Kiểm định chất lượng và văn hóa trách nhiệm

GD&TĐ - Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) được hình thành và phát triển tại Hoa Kỳ vào năm 1905, gắn với sự phát triển của giáo dục, nhu cầu đòi hỏi của cộng đồng xã hội và bản thân các cơ sở giáo dục. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại Việt Nam, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục hình thành từ năm 2002, khi phòng Kiểm định chất lượng đào tạo được thành lập trong Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT). Dấu mốc quan trọng nhất là năm 2003, Cục Khảo thí và KĐCLGD (nay là Cục Quản lý chất lượng) được thành lập để thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT quản lý Nhà nước về công tác quản lý thi và KĐCLGD. Năm 2005, KĐCLGD lần đầu tiên được đưa vào văn bản Luật. Gần đây nhất, các điều khoản trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đưa công tác KĐCLGD của Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của KĐCLGD trên thế giới; khẳng định rất rõ nhiệm vụ KĐCLGD và tính độc lập của công tác này trong hành lang pháp lý của Việt Nam.

Những năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, giáo dục ĐH nước ta xác định kiểm định chất lượng là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục ĐH. Nhiệm vụ KĐCLGD cũng thực sự đi vào cuộc sống với những kết quả rất tích cực. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về lĩnh vực này từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Hệ thống bảo đảm và KĐCLGD ĐH từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng; bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế KĐCLGD. 

Kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo tăng dần trong những năm gần đây. Tính đến ngày 31/10/2020, có 147 cơ sở giáo dục ĐH và 9 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 132 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đánh giá trong nước. 7 trường ĐH được đánh giá ngoài và công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 195 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài. Để khẳng định thương hiệu và uy tín của mình, ngày càng nhiều cơ sở giáo dục tham gia và có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế, khu vực và trong nước…

Có thể nói, KĐCLGD đã mang lại những thay đổi trong công tác quản trị nhà trường; tạo dựng, phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục bằng việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên, nhân viên, người học.

Tuy nhiên, với tuổi đời non trẻ, công tác KĐCLGD tại Việt Nam còn tồn tại không ít khó khăn, bất cập. Trong đó có việc thiếu, yếu của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo đảm, KĐCLGD; hoạt động đánh giá ngoài, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục còn chưa thật đồng đều giữa các tổ chức KĐCLGD; một số cơ sở giáo dục chưa đầu tư thích đáng cho KĐCLGD chương trình đào tạo; vẫn chưa có tổ chức KĐCLGD của nước ngoài chính thức được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động theo quy định…

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc xây dựng, triển khai đề án phát triển hệ thống bảo đảm và KĐCLGD cho giai đoạn tiếp theo cần lưu ý để hệ thống các tổ chức KĐCLGD có số lượng phù hợp; lộ trình triển khai cụ thể; kết hợp giữa chỉ đạo, tổ chức triển khai với hướng dẫn, tư vấn, giám sát, kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, đánh giá cấp thẻ kiểm định viên để tăng cường về số lượng, chất lượng đội ngũ này. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo đảm và KĐCLGD ở các cơ sở giáo dục, tổ chức KĐCLGD; phát huy sự giám sát của xã hội đối với công tác này.

Với cơ sở giáo dục, để quản lý, triển khai hoạt động kiểm định chất lượng hiệu quả, người quản lý cần có tầm nhìn chiến lược để xác định, lựa chọn và áp dụng các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, cũng như các quy định, chính sách liên quan sao cho tối ưu, phù hợp nhất. Vấn đề này không phải chỉ là mối quan tâm của các cấp quản lý mà còn là điểm mấu chốt của cả hệ thống giáo dục tại Việt Nam.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.