Chính sách phân luồng cần được quy định trong Luật

GD&TĐ - Chính sách phân luồng được quy định trong Luật sẽ giúp cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo cân đối, dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý, có chất lượng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đó là quan điểm của GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh – xung quanh dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Nói đến phân luồng, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, mục tiêu của phân luồng là hướng đến để mỗi cá thể được phát triển và được sử dụng một cách có hiệu quả, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

Mặt khác, để cho mọi học sinh có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách phù hợp theo năng lực từng cá nhân thì việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ sau trung học cơ sở (THCS) sẽ giúp cho học sinh tự chọn cho mình con đường lập nghiệp phía trước dựa vào khả năng thực sự của chính mình.

Việc bổ sung các nội dung quy định vấn đề giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học là hết sức cần thiết và phù hợp với với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.

“Định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS phải đi đôi với việc đẩy mạnh công tác phân luồng. Điều này không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu về học lực và khó khăn về hoàn cảnh kinh tế phải lựa chọn phương thức học tập bất lợi, mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng về nghề nghiệp của họ” – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho hay.

Ở nước ta, trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã có nhiều giải pháp để triển khai giáo dục hướng nghiệp và thực hiện công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, theo GS Đinh Xuân Khoa, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều bất cập, hạn chế.

Thực tế, sau khi học xong giai đoạn THCS, có rất ít học sinh đi học nghề, tham gia vào cuộc sống nghề nghiệp ngay mà thường là các em tiếp tục học lên cấp THPT. Vì thế, việc bổ sung các nội dung quy định vấn đề giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học là hết sức cần thiết và phù hợp với với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 26, theo đó “Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông”; “Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, học sinh có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp”; “Trong thời gian học trung học phổ thông, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể học lên đại học hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp”.

Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua cũng đã có sự phân định rõ giữa hai giai đoạn giáo dục. Đó là: giai đoạn giáo dục cơ bản được thực hiện ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, và giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở cấp Trung học phổ thông.

“Chính sách phân luồng được quy định trong Luật sẽ giúp cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo cân đối, dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý, có chất lượng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” – GS Đinh Xuân Khoa khẳng định.

"Khảo sát kinh nghiệm phân luông giáo dục của 11 quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2015 cũng cho thấy: có đến 8/11 nước được khảo sát thực hiện phân luồng sau THCS, 2/11 nước được khảo sát thực hiện phân luồng sau tiểu học và chỉ có 1/11 nước được khảo sát thực hiện phân luồng sau trung học phổ thông (THPT). Điều này chứng tỏ thêm rằng, phân luồng học sinh sau THCS đang là xu hướng chung của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới" - GS Đinh Xuân Khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ