Thay đổi thế ”độc tôn” của thầy
Đó là trải lòng của cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - GV môn Hóa học Trường THPT Chương Mỹ A (Hà Nội). Cô Nguyệt cho rằng, việc đầu tiên GV cần thay đổi là khi giao tiếp, ứng xử với HS, hãy để cuộc nói chuyện, giữa thầy - trò diễn ra thật tự nhiên, cởi mở và thân thiện. Để HS cảm thấy hạnh phúc mỗi giờ lên lớp, GV cần thay vị trí ”độc tôn” của mình. Tức là, không còn chuyện thầy đọc, trò chép hoặc thầy nói, trò phải nghe và làm theo.
Theo cô Nguyệt, nếu như trước đây mối quan hệ thầy - trò luôn có khoảng cách và thứ bậc làm cho HS luôn ngại và lo sợ mỗi khi gặp thầy, cô giáo thì bản thân mỗi nhà giáo cần thay đổi chính mình. Thầy, cô như người cha, người mẹ, người anh, người chị, biết khoan dung, độ lượng, mẫu mực; biết lắng nghe, chia sẻ cùng học trò; hướng dẫn các em hoàn thành chương trình GD một cách tự giác, tự nguyện. Đồng thời, giúp các em tự hiểu và tự tìm ra chính mình, khát vọng của mình. Đó là cách tạo động lực để các em tự biết cách phát triển năng lực của bản thân.
Bên cạnh đó, cô Nguyệt tâm niệm, GV giống như những người bạn tri kỷ của HS. Luôn chân thành sẻ chia với các em trong học tập và cuộc sống. Muốn vậy, GV cần xây dựng tốt các mối quan hệ trong tập thể lớp, bảo đảm cho tập thể lớp phát triển đúng hướng là: Xây dựng tốt mối quan hệ thầy trò; Tạo niềm tin vững chắc cho HS cả về phẩm chất, kiến thức, năng lực giáo dục và phương pháp dạy học; đồng thời rút ngắn khoảng cách tâm lý, tạo sự gần gũi, thân thiện với học trò.
Cùng với đó, GV cần nắm vững tâm lý của học trò, đặt vị trí của mình vào người học để điều chỉnh thái độ, cảm xúc của mình. Trên hết là cần hiểu được đời sống tâm hồn của các em; tránh gây ức chế, phản cảm trong mối quan hệ thầy trò. Mặt khác, GV sẵn sàng là điểm tựa về tinh thần để HS có “đề kháng”, “miễn dịch” với những thói quen xấu ở môi trường xung quanh. Đặc biệt, GV còn có thể là chuyên gia tư vấn, tham vấn cho HS các vấn đề về học tập, định hướng nghề nghiệp, các mối quan hệ môi trường học đường hoặc ngoài xã hội.
Giáo dục học sinh bằng yêu thương
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt được vinh danh là “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” dịp 20/11/2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Theo kinh nghiệm của cô Nguyệt, trong dạy học, GV cần gần gũi với HS để lắng nghe tâm sự của các em về những ước mơ, dự định nghề nghiệp, những khó khăn trong học tập... Từ đó, đưa ra lời khuyên hữu ích cho các em, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em phấn đấu đạt được ước mơ của mình.
Nhớ lại một kỷ niệm cách đây khoảng 10 năm, cô Nguyệt chia sẻ: Năm đó, chủ nhiệm lớp 10A1. Khi vào lớp, mở sổ đầu bài thì thấy giờ Thể dục xếp loại khá. Kèm theo bút phê của GV là: có một bạn không đi giầy theo quy định của môn học.
“Ngay lúc đó, tôi hỏi HS của mình là tại sao em lại không đi giầy trong giờ Thể dục. Em ấy trả lời là em không có giầy. Không cần điều tra đúng hay không và hoàn cảnh gia đình HS đó như thế nào, tôi rút ngay trong cặp rồi đưa cho em đấy 50.000 đồng và nói: Chiều nay, con đi mua giầy luôn và nhớ đi vào giờ học Thể dục đấy nhé!” - cô Nguyệt kể lại và cho biết, hành động đó của cô đã làm cho một bạn bí thư Đoàn của lớp nhớ mãi.