Y án tử hình bị cáo nổ súng giữ đất làm 3 người chết ở Đắk Nông

GD&TĐ - Liên quan đến vụ án nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), gây rúng động dư luận hồi tháng 10/2016, Đặng Văn Hiến bị TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án tử hình về tội "Giết người", 5 bị cáo còn lại trong vụ án này đều được giảm án.  

Y án tử hình bị cáo nổ súng giữ đất làm 3 người chết ở Đắk Nông

Sáng nay (12/7), tại TAND tỉnh Đắk Nông, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đối với Đặng Văn Hiến (42 tuổi, quê quán ở thôn Phủ Đô, xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và đồng phạm liên quan đến vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), hồi tháng 10/2016.

Tại tòa, các bị cáo Hiến, Bình và Trường đều thừa nhận mình có tội, tuy nhiên do các bị cáo bị dồn nén, ép đến đường cùng nên mới gây ra vụ nổ súng làm chết người. Bị cáo Hiến cho rằng Công ty Long Sơn đã nhiều lần san ủi đất mà không bồi thường khiến người dân địa phương rất bức xúc. Các luật sư cũng cho rằng 2 bị cáo Hiến, Bình phạm tội trong lúc tinh thần bị kích động mạnh.

Tuy nhiên, HĐXX vẫn cho rằng ông Hiến phạm tội giết nhiều người, có tính chất côn đồ nên vẫn y án sơ thẩm, tử hình. HĐXX cho biết ông Hiến có 7 ngày để viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, giảm án tử hình.

Các bị cáo khác trong vụ án này đều được HĐXX giảm án, cụ thể Ninh Viết Bình giảm 2 năm còn 18 năm tù giam; Hà Văn Trường giảm 3 năm còn 9 năm tù giam; Nghiêm Thiên Xuân Sửu giảm 2 năm còn 4 năm tù giam và Phạm Công Thiện từ 4 xuống 2 năm tù giam. Riêng Đoàn Văn Diện bị tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (trước đó là 9 tháng tù giam).

Theo cáo trạng, sáng 23/10/2016, Nghiêm Xuân Thiên Sửu (SN 1962, trú tại TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (SN 1977, trú tại TP.HCM - quản lý của Công ty Long Sơn) đã dẫn hơn 30 người vào tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để san ủi vườn điều của ông Đặng Văn Hiến và ông Hoàng Văn Thắng, Triệu Phục Cao. Hậu quả là 287 cây điều, 45 cây cà phê bị ủi phá, thiệt hại 73.624.000 đồng.

Thấy có người phá tài sản của mình, Hiến đã cùng Ninh Viết Bình (SN 1982, trú tại Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) sử dụng súng tự chế bắn vào những người của Công ty Long Sơn. Hà Văn Trường (SN 1985, trú tại thôn Phủ Đô, xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cũng tham gia tiếp đạn cho ông Hiến bắn, làm 3 người của Công ty Long Sơn đi cưỡng chế trái pháp luật tử vong tại chỗ và 13 người khác bị thương tích từ 6 - 54%.

Mặc dù biết ông Hiến đã phạm tội nhưng sau đó, Đoàn Văn Diện (SN 1980, trú xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước) vẫn giúp ông Hiến bỏ trốn. Đến ngày 27/10/2016, Đặng Văn Hiến ra đầu thú.

Đến ngày 3/1/2017, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi) tử hình; Ninh Viết Bình (35 tuổi) 20 năm tù; Hà Văn Trường (32 tuổi) 12 năm tù cùng về tội Giết người.

Bị cáo Đoàn Văn Diện (37 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) 9 tháng tù về tội Che giấu tội phạm; Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) 6 năm tù và Phạm Công Thiện (40 tuổi, Trưởng quản lý Công ty Long Sơn) 4 năm tù cùng về tội Hủy hoại tài sản.

Sau khi tòa tuyên án, Đặng Văn Hiến và bị cáo Trường cùng Bình đã có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, ngày 22/1/2017, bà Điểu Thị Mai (32 tuổi - đại diện của nạn nhân Điểu Tào) và Dương Thị Mai (48 tuổi - mẹ nạn nhân Dương Văn Tiến), có đơn gửi TAND và VKSND cấp cao tại TP.HCM, xin giảm nhẹ hình phạt cho Đặng Văn Hiến.

Ngoài Đặng Văn Hiến, bà Điểu Thị Mai còn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường với lý do các bị cáo phạm tội do quá bức xúc trước việc làm của Công ty Long Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ