(GD&TĐ) - Có lẽ nhạc sĩ tài hoa Hoàng Vân khi đặt cho cậu con trai út cái tên Lê Phi Phi đã mong ước rằng sau này khi lớn lên cậu sẽ bay cao, bay xa. Và không phụ lòng mong mỏi của cha, Phi Phi giờ đã trở thành một nhạc trưởng tài ba, làm rạng danh Việt Nam trên các sân khấu âm nhạc quốc tế.
Rạng danh ở nước ngoài
Ngày còn bé, Phi Phi rất thích học đàn, cậu học say sưa không cần sự nhắc nhở của mẹ hay đòn roi của bố. Nhận thấy tài năng thiên bẩm của con trai, nhạc sĩ Hoàng Vân hướng cho con theo nghiệp của mình, gửi Phi Phi vào nhạc viện theo học các thầy cô nổi tiếng.
Tốt nghiệp khoa Chỉ huy dàn nhạc của Nhạc viện Hà Nội năm 1986, sau đó tiếp tục theo học tại Học viện Tchaikovsky, Nga và ngay lập tức, Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia nước Cộng hòa Macedonia từ năm 1993 đến năm 2000. Đây là vinh dự mà không nhiều nhạc trưởng có được, bởi thông thường, mỗi một nhạc trưởng chỉ được mời làm chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia trong một nhiệm kỳ 4 năm. Anh tâm sự : “Khi nhận được lời mời, mình rất run và gọi về cho bố mẹ, hai cụ động viên rất nhiều… Mình xa quê từ lúc 18 tuổi, mọi thứ bắt đầu từ con số không nên tâm trạng lúc nào cũng lo lắng”. Anh nói không nhiều về những năm tháng anh đi học, anh bảo ai đi học xa nhà cũng vất vả như thế, mỗi người đều phải tự vươn lên và anh tin ai có ý chí thì cũng đều vượt được. Nhưng anh lại nói nhiều về tấm lòng của những người thầy ở xứ sở Bạch dương, bởi họ đã dành tất cả những gì tinh túy nhất trong nghề để truyền dạy cho học trò.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi |
Trong thời gian này, anh đã có hàng trăm buổi biểu diễn tại Macedonia cũng như với các dàn nhạc khác như: Dàn nhạc Đài phát thanh và truyền hình Belgrade, Serbia (năm 2000-2002), Nhà hát vũ kịch Tirana (Albania), Dàn nhạc giao hưởng Vidin (Bulgaria), Dàn nhạc giao hưởng Nis (Serbia), Dàn nhạc vũ kịch trực thuộc Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Ngoài ra, anh còn cộng tác dàn dựng với các dàn hợp xướng, dàn nhạc thính phòng ở nhiều quốc gia khác nhau. Hiện anh cũng là giáo sư của Trung tâm Nhạc vũ kịch Llija Nikolovsski-Lui của nước cộng hòa Macedonia và là chỉ huy cộng tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia, Nhà hát vũ kịch và múa Macedonia. Mỗi buổi biểu diễn đã mang lại cho anh những kinh nghiệm quý báu, để rồi sau này mỗi dịp về nước anh lại đem những kiến thức đó truyền lại cho thế hệ sau.
Mong muốn dòng nhạc thính phòng giao hưởng có thể góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Việt, Lê Phi Phi cũng giống như nhiều người con sống xa Tổ quốc khác luôn tranh thủ mọi thời gian, giao lưu, mời nhiều nghệ sĩ nước ngoài hay nghệ sĩ Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài về nước biểu diễn, để các nghệ sĩ ở trong nước có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm và để các nghệ sĩ nước ngoài có điều kiện về biểu diễn tại quê hương vừa thăm gia đình.
Yêu âm nhạc và yêu quê hương
Năm 2005, lần đầu tiên trình diễn giao hưởng Điện Biên Phủ của nhạc sĩ Hoàng Vân, Lê Phi Phi từ Đông Âu trở về đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng truyền tải tác phẩm lớn của cha anh đến với đông đảo công chúng. Từ đó đến nay, anh đã trở thành một gương mặt quen thuộc với công chúng yêu nhạc cổ điển trong nước bởi tài năng và sự nghiêm cẩn, lịch lãm trong thể hiện mọi tác phẩm. Với phong cách làm việc nghiêm túc, chuẩn xác, kỹ càng như bất kỳ một nhạc trưởng chuyên nghiệp nào trên thế giới nhưng không thiếu đi sự kết hợp hài hòa để dẫn đến kết quả tốt nhất, gần nhất với tinh thần tác phẩm, mà không cần sự căng cứng, cáu giận… hoặc nhu mì, thiếu nghiêm túc, anh chỉ huy thành công và đầy xúc cảm nhiều bản giao hưởng lớn của các nhà soạn nhạc tài năng như Beethoven, Tchaikovsky, Rachmaninov... Không chỉ có vậy, Lê Phi Phi còn dẫn dắt khúc chiết và mạch lạc các tác phẩm giao hưởng Việt Nam như Hào khí Thăng Long hay bản giao hưởng thơ Lệ Chi Viên của Trần Mạnh Hùng.
Luôn coi trọng tính nguyên bản của tác phẩm, ý đồ của tác giả phải được giữ gìn, trân trọng 100%, như thế mới làm đúng được những gì tác giả muốn nói, Lê Phi Phi không thích những sự tìm tòi, thử nghiệm, nhét cái Tôi vào mà quên đi tính nguyên bản của tác phẩm, chỉ để khác người, thế nhưng khó có thể tìm “lối mòn” trong phong cách biểu diễn của Lê Phi Phi. Quan niệm mỗi một tác phẩm, tác giả mang các phong cách khác nhau nhưng cái Tôi của nhạc trưởng có thể cảm nhận thấy trong tác phẩm, người nhạc trưởng như là người thay chính tác giả dàn dựng tác phẩm bởi chính sự “chơi” tác phẩm, truyền đạt lại ý tưởng âm nhạc của tác giả cho phù hợp với tính cách dân tộc của nhạc công, khán giả.
Thử thách lớn nhất đối với một nhạc trưởng để tiếp cận được người nghe thuộc thế hệ trẻ kế cận là làm thế nào chỉ huy dàn nhạc một cách tốt nhất để truyền tải cảm xúc tới các nghệ sĩ trong dàn nhạc, các ca sĩ sẽ cảm nhận được những cảm xúc này và thể hiện tới người nghe. Điều này giống như một sự lan truyền không ngừng, mà nhạc trưởng là người bắt đầu chuỗi cảm hứng ấy. Khi chỉ huy tác phẩm Việt Nam muôn năm của chính cha mình, ở vai trò một người chỉ huy, dàn dựng mà lại hiểu tác giả và tác phẩm như thế thì sự truyền đạt cảm xúc sẽ mạnh mẽ, tinh tế, bởi đó là các cung bậc cảm xúc về một người cha, người thầy và cũng là một đồng nghiệp, người đã định hướng cho anh đến với âm nhạc. Tận sâu trong lòng, tuy sống ở nước ngoài nhưng Lê Phi Phi luôn mong làm sao có thời gian nhiều hơn để đi về làm việc với các dàn nhạc trong nước, nhiều chương trình dưới nhiều dạng khác nhau với các nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam, muốn được trở về đóng góp cho sự phát triển âm nhạc của nước nhà.
Lê Phi Phi trong chương trình “Điều còn mãi” |
Đời thường của một tài hoa
Đi nhiều và làm việc nhiều với một cường độ chóng mặt nhưng anh luôn cố gắng hoàn thành mà không phân biệt việc chính, việc phụ. Chính vì thế mà thời gian trong ngày anh dành cho gia đình không có bao nhiêu. Anh rất biết ơn bố mẹ mình, chính vì vậy mỗi một lần diễn tại Hà Nội là một lần muốn cảm ơn bố mẹ mình bằng mỗi buổi biểu diễn với kết quả thật tốt, bù lại những ngày tháng dài xa nhau. Và như anh nói, anh may mắn vì được chị Lidia vợ anh- một nghệ sĩ violin- đồng thời cũng là một đồng nghiệp, chia sẻ với anh từ những vất vả trong luyện tập, biểu diễn đến những đồng điệu trong âm nhạc. Mặc dù ở Macedonia cũng có rất nhiều bạn bè nhưng với anh, nỗi nhớ gia đình và xa hơn là nhớ quê hương, đất nước thì không gì có thể thay thế được.
Chia sẻ về cuộc sống hàng ngày, anh cho biết ngoài việc chỉ huy dàn nhạc, nấu ăn là công việc mà anh rất thích, nhất là các món ăn Việt. Thói quen và sở thích này bắt đầu từ hồi anh còn là sinh viên đi du học, sau này vì sống ở Macedonia, nơi không có người Việt nhiều, nên nỗi nhớ nhung các món ăn Việt Nam là động cơ thúc đẩy anh nấu ăn nhiều hơn. Chàng nhạc trưởng còn rất mê chụp ảnh, luôn xách máy ảnh lang thang chụp phong cảnh, hè cũng như đông, nóng nực, mưa, tuyết hay băng giá. Trong chương trình hòa nhạc thường niên mang tên Điều Còn Mãi của báo Vietnamnet kỷ niệm Hà Nội 1000 năm đã triển lãm một số bức ảnh của anh chụp về Hà Nội trong những dịp về thăm quê ngay trước sân Nhà hát Lớn. Dù bận đến đâu anh cũng cố gắng một năm, cùng cả nhà đi nghỉ dài kỳ 2 lần, hè ra biển, đông lên núi trượt tuyết, và cũng dành thời gian đi du lịch thăm thú các nước mà mình yêu thích…
Nhạc trưởng Lê Phi Phi tâm sự: “ Tôi sẽ giới thiệu với công chúng yêu nhạc những hình ảnh đậm chất Việt, chính bởi vì Tổ quốc là nơi không thể đánh mất, và cũng là để bồi đắp thêm nữa tình yêu và lòng tự hào về non sông Việt Nam tươi đẹp. Tổ quốc là điều mà con người ta không thể đánh mất. Đó là nơi tôi đã sinh ra, và cũng muốn nằm xuống tại chính nơi đó”.
Hà An