2 ông bà tử vong vì uống "rượu phép" ngâm lá ngón

Liên quan đến vụ 2 người tử vong sau khi uống rượu, qua xác minh ban đầu của cơ quan chức năng tại Bình Định thì, loại rượu này có ngâm rễ cây lá ngón.

2 ông bà tử vong vì uống "rượu phép" ngâm lá ngón

Sáng 11/12, sau khi làm rõ, các ngành chức năng ở Bình Định thông tin, rượu mà 2 ông bà uống tử vong có thành phần cây lá ngón - loại thực vật kịch độc.

Bà con thôn 1 đến viếng đám tang ông Giâng sau vụ ngộ độc do uống phải rượu độc. Ảnh: Huyền Trang.

Bà con thôn 1 đến viếng đám tang ông Giâng sau vụ ngộ độc do uống phải rượu độc. Ảnh: Huyền Trang.

Trưa 8/12, ông Đinh Văn Giâng (60 tuổi) và bà Đinh Thị Chấp (55 tuổi, cùng ở thôn 1, xã An Trung, huyện An Lão) có uống rượu ngâm tại nhà bà Đinh Thị Mía (ở cùng thôn, là sui gia với bà Chấp). Rượu này do bà Chấp tự ngâm 2 ngày trước.

Sau khi uống rượu, cả hai người đều có biểu hiện ngộ độc nặng, được đưa đến Trung tâm Y tế huyện An Lão cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn.

Vì bị ngộ độc quá nặng, bà Chấp đã tử vong lúc 15h05 cùng ngày; đến 5h sáng ngày 9/12, ông Giâng cũng không qua khỏi.

Theo tìm hiểu PV, cách nay gần 3 năm trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng từng xảy ra vụ việc tương tự. Đó là vào ngày 7/1/2012, tại nhà ông Huỳnh Giống (ở thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) xảy ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng. Sau khi uống rượu ngâm, 1 người tử vong, 17 người khác phải nhập viện điều trị.

Ông Giống chính là người trực tiếp hái cây ba kích từ rừng về để vợ ngâm rượu đãi khách trong ngày giỗ cha. Ông Giống khẳng định mình không thể nhầm ba kích với cây khác.

Sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Định Lê Văn An yêu cầu ông Giống hái lại đúng loại cây đã dùng để ngâm rượu. Ông An cho hay, kết quả kiểm tra từ loại cây này khiến chính ông Giống cũng bật ngửa. Đó là lá ngón - loại thực vật kịch độc.

Đến cái chết thương tâm lần này, được tận mắt thấy, tận tay sờ số mẫu vật này, không chỉ bà Đinh Thị Đía, Phó trưởng Phòng Y tế huyện An Lão mà cả Phó Chủ tịch UBND xã An Nghĩa Đinh Văn Ý cũng khẳng định trong đó có lẫn thân của dây lá ngón.

Khi được xem lại hình ảnh loại cây do ông Huỳnh Giống cung cấp trước đây, ông Ý càng quả quyết: “Hoa vàng gần giống thiên lý, chính là nó, lá ngón bà con H’re thường gọi là pa-rĕ. Các cánh rừng ở An Nghĩa có loại cây này rất nhiều”.

Chưa hết, trong số mẫu thân, rễ cây còn lại chưa được bà Chấp ngâm rượu, có một số mảnh thân cây có lẫn thân của dây lá ngón.

Đáng lo ngại, hiện nay tình trạng lạm dụng rượu ngâm các loại cây, con trong đồng bào dân tộc thiểu số tuy không phổ biến như trước, nhưng vẫn còn dai dẳng. Vì vậy, chuyện tử vong vì uống trúng rượu độc vẫn còn là nỗi lo lớn mà ngành chức năng ở Bình Định cần tích cực để ngăn ngừa, giảm thiểu.

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...