3 vấn đề lớn triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

3 vấn đề lớn triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Bộ GD&ĐT làm việc cùng Hội Khuyến học Việt Nam sáng 13/9.
Bộ GD&ĐT làm việc cùng Hội Khuyến học Việt Nam sáng 13/9. 
Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Liên quan đến thực hiện Chỉ thị 11 và Kết luận số 49, 3 nội dung lớn được GS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tại buổi làm việc, đó là: Phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên; các mô hình học tập (công dân học tập, đơn vị học tập, thành phố học tập) và tổ chức Hội Khuyến học; nguồn tư liệu để phục vụ cho học tập thường xuyên, nguồn tài nguyên giáo dục mở.

GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Hiền
 GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Hiền

Đồng tình cách đặt vấn đề của GS Nguyễn Thị Doan với 3 nhiệm vụ quan trọng nói trên, liên quan đến xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cũng như ý kiến tại nhiều hội nghị, hội thảo đều đánh giá tầm quan trọng của giáo dục thường xuyên; nhận thức về giáo dục thường xuyên cũng đã có chuyển biến tích cực.

Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ: Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.

Trong Luật Giáo dục 2019 cũng quy định cụ thể về giáo dục thường xuyên với các nội dung: Mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên; chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục thường xuyên; đánh giá, công nhận kết quả học tập; chính sách phát triển giáo dục thường xuyên. Đây là bước tiến rõ nét, điểm mốc để toàn xã hội nhận thức rõ hơn với giáo dục thường xuyên.

Theo Bộ trưởng, để củng cố và phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên, Chính phủ cần có sự chỉ đạo để các địa phương, bộ ngành có sự phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, tránh chồng chéo, cũng như các “khoảng trống” trong công tác quản lý. 

Về các mô hình, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư về tiêu chí đánh giá đơn vị học tập trong các cơ quan; tuy nhiên, Bộ trưởng mong muốn, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT cùng phối hợp tham mưu cho Chính phủ để ban hành nhằm tăng tính hiệu lực thực hiện.

Liên quan đến phát triển tổ chức Hội Khuyến học, theo Bộ trưởng, trước kia, hiểu theo nghĩa hẹp là các hội, chi hội khuyến học từ Trung ương đến địa phương. Nhưng theo quy định mới, yêu cầu phát triển mô hình tổ chức khuyến học trong trường học, doanh nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

“Xét về phạm vi, đối tượng với ngành Giáo dục, chúng tôi chịu trách nhiệm triển khai một cách chủ động, trước hết là tới các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài văn bản chỉ đạo, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều hình thức để các trường ĐH nâng cao nhận thức, thấy được đây là quyền lợi, là trách nhiệm; nhân rộng mô hình để các trường có thể đóng góp được nhiều hơn, phát triển tốt hơn” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Hiền
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Hiền 

Về nguồn tư liệu để phục vụ cho học tập thường xuyên, Bộ trưởng thông tin, Bộ GD&ĐT đã chủ động tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa. Các tài liệu từ mầm non cho đến ĐH được biên tập đưa lên mạng. Thậm chí, Vụ Giáo dục thường xuyên còn chọn vấn đề nhiều người dân cần biết, quan tâm để biên soạn thành các chuyên đề, các gói tri thức, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia trên môi trường mạng, trong đó các trường ĐH phải là nòng cốt. Bộ GD&ĐT sẽ nhanh chóng có văn bản gửi các cơ sở giáo dục ĐH về nội dung này.

Kết luận buổi làm việc, GS Nguyễn Thị Doan đề xuất các nhiệm vụ mà Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT cần phối hợp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cần quan tâm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục thường xuyên, nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Sau buổi làm việc, 2 bên thống nhất sẽ tham mưu Chính phủ để có Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.