17 trạm BOT đặt sai vị trí: Bộ GTVT “đòi” ngân sách phải bù hàng chục nghìn tỷ đồng ?

GD&TĐ - Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi các ĐBQH về các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Trong đó có các vấn đề liên quan đến việc đặt hàng loạt trạm thu phí BOT sai vị trí mà dư luận đang bức xúc.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ "đăng đàn" trả lời chất vấn kỳ họp 5 về những vấn đề cử tri bức xúc về các trạm thu phí BOT
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ "đăng đàn" trả lời chất vấn kỳ họp 5 về những vấn đề cử tri bức xúc về các trạm thu phí BOT

Thừa nhận BOT đã hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng đường bộ

Theo báo cáo, đến nay, Bộ GTVT đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng hơn 209 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 68 dự án với tổng mức đầu tư gần 208 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 58 dự án với tổng mức đầu tư hơn 166 nghìn tỷ đồng.

Bộ GTVT cho rằng, các dự án khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cũng trong văn bản này, Bộ GTVT thừa nhận vẫn còn những tồn tại, bất cập, tập trung vào 6 nhóm vấn đề. Cụ thể như việc đầu tư các dự án BOT đã hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng đường bộ; kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại, sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.

Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư; chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ (thu phí BOT) sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu. “Chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau”, báo cáo nêu.

BOT Cai Lậy: Giảm giá hay làm hai trạm thu tiền

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện có 17 trạm có những bất cập về vị trí đặt trạm cần có giải pháp xử lý. Trong đó, 3 trạm đặt ở ngoài phạm vi dự án; 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành; 2 trạm thu giá (thu phí) dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả.

Trạm BOT Cai Lậy nằm trong “danh sách” 17 trạm có những bất cập về vị trí, hiện đang tạm dừng thu. Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu 2 phương án xử lý. Phương án 1: Giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm. Phương án 2: Xây dựng thêm 1 trạm ở trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.

“Trên cơ sở 2 phương án nêu trên, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các Bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ này cho hay.

Đối với 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án (trạm Cầu Rác, Hà Tĩnh; trạm Tào Xuyên, Thanh Hoá; trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội), Bộ GTVT cho biết, các trạm này tận dụng lại các trạm thu giá (trạm thu phí) dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách Nhà nước chuyển sang thu giá (thu phí) hoàn vốn các dự án BOT. Vì nếu đầu tư mới sẽ phát sinh thêm khoảng từ 30 - 50 tỷ đồng.

“Đối chiếu với quy định pháp luật tại thời điểm quyết định đầu tư, việc sử dụng các trạm này là phù hợp”, Bộ GTVT nêu.

Riêng trạm Tào Xuyên, Bộ này kiến nghị, tiếp tục cho thu giá tại vị trí hiện nay do việc di chuyển trạm vào tuyến tránh không khả thi về phương án tài chính.

“Nếu di chuyển vào tuyến tránh Nhà nước phải bố trí khoảng 1.489 tỷ đồng hỗ trợ trong vòng 12 năm từ năm 2018 đến năm 2029 theo phương án tài chính của dự án”, Bộ GTVT cho biết.

Miễn, giảm giá…

Với 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành thuộc 4 dự án, Bộ này cũng đưa các phương án xử lý.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp cải tạo quốc lộ 3 (1 trạm trên Quốc lộ 3 và 1 trạm trên tuyến cao tốc), trước mắt Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu giá(phí) dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc. Trên cơ sở số liệu doanh thu thực tế trong 3 tháng, Bộ này sẽ tính toán các phương án xử lý, thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên để báo cáo Thủ tướng.

3 dự án còn lại (quốc lộ 6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), theo tính toán, nếu bỏ trạm trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi, Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỷ đồng (riêng quốc lộ 5 khoảng 16.000 tỷ đồng).

Cách giải thích nêu trên cho thấy, các phương tiện không hề đi trên cao tốc Hà Nội Hải Phòng nhưng vẫn phải nộp phí cho dự án BOT này. Còn nếu không, phía Bộ GTVT sẽ "đòi" ngân sách nhà nước (thực chất là tiền thuế đóng góp của xã hội) phải bù cho khoản thiếu hụt mà dự án BOT này đã tạo ra. Với phương án đó, chẳng khác nào phía lãnh đạo Bộ GTVT đang bắt toàn xã hội phải đóng góp phí BOT cho đường cao tốc, dù không sử dụng những dự án BOT này. 

Trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 – đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đang thu tiền cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: theo Thành An

Trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 – đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đang thu tiền cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: theo Thành An 

Và để tiếp tục thu tiền phí BOT, Bộ GTVT đã báo cáo rằng:  “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn như hiện nay, phương án này không khả thi, kiến nghị tiếp tục thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm này. Bộ GTVT đã có các chính sách miễn, giảm giá đối với người dân quanh trạm và ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính của các dự án còn khả thi” .

Ngoài ra, còn 2 trạm La Sơn - Tuý Loan và trạm Nam Hải Vân thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả. Sau khi rà soát, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng theo hướng không lập trạm La Sơn - Tuý Loan, Nhà nước bố trí nguồn vốn để hỗ trợ nếu cần. 

Còn trạm Nam Hải Vân thì Thủ tướng đã có quyết định gộp với trạm Bắc Hải Vân để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho 2 dự án hầm Đèo Cả và dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng do cự ly quá gần.

Liên quan đến mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ, để xử lý tồn tại, bất cập, Bộ GTVT đã có giải pháp miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ người dân quanh trạm. Đồng thời, giảm tối đa mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả các loại xe nếu phương án tài chính của dự án còn khả thi.

Kết quả, đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit) mức từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) mức từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng.

Về giải pháp xử lý tổng thể trong thời gian tới, Bộ GTVT cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, bởi cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của hình thức Hợp đồng BOT còn nhiều bất cập.

Bộ GTVT coi đây là “giải pháp ưu tiên hàng đầu” đồng thời cho rằng cần sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công - tư, rà soát lại toàn bộ hệ thống Nghị định, Thông tư liên quan kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế...

Với cách đề xuất nêu trên, Bộ GTVT đã thừa nhận có lỗi sai phạm trong việc đặt trạm BOT. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả của những việc làm nêu trên, phía Bộ GTVT mới chỉ đưa ra giải pháp: Hoặc "ép" ngân sách phải "bù" hàng chục nghìn tỷ đồng. Hoặc nếu không thì lại tiếp tục thu tiền của phương tiện sử dụng đường bộ, mặc dù trong bản báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội lãnh đạo Bộ GTVT đã thừa nhận nhiều dự án BOT đã hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng đường bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.