Hơn 560 học sinh lớp 12 của trường đã có ngày lễ vô cùng ý nghĩa, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, bước sang tuổi 18, tuổi trường thành. Buổi lễ cũng là giây phút các em chia tay tuổi học trò đầy vô tư, mộng mơ, chia tay mái trường phổ thông với biết bao niềm vui, nỗi buồn.
Bên cạnh đó, em đã cùng nhau trao gửi cho đấng sinh thành của mình những lá thư, món quà thay lời muốn nói. Những trích đoạn của các lá thư được cất lên trong lễ Tri ân trưởng thành đã khiến không ít phụ huynh, học sinh rưng rưng nước mắt.
Và có lẽ lá thư gây xúc động nhất chính là của bạn Lê Đỗ Ngọc Khanh, lớp 12A7 gửi ba của mình (ông Lê Thanh Bình-PV).
Báo Giáo dục và Thời đại xin trích lá thư của Ngọc Khanh như sau
Ngọc Khanh chia sẻ về người ba vĩ đại của mình trên sân khấu trong lễ Tri ân-Trưởng thành |
Kính gửi ba!
Từ nhỏ con đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ và ba luôn cố gắng bù đắp cho con. Ở bên ba con luôn là đứa đến trường mẫu giáo sớm nhất vì ba phải đi làm. Ở bên ba , KFC là điều xa xỉ. Ở bên ba, con nghĩ nhà có máy lạnh là nhà của tỷ phú.
Ở bên ba, con không thể ở nhà thường xuyên. Ở bên ba, con không hề biết Internet là gì đến tận năm lớp 6. Ở bên ba, con không có điều kiện như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhưng, nếu được sinh ra lần nữa, con vẫn muốn được làm con của ba. Vì ba cho con nhiều thứ hơn cả một người cha có thể cho con mình.
Ba của con không giàu, nói đúng hơn là nghèo, ba của con không địa vị, ba của con chỉ là bảo vệ, nhưng chưa bao giờ con hết tự hào về ba. Ba đích thực là super man phiên bản đời thường.
Con thực sự rất ngưỡng mộ ba. Bà nội bị bệnh, ba không chỉ mua thuốc mà ngày nào cũng gọi điện về hỏi thăm. Tiền thì không nhiều, nhưng ngoài lo cho con, ba đã dành hết những phần tốt đẹp cho nội. Ai cũng thương ba hết. Không chỉ bên nội, mà cả dòng họ bên ngoại ai cũng thương ba. Ba một mình nuôi con nhưng mỗi lần trong họ có ai bị bệnh, ba đều đi thăm và chia sẻ.
Có đợt ông Cốc nằm bệnh viện, chỉ là cháu rể mà ba vẫn ở lại ngủ cạnh ông, tắm rửa thay đồ cho ông. Ba chăm sóc ông tỉ mỉ như chăm chính cha mẹ mình. Bởi vậy, khi nhắc đến thằng Tư, bà ngoại lúc nào cũng khóc và nói: Lục tung cả thế giới lên cũng không kiếm được người rể nào như ba.
Không chỉ với người thân trong gia đình, mà vời đồng nghiệp và những người quen biết, thậm chí cả những người bán vé số khu vực cầu Ông Lãnh, ba cũng sẵn sàng giúp đỡ họ vô điều kiện. Ba thường nói với con “Mình nghèo nhưng mình giúp được ai cái gì thì cứ giúp”.
Ba không nghiện rượu, không hút thuốc, cả đời chỉ biết chăm chỉ làm việc. Từ nhỏ ba đã cơ cực, bà nội không đủ tiền cho ba ăn học nên ba đã phải vào đời sớm và có cái khổ nào mà ba không từng trải qua.
Do đó, khi có con, ba đã dốc hết toàn lực của mình để nuôi con, cho con học hành đến nơi đến chốn. Ba nói “Người ta có tiền tỉ để lại cho con cái, ba không có thứ gì hết, thứ ba để lại cho con là kiến thức. Tiền xài rồi cùng hết, mình có kiến thức làm cái gì cũng được”.
Ba luôn tôn trọng ý kiến của con, tôn trọng điều con muốn làm, miễn là chuyện đó không hại ai cả. Ba xem con như một người trưởng thành nên thường tâm sự với con rất nhiều chuyện, kể cả những chuyện trọng đại trong gia đình. Điều đó làm con rất vui và thấy được trách nhiệm của mình.
Ba không chỉ là ba, là tiền bối, là bạn mà còn là niềm cảm hứng bất tận của con. Con luôn muốn trở thành người giống như ba: lạc quan vui vẻ, giúp đỡ nhiều người. Ba dạy con không bằng lời nói, không bằng sự răn đe hay lý thuyết dài dòng phức tạp, ba làm mẫu cho con bằng mỗi hành động. Con cảm ơn ba vì tất cả.
Hôm nay, con muốn nói với ba rằng, con lớn rồi, ba không cần lo cho con nhiều nữa đâu. Ba hãy đi tìm hạnh phúc của riêng mình vì ba xứng đáng hơn những gì ba đang có.
Con luôn hâm mộ tình yêu của ba dành cho mẹ. Song quá khứ vẫn là quá khứ, không ai có thể cướp mẹ trong quá khứ của ba, nhưng ba có quyền hạnh phúc hôm nay và cả trong tương lai nữa. Còn nếu ba thích thì con sẽ ở bên cạnh ba và chăm sóc ba suốt đời. Con luôn ủng hộ những điều ba làm.
Con gái rượu của ba-Lê Đỗ Ngọc Khanh