Học tập hiện nay không còn bó hẹp trong các bài giảng trên lớp mà đòi hỏi người học cần phải chủ động nắm bắt và học tập các kiến thức của thế giới khoa học rộng lớn xung quanh, quá trình này gọi là học tập tích cực. Học tập tích cực có 3 điều kện then chốt và đây cũng chính là "chìa khóa vàng" để mở ra sự thành công.
Chủ động vạch ra lộ trình kiến thức của mình
Đại dương kiến thức ngày càng mênh mông. Do đó, sinh viên cần phải thích nghi với thời đại, tức là phải thích nghi với lối học tập tích cực, tự vạch ra lộ trình tiếp cận kiến thức của mình cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp và phát triển cá nhân của mỗi người. Bạn còn có thể thăm dò những mảng kiến thức trực thuộc chuyên ngành của mình, để tự tìm hiểu và khám phá, để bổ sung vào chương trình đào tạo của nhà trường.
Việc vạch ra lộ trình kiến thức giúp ta biết được ta cần gì và phải làm gì, điều này vô cùng quan trọng. Nói như GS. Phan Đình Diệu: “Biết mình không biết là khởi đầu của việc học và tự học, nó cũng là khởi đầu của mọi sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo khoa học”.
Để vạch ra được lộ trình kiến thức của mình, chúng ta cần phải có một số kỹ năng sau đây: Biết mình chưa biết điều gì để học, biết tìm kiếm thông tin mình cần chứ không chỉ chờ đợi nhà trường cung cấp, biết tư duy độc lập, nghĩa là biết phân tích, đánh giá và đưa ra nhận xét của cá nhân chứ không chờ đợi kết luận của người khác, biết nhận ra những cái mới, và chấp nhận nó ngay khi nó không có lợi cho bản thân.
Nâng cao nấc thang nhận thức của mình
Nhà giáo dục người Mỹ B. Bloom đã chia thang nhận thức thành 6 bậc từ đơn giản đến phức tạp.
Đầu tiên là "biết", nghĩa là ghi nhớ những điều đã được học và khi cần thiết có thể hồi tưởng lại sau một thời gian tương đối dài. Tiếp theo là "hiểu", tức là nắm bắt được bản chất (các nguyên nhân, nguồn gốc, quá trình…) của kiến thức đã được học.
Thứ ba là "vận dụng", tức là biết sử dụng một cách thích hợp các thông tin, kiến thức vào những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Thứ tư là "phân tích", nghĩa là có thể chỉ ra các yếu tố tham gia vào một quá trình hay sự kiện nào đó, đồng thời chỉ ra những sự tương đồng và dị biệt giữa chúng với nhau.
Thứ năm là "tổng hợp", là biết liên kết các chi tiết, thành phần thành một tổng thể để có cái nhìn khái quát hơn và toàn diện hơn. Và cuối cùng là "đánh giá", nghĩa là biết nhận xét, so sánh, phê phán, và gán một giá trị tương ứng, trên cơ sở các tiêu chí đã được xác định trước.
Sau này, kỹ năng “sáng tạo” đã được bổ sung thêm vào các nấc thang tư duy của Bloom. Sáng tạo là khả năng tạo ra cái mới từ những cái đã biết, khả năng phát hiện “vấn đề bất cập” của mỗi người, và năng lực giải quyết vấn đề bất cập. Chính vì những khả năng này nên nấc thang "sáng tạo" chính là nấc thang cao nhất của sự học.
Dựa trên những nấc thang trên, những người có ý trí và khát khao thành công sẽ dần chinh phục và đạp bằng tất cả để tiến đến những nấc thang cao nhất. Và chỉ những người luôn quyết tâm nâng cao nhận thưc mới có thể thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Xây dựng tư duy khoa học
Tư duy khoa học là yếu tố then chốt trong mọi hoạt động dù đơn giản hay phức tạp. Đó chính là chiếc chìa khóa vàng của tự học và học tập tích cực.
Cơ sở của tính khách quan là mọi kết luận đều phải dựa trên chứng cứ được kiểm chứng khách quan chư không dựa trên ý kiến cá nhân mang tính chủ quan.
Người có tư duy khách quan là người luôn biết phản biện xã hội, biết phân biệt những yếu tố chủ quan và khách quan, thực và ảo, biết xây dựng ý kiến cá nhân và cũng biết xét lại ý kiến cá nhân của mình, biết xem xét vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau để tránh ý kiến một chiều, phiến diện.
Việc xây dựng một tư duy khoa học chính là tiền đề cho qua trình học tập và tiếp nhận những kiến thức khoa học mới.