Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam và hơn 100 nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp của khu vực phía Nam.
Học tập suốt đời (HTSĐ) là một trong những trụ cột phát triển nguồn tài nguyên con người. Xây dựng Việt Nam thành một quốc gia của những người HTSĐ là một trong những mục tiêu giáo dục có tầm quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, giáo dục đại học Viêt Nam chỉ cung cấp được cơ hội học tập cho gần 10% dân số trong độ tuổi. Đây là tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực cũng như so với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia GD trao đổi về các điều kiện cần có (chính sách, nhân lực, tài lực, vật lực) để xây dựng nền giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) ở các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; thảo luận về những khó khăn, vướng mắc hiện đang tồn tại và giải pháp tháo gỡ các rào cản; trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và trường đại học trong việc xây dựng TNGDM; từ đó đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phối hợp xây dựng và khai thác TNGDM giữa các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên.
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học thực hiện chức năng dịch vụ cộng đồng nhằm cung ứng các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng người lớn; góp phần thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời góp phần san bằng khoảng cách hiện nay về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có khuynh hướng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, và tại các đại học lớn và uy tín.
Trường đại học xây dựng TNGDM là một bước đi cần thiết để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ. Tri thức càng được chia sẻ, bồi đắp thì tài nguyên giáo dục càng phát triển và bền vững, và nền giáo dục trở thành một nền giáo dục suốt đời đúng nghĩa.