình giàu nhất có khả năng hoàn thành bậc THCS cao gấp ba lần so với những người nghèo. Trong khi đó, trẻ em khuyết tật có ít hơn 19% khả năng đạt được trình độ đọc tối thiểu ở 10 quốc gia này.
Theo thống kê từ UNESCO, tại 20 quốc gia nghèo, chủ yếu ở châu Phi, hầu như không có nữ sinh nông thôn nào hoàn thành chương trình THCS. Tại một số quốc gia phát triển hơn, những trẻ em 10 tuổi được dạy bằng một ngôn ngữ khác đạt điểm thấp hơn 34% so với người bản ngữ trong các bài kiểm tra đọc. Tại Mỹ, sinh viên LGBT có khả năng ở nhà gần như gấp ba lần so với các học sinh khác, vì họ cảm thấy "không an toàn".
"Thật không may, các nhóm người thiệt thòi, dễ tổn thương bị loại hoặc đẩy ra khỏi hệ thống giáo dục, do một số quyết định như chương trình giảng dạy, mục tiêu học tập không liên quan, sự rập khuôn trong sách giáo khoa, phân biệt đối xử trong phân bổ và đánh giá tài nguyên, chống lại bạo lực và thiếu quan tâm tới nhu cầu", báo cáo cho biết.
Theo thống kê, có hai quốc gia tại châu Phi cấm học sinh nữ đang mang thai đến trường, 117 quốc gia cho phép trẻ em tảo hôn và 20 quốc gia chưa phê chuẩn công ước quốc tế cấm lao động trẻ em. Ngoài ra, có khoảng 335 triệu trẻ em nữ phải theo học tại các cơ sở giáo dục không cung cấp dịch vụ nước, phòng vệ sinh.
"Nhiều quốc gia vẫn có hành động phân biệt giáo dục. Điều này chính là nguyên nhân củng cố sự rập khuôn, phân biệt đối xử và xa lánh", báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chỉ có 41 quốc gia trên toàn thế giới chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu và trên toàn cầu, các trường học được cho là mong muốn truy cập Internet hơn là chú trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của những người học khuyết tật.
Trước tình trạng này, UNESCO kêu gọi các quốc gia tập trung vào trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi các trường học mở cửa trở lại sau thời gian bị đình trệ do Covid-19.
"Để vượt qua những thách thức của thời đại này, một động thái hướng tới giáo dục toàn diện hơn chính là yêu cầu bắt buộc. Thất bại trong hành động sẽ cản trở sự tiến bộ của xã hội", bà Azoulay khẳng định.