Nhiều người hiểu lầm
Trực tiếp gọi vào số hotline của Trường ĐH Swinburne (Việt Nam) một nữ nhân viên tên Huyền “bắt máy”. Câu đầu tiên của nữ nhân viên tiếp chuyện là: “Trường ĐH Quốc tế ĐH Swinburne Việt Nam”. Nhân viên này cho biết, trường có địa chỉ tại Dương Khuê (Cầu Giấy, Hà Nội). Trường đào tạo theo mô hình của ĐH RMIT, với mức học phí là 466 triệu trong 3 năm. Học sinh có điểm trung bình học tập lớp 11; lớp 12 từ 7.0 trở lên. Khi xét tuyển, thí sinh không nhất thiết phải có chứng chỉ IELTS, vì vào trường sẽ được đào tạo tiếng Anh.
Đặt vấn đề, tên trường có chữ Việt Nam hay không, nhân viên này khẳng định là: Có; đồng thời nhấn mạnh tên chính thức là ĐH Swinburne Việt Nam. Qua tìm hiểu, trên website của đơn vị này, hầu hết các vị trí đều sử dụng cụm từ “Đại học Swinburne Việt Nam”. Tên gọi này, có thể gây hiểu lầm, đây là ĐH nước ngoài được cấp phép hoạt động, đào tạo tại Việt Nam.
Trong email gửi cho học sinh đạt học bổng, đơn vị này sử dụng tên gọi ĐH Swinburne Việt Nam. Theo giới thiệu trên trang Web, Swinburne Việt Nam là Liên kết quốc tế giữa Swinburne University of Technology (Melbourne, Australia) và Đại học FPT.
Theo một chuyên viên của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), do được góp ý nên cách đây mấy ngày, đơn vị này mới sửa lại lời giới thiệu như trên. Tuy nhiên, cách sửa này vẫn không rõ ý. Chính xác phải ghi là: Chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Công nghệ Swinburne (Úc) và Trường ĐH FPT.
Về chương trình liên kết đào tạo, theo Điểm C, Khoản 1 Điều 18 Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ “Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục” – có nêu: Liên kết đào tạo không được tổ chức đào tạo ngoài trụ sở chính của cơ sở giáo dục Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nếu ĐH Swinburne đào tạo tại địa chỉ tại Dương Khuê (Cầu Giấy, Hà Nội) là chưa đúng với quy định của Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có thể hiểu cách đặt tên như vậy là “đánh tráo khái niệm”, dễ khiến xã hội, phụ huynh và học sinh Việt Nam hiểu nhầm là học tập tại phân hiệu của trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của phụ huynh và người học, rất dễ xảy ra xung đột.
TS Lê Viết Khuyến đồng thời nhấn mạnh: Chương trình liên kết đào tạo phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước như: Địa điểm đào tạo; yêu cầu đầu vào; chương trình học 100% bằng tiếng Anh. Chẳng hạn: Đối tượng được cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam ít nhất phải có trình độ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với đối tượng tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo nhóm ngành ngôn ngữ nước ngoài thì yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài.
Tránh “vỡ mộng”
“Thí sinh và phụ huynh cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ trước khi tham gia xét tuyển, tránh bị “vỡ mộng” – TS Khuyến khuyến nghị, đồng thời cho rằng: Nếu chương trình nào cũng đặt tên như vậy, Việt Nam có nhiều cơ sở như ĐH RMIT Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục tăng cường kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Tại Chương trình Tọa đàm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học với chủ đề “Công nghệ cho giáo dục trong tương lai”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - thông tin: Việt Nam hiện có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, có một số chương trình liên kết đào tạo đã gắn tên trường ĐH của nước ngoài với cụm từ Việt Nam khiến nhiều người trong ngành Giáo dục, thậm chí là trong lĩnh vực giáo dục đại học hiểu lầm và không ít người dân cũng có hiểu lầm về điều này.
“Tôi nhắc lại mô hình “RMIT Việt Nam” là duy nhất, chưa có trường đại học nào của nước ngoài theo mô hình này. Đối với Australia, không có “ĐH Swinburne Việt Nam” như các phương tiện thông tin đại chúng và website của chương trình liên kết đào tạo đang đăng tải. Hiện ĐH Công nghệ Swinburne nơi cấp học bổng cho quán quân Chương trình đường lên đỉnh Olympia bấy lâu nay chỉ có Văn phòng đại diện tại Việt Nam và có một số chương trình liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học trong nước” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
Về hợp tác quốc tế, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam và nước ngoài cũng xây dựng và đầu tư cho các trường đại học xuất sắc, đẳng cấp quốc tế như: Trường ĐH Việt Đức; Trường ĐH Việt Pháp; Trường ĐH Việt Nhật. Trong hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, có 37 chương trình liên kết đào tạo giữa 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 17 cơ sở giáo dục đại học Australia. Đối tác Australia đều là các trường đại học trong nhóm trường đại học được TEQSA cho phép tự kiểm định chất lượng (self-accredited).