Vấn đề đặt ra là tại sao chỉ đến khi bị người dân phản đối thì các BOT mới đồng loạt giảm giá? Bởi vì, ai cũng biết rằng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thì mục đích cơ bản nhất, cuối cùng là lợi nhuận, vì tiền. Doanh nghiệp không dễ dàng gì từ bỏ một khoản thu nhập lớn đến như vậy khi giảm giá vé BOT.
Chúng ta cũng biết rằng mỗi ngày số tiền thu phí trạm BOT là rất lớn. Việc chấp nhận hạ giá, giảm giá vé sẽ giảm nguồn thu của các trạm BOT nhưng họ vẫn chấp nhận, điều đó chứng tỏ họ đã quá “hời”, quá “trúng”, được hưởng lợi lớn khi đặt được trạm BOT trên đường dân sinh!
Từ thực tế này, những gì dư luận nghi ngờ trước đó là có cơ sở, đó là có sự khuất tất, không minh bạch trong việc phê duyệt, đấu thầu và triển khai các BOT giao thông. Đặc biệt là sự bất hợp lý, vô lý khi đặt BOT không đúng chỗ, nhầm chỗ.
Dù các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền đến nay vẫn cho rằng “không có tư lợi, lợi ích gì” trong thực hiện BOT bị dân phản đối, nhưng thiệt hại mà BOT đặt nhầm chỗ để bắt người dân và doanh nghiệp phải trả tiền gây thiệt hại cho cả nền kinh tế là điều không thể chối cãi.
Bởi vậy, những người liên quan đến việc cho phép triển khai các BOT bất hợp lý, móc túi người dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!