Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của công tác GDHN.
Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác GDHN.
Ba là, tăng cường công tác quản lý của Hiệu trưởng đối với công tác GDHN ở các trường THPT: Giống như bất kỳ hoạt động nào trong nhà trường, hoạt động GDHN chỉ mang lại hiệu quả khi có sự quan tâm, chỉ đạo và quản lý của Hiệu trưởng nhà trường.
Để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động GDHN, Hiệu trưởng các trường cần thực hiện bốn chức năng trong quản lý: Xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Ngay từ đầu năm học, Hiệu trưởng phải tiến hành xây dựng kế hoạch cho hoạt động GDHN cho đơn vị.
Để kế hoạch mang tính khả thi và hiệu quả đòi hỏi Hiệu trưởng phải nắm được thực trạng học sinh trong trường đã và đang có những kiến thức, hiểu biết, định hướng nghề nghiệp ở mức độ nào, đồng thời đánh giá được các yếu tố tác động đến hoạt động GDHN như: nhu cầu nhân lực ở địa phương, sự quan tâm của cha mẹ học sinh đến việc chọn lựa nghề nghiệp của con họ, điều kiện tìm hiểu, tiếp cận của học sinh với hoạt động GDHN (báo chí, Internet…).
Từ đó, đề ra mục tiêu đạt được cùng với những biện pháp khả thi để triển khai tổ chức hoạt động GDHN ở đơn vị.
Sau khi hoàn chỉnh kế hoạch, Hiệu trưởng tiến hành tổ chức thực hiện công tác GDHN bao gồm việc chọn lựa những giáo viên có năng lực, có hiểu biết rộng, có uy tín và thành đạt đảm nhiệm công tác GDHN trong nhà trường.
Như đã phân tích ở phần thực trạng, hoạt động GDHN là hoạt động đóng vai trò rất quan trọng và cũng đòi hỏi giáo viên phải có năng lực, chịu khó tìm tòi thông tin, cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đồng thời nắm chắc nhu cầu lao động ở địa bàn, khu vực, thậm chí là trong cả nước và một số nước ngoài có người Việt Nam xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, giáo viên phụ trách công tác GDHN cũng phải có uy tín, thành đạt để làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo đồng thời lời nói của giáo viên mới thực sự có giá trị đối với học sinh và thuyết phục các em tin tưởng vào những gì mình đang định hướng, dẫn dắt các em.
Song song với đó, Hiệu trưởng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để hoạt động giáo dục hướng nghiệp được diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc chỉ đạo công tác GDHN cần được quan tâm đúng mực xuyên suốt năm học thông qua việc hướng dẫn, giám sát, động viên khuyến khích, khen thưởng giáo viên thực hiện tốt, uốn nắn những nhận thức sai lệch về hoạt động GDHN trong giáo viên và học sinh.
Để làm tốt việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thì Hiệu trưởng phải thực hiện tốt chức năng kiểm tra hoạt động GDHN, thu thập những thông tin cần thiết để kịp thời điều chỉnh và chỉ đạo hoạt động này.
Bốn là, đa dạng hoá nội dung, phương thức tổ chức hoạt động GDHN: Hoạt động GDHN theo quy định của Bộ GD-ĐT quy định thực hiện thông qua các chủ đề. Một số chủ đề được tổ chức trong phạm vi lớp học nhằm cung cấp kiến thức cho các em học sinh thông qua các giờ lên lớp.
Các hoạt động còn lại là hoạt động tham quan, học tập thực tế. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, nhiều trường THPT đã bỏ qua các hoạt động ngoại khóa mà chủ yếu tổ chức theo hình thức thầy giảng, trò nghe một cách thụ động.
Do đó, để hoạt động GDHN thu hút học sinh và đem lại hiệu quả thiết thực thì việc đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức là điều cần thiết. Ngoài việc tổ chức các buổi giảng bài theo truyền thống, theo tôi, người phụ trách công tác này có thể tham khảo một số hình thức tổ chức sau:
Tổ chức tham quan thực tế kết hợp tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh do các trường Đại học chủ trì. Hoạt động này là hoạt động thường niên do các trường Đại học phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Tham dự Ngày hội, học sinh được tiếp cận nhiều thông tin bổ ích một cách sinh động từ các trường Đại học, được giải đáp thắc mắc một cách triệt để đồng thời, qua những chuyến tham quan thực tế, các em cũng thay đổi nhận thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hơn trong học tập.
Tổ chức tham quan thực tế các nhà máy, xí nghiệp, những làng nghề ở những nơi có điều kiện.
Như vậy, công tác hướng nghiệp hết sức bức thiết vào thời điểm này. Các trường cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề ngoại khoá về công tác hướng nghiệp.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn cho học sinh, cung cấp những thông tin cần thiết, cho những lời khuyên bổ ích và giải đáp triệt để những thắc mắc của các em trong quá trình chọn ngành, nghề qua các buổi đối thoại trực tiếp giữa giáo viên - học sinh.
Cần hướng dẫn các em chọn những ngành, nghề đúng năng lực, sở trường của mình, rồi mới theo sở thích, mức thu nhập do ngành nghề đó mang lại và đặc biệt phải chú ý đến nhu cầu của xã hội về ngành, nghề mình chọn.