Yêu cầu từ thực tiễn

GD&TĐ - Quốc tế hóa giáo dục đại học, liên kết đào tạo với nước ngoài đã tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đây cũng là yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, nhất là trong bối cảnh giáo dục, đào tạo của Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

Một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học là đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế có uy tín. Chủ trương này được thực hiện thông qua chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới. Từ hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có cách làm hay, hiệu quả. Cũng từ thực tế cho thấy, vai trò chủ động của các trường rất quan trọng.

Theo thống kê, hiện có hơn 300 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài, trên 25 nghìn sinh viên đang theo học theo phương thức trên. Một số chương trình đã hết hạn và chưa có quyết định gia hạn. Cũng có một số chương trình mới mở và có sự dịch chuyển dần sang lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là xu hướng tốt. Bởi liên kết đào tạo với các nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Du nhập chương trình tiên tiến giúp các trường đại học của Việt Nam tiệm cận dần kiến thức, phương pháp giáo dục hiện đại. Đây là cơ hội để giáo dục đại học nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.

Thực tế, liên kết đào tạo đại học ở Việt Nam được thực hiện từ lâu nhưng đến năm 2005, công tác kiểm định chất lượng mới đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi). Năm 2012 mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo. Đặc biệt, từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý để có thể triển khai bài bản, đúng luật việc tổ chức chương trình liên kết. Tiếp đến, Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã cung cấp căn cứ pháp lý rõ ràng hơn về quy trình đảm bảo và kiểm định chất lượng liên kết đào tạo.

Tuy nhiên, đâu đó còn có băn khoăn về chất lượng tuyển sinh đầu vào của một số chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Nhiều cơ sở đào tạo không thu được những tác động tích cực từ chương trình liên kết… vô hình trung làm mất đi phần nào ý nghĩa và sứ mệnh của chương trình này… Nói như bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng ta cần xem việc liên kết đào tạo vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Liên kết đào tạo có nhiều cái lợi nếu chớp được cơ hội.

Thực tiễn đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho vấn đề trên. Bộ GD&ĐT đã có bước chuẩn bị để sắp tới ban hành thông tư về vấn đề này. Bởi khi có định hướng, với các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng thì nhà trường sẽ có những bước đi đúng hơn. Lẽ tất nhiên, hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ là câu chuyện ban hành văn bản.

Quan trọng hơn, cần triển khai đồng bộ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Làm sao phát hiện dấu hiệu chưa đúng để điều chỉnh, xử lý trường hợp sai để tránh ảnh hưởng tới bức tranh chung của giáo dục đại học. Trong quá trình thanh tra giám sát cũng ghi nhận mô hình hay, cách làm đúng để lan tỏa sâu rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.