Làm nhà giáo, hãy kiểm soát hành vi bằng trái tim ấm áp

GD&TĐ - Dư luận lại được phen xôn xao vì câu chuyện bạo hành học sinh ngay trong một thành phố lớn. Câu chuyện bị phát hiện bởi phụ huynh đã bí mật đặt camera trong lớp. Vậy, nhà giáo cần làm gì để mục tiêu giáo dục không mâu thuẫn với những hành vi bị lên án?

Bạo hành là vết thương không thể chữa lành và nếu may lắm thì nó cũng sẽ trở thành vết sẹo xấu xí. (Ảnh minh họa/ INT)
Bạo hành là vết thương không thể chữa lành và nếu may lắm thì nó cũng sẽ trở thành vết sẹo xấu xí. (Ảnh minh họa/ INT)

Bạo hành học đường – vết hằn tâm lý khó phai

Khi được hỏi quan điểm về sự việc, Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: “Bản thân tôi đã từng có những trải nghiệm đau đớn của chính mình, của con mình về việc bị bạo hành trong nhà trường và những hệ lụy của nó đã mãi mãi không biến mất.”

Bà kể rằng, chính bà đã từng bị đánh đòn khi còn đi học và những môn học bị cô giáo đánh thì không bao giờ khiến bà còn tìm được hứng thú.

“Tôi đã nhiều lần cố gắng quay trở về tiềm thức của một cô bé để cố gắng cảm thông với thầy cô và cũng để chữa lành vết thương cho chính mình nhưng tôi đã không thành công. Vì vậy, tôi hiểu rằng khi bạn làm tổn thương một đứa bé thì vết thương đó mãi mãi bị viêm loét, mãi mãi không thể chữa lành và nếu may lắm thì nó cũng sẽ trở thành vết sẹo xấu xí.”, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên trải lòng.

Trên thực tế, có một số người lớn khi bực dọc trước những đứa trẻ thiếu tính tự giác, thiếu thông minh, chưa ngoan sẽ lựa chọn cách ứng xử dễ dàng đó là bộc lộ cảm xúc tiêu cực của mình, tước đi quyền làm người của đứa trẻ và sử dụng bạo lực với chúng.

Những người này tự bao biện rằng mình đánh đứa trẻ là vì có lý do. Bởi họ đã lựa chọn quá dễ dàng, thể hiện sự thiếu phương pháp và chưa đủ tình yêu với bọn trẻ. Nếu vậy, họ không nên lựa chọn nghề giáo mà hãy chọn những nghề nghiệp phù hợp hơn, không ảnh hưởng đến sự phát triển của người khác.

Đối với học sinh, trách phạt vẫn là cần thiết nhưng bạo hành là cấm kỵ. (Ảnh minh họa)
Đối với học sinh, trách phạt vẫn là cần thiết nhưng bạo hành là cấm kỵ. (Ảnh minh họa) 

Mục đích nhân văn không bao giờ thành công nhờ bạo lực

Mỗi vụ bạo hành trẻ tại gia đình hay nhà trường thường được bao biện bởi mục tiêu giáo dục, dạy dỗ trẻ. Cũng bởi, những người lựa chọn ứng xử bằng bạo lực không hiểu rằng họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích với cách giáo dục này.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, con người luôn thực hiện hành vi này bởi một trong ba lý do: Tạo ra sự sợ hãi; Làm cho đối tượng hiểu ra vấn đề; Làm cho đối tượng yêu thích vấn đề và thực hiện một cách tự nguyện.

“Xin đừng lựa chọn sử dụng bạo lực cho những đứa trẻ vì điều bạn mong muốn là đứa trẻ đó trở nên ngoan hơn và tự chủ hơn chứ không ai mong muốn sản phẩm giáo dục của mình là những con người chỉ biết dùng bạo lực để trấn áp người khác. Đừng lựa chọn sự dễ dàng, nếu không bạn có thể từ bỏ và bước ra khỏi nhà trường để lựa chọn một nghề nghiệp khác không làm hại đến con người.”,chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhắn nhủ.

Tuy nhiên, khi ở vị trí một nhà giáo dục – một người thầy, bạn cần phải làm cho người được giáo dục, học sinh của mình thực hiện hành vi ở cấp độ hai và cấp độ ba của nguyên nhân hình thành hành vi. Có như vậy mới đạt được mục đích của giáo dục là làm cho con người có tính tự giác, tự chủ. Bạn sẽ không thể đi theo đứa trẻ đó mãi mãi để tạo ra sự áp đặt và sự sợ hãi. Vì vậy chỉ có một lựa chọn đó là làm cho đứa trẻ hiểu và yêu thứ mà nó cần phải thực hiện.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, lựa chọn kiên trì với mục tiêu ở cấp độ hai và ba không phải là một lựa chọn dễ dàng đối với nhiều người. Bạn sẽ phải mất rất nhiều công sức và trí tuệ cho việc tìm ra những giải pháp phù hợp với nhiều kiểu tính cách và hành vi khác nhau của các học trò. Những đứa trẻ của thế kỷ 21 đã quá khác biệt so với thế hệ đi trước. Vì vậy, cách mà bạn đã từng được giáo dục, có thể sẽ không còn phù hợp với học sinh ngày nay.

Đồng quan điểm về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Hoàng Linh, trường THCS Hoàng Văn Thụ (Biên Hoà, Đồng Nai) chia sẻ: “Bạo hành trong nhà trường là nỗi ám ảnh của tôi thời đi học. Cô giáo ấy vừa “đì” học sinh, vừa cho bạn to nhất lớp đánh các bạn rất đau, tím đen hết người. Thời đó ,chúng tôi không dám nói... mà chỉ thấy rất khiếp sợ khi đến trường. Thấm thía điều đó, bây giờ làm giáo viên đã mười mấy năm, tôi chưa bao giờ đánh học sinh một roi nào mà luôn nỗ lực mang niềm hứng khởi học hành đến với các em!”.

“Một bác sĩ không có nghề thì không nên đi chữa bệnh. Một kiến trúc sư không biết vẽ thì làm sao thiết kế những ngôi nhà? Một người thầy không có phương pháp giáo dục cũng không thể và không nên trở thành một người Thầy.

Ranh giới của người Thầy với một tội phạm rất mong manh, nó chỉ là cách mà bạn kiểm soát cảm xúc, hành vi, lời nói. May thay bạn có thể kiểm soát nó bằng trái tim ấm áp của mình...”
Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ