5 nguyên tắc rèn thói quen ứng xử tốt, tạo động lực cho học sinh

GD&TĐ - “Tạo cho học sinh một viễn cảnh là tạo cho học sinh có động lực sống, thôi thúc học sinh hành động cho những mục tiêu sống cao cả, có vậy học sinh mới có đủ nghị lực vượt qua những cám dỗ ham muốn tầm thường hàng ngày, tích cực rèn luyện những thói quen tốt.”

Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) trong một hoạt động ngoại khóa (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) trong một hoạt động ngoại khóa (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Đó là tâm huyết và cách làm của NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội); Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội suốt 30 qua, vì những lứa học sinh “cá tính”.

NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, “nhà trường kiểu mới phải làm việc một cách chủ động dựa trên nhu cầu hứng thú cá nhân". Do đó, quá trình giáo dục ở đây không phải chỉ biết “đòi hỏi” học sinh “phải thế này, phải thế kia” mà nhà sư phạm phải chủ động tìm phương pháp tác động để giúp cho học sinh tự phấn đấu đạt được những điều tốt đẹp mà họ mong muốn; đồng thời đây cũng chính là mong muốn của các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh.

Sau nhiều năm gắn bó với ngôi trường có nhiệm vụ tiếp nhận học sinh “cá biệt” của Hà Nội, NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm đã đúc kết 5 nguyên tắc tạo ra những thói quen ứng xử tốt, trừ bỏ những thói quen ứng xử không phù hợp với chuẩn mực chung của nhà trường, gia đình, xã hội, từ đó tạo động lực để học sinh thực hiện những hoài bão tốt đẹp.

Kiên trì chấp nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu kém của học sinh.

Theo phân loại của nhà bác học Howard Gardner: con người có 8 loại trí thông minh. NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các thầy cô phải chấp nhận mọi biểu hiện của học sinh để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Trên cơ sở chấp nhận để hiểu rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến tình trạng yếu kém hiện tại ở các em để rồi từ đó tìm cách giúp các em biết cách điều chỉnh. Nếu thiếu bước khởi đầu thừa nhận này, nhà sư phạm sẽ không thấy hết trách nhiệm, không đủ kiên trì giáo dục.

Các lực lượng giáo dục phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh.

Nguyên tắc này yêu cầu mỗi hành vi, mỗi thiếu sót của học sinh đều được ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân rồi đi đến kết luận xử lý, còn trong quá trình tìm hiểu không được thành kiến, chụp mũ, hoặc thờ ơ với thiếu sót của học sinh.

NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội); Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội (Ảnh: NVCC)
 NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội); Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Giúp học sinh thấy rõ lợi hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.

Học sinh lứa tuổi THPT đang trong quá trình hoàn thiện thành những người lớn nên có nhiều cá tính, tính độc lập cao, không thể ép buộc học sinh ngay mà phải có phương pháp để học sinh thấy hết cả cái lợi, cái hại của mỗi hành vi. Từ đó học sinh tự lựa chọn, tự quyết định.

Thầy cô và cha mẹ phải theo dõi chặt chẽ và giúp đỡ học sinh điều chỉnh kịp thời những sự lựa chọn chưa hợp chuẩn mực, khích lệ kịp thời những hành vi tốt. Nhà trường nào cũng phải thực hiện song hành kỷ luật áp đặt và kỷ luật tự giác, tích cực nhưng với học sinh yếu kém phải kiên trì thực hiện kỷ luật tự giác.

Giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng.

Học sinh lứa tuổi THPT dễ có thói quen tự do, coi thường lợi ích của người khác, bất chấp chuẩn mực giá trị của xã hội. Tập thể mà học sinh phải hòa nhập đầu tiên là tập thể lớp học. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải mất nhiều công sức để tác động hình thành các thói quen, những yêu cầu cao của tập thể mỗi lớp.

Những lớp học đạt hiệu quả giáo dục cao là những lớp GVCN biết hình thành dư luận tập thể, buộc mỗi thành viên của lớp phải tôn trọng lợi ích tập thể để điều chỉnh hành vi cá nhân. Lớp không thể chấp nhận những học sinh tự ý bỏ học. đi muộn nhiều lần, nói tục, chửi bậy ... Tất cả đều bị trừ điểm thi đua của lớp. Có như vậy tập thể học sinh mới biết cách giám sát, động viên từng thành viên thực hiện tốt nội qui, qui chế của trường.

Chỉ có con đường này chúng ta mới giải quyết được những nhân cách rối nhiễu buộc học sinh phải điều chỉnh tính cách cho phù hợp với nhu cầu sống chung của mọi người xung quanh.

Gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó.

Từ những yêu cầu giáo dục chung, GVCN cũng như cha mẹ học sinh còn phải biết kích thích đúng những sở trường cá nhân, những ham muốn của nhóm học sinh và từ đó đưa ra những hình thức sinh hoạt tập thể cũng như hướng dẫn cá nhân hoạt động. Đây là một trong những biện pháp giáo dục hữu hiệu với nhiều học sinh.

NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ rằng: “Mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng với những bài học xây dựng trường trong 30 năm qua, có thể khẳng định, dù nền kinh tế Việt Nam chưa theo kịp những nước phát triển, nhưng chúng ta vẫn có thể xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến và có thể đuổi kịp các nước có nền giáo dục tiên tiến trong một số năm nhất định như giáo dục Phần Lan hiện nay nếu chúng ta tích cực chỉ đạo để các nhà trường có cơ chế phát triển và có đủ điều kiện theo đúng chuẩn mực: Tự chủ - Dân chủ - Nhân văn; đảm bảo sự phát triển công bằng cho mọi đối tượng giáo dục; có một đội ngũ nhà giáo được đào tạo, tuyển chọn và tôn vinh để họ có điều kiện phát huy nội lực, có động lực và phát triển năng lực, tài năng sư phạm, tâm huyết sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo những công dân “đẳng cấp thế giới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ