“Xuất khẩu” bác sỹ ra thế giới: Không phải là nhiệm vụ bất khả thi

GD&TĐ - “Bằng cấp của các SV sau khi tốt nghiệp được nền Y học quốc tế công nhận và sử dụng giá trị lao động ngang bằng với các bác sỹ học từ các trường ĐH lớn trên thế giới”. 

SV của Học viện YDHCT được học tập và nghiên cứu với các trang thiết bị hiện đại
SV của Học viện YDHCT được học tập và nghiên cứu với các trang thiết bị hiện đại

Đây là những mong muốn của PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (YDHCT), xuất phát từ chương trình liên kết đào tạo SV với các trường ĐH trên thế giới.

Liên kết đào tạo: Cánh cửa mở ra thế giới

Trao đổi với PV, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho biết, hiện nay Học viện có hai chương trình liên kết đào tạo với Trường ĐH Thiên Tân (Trung Quốc) và Trường ĐH

Véc-Na (Bungary) với số lượng gửi từ 50 - 100 SV, nghiên cứu sinh trình độ cử nhân, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa sang đào tạo mỗi năm. Mục tiêu của chương trình liên kết đào tạo này nhằm hướng đến việc xuất khẩu bác sỹ y học cổ truyền ra nước ngoài.

Cho đến nay, chương trình liên kết đào tạo đã được 9 năm với tổng số gần 1.000 SV được gửi đi; cụ thể, SV được học 4 năm đầu tại Việt Nam và 2 năm cuối cùng tại Trung Quốc. Điều này đã giúp cho bằng cấp của các SV sau khi tốt nghiệp được quốc tế công nhận và sử dụng giá trị lao động ngang bằng với các bác sỹ học từ các trường ĐH lớn trên thế giới.

“Tôi cho rằng, đặc điểm lớn nhất của chương trình này là nhà trường đặt mục tiêu đào tạo ra những bác sĩ y khoa cổ truyền vừa giỏi kĩ năng, kiến thức và cả ngoại ngữ tốt hiểu biết văn hóa Trung Quốc - cái nôi của y học cổ truyền thế giới, điều này thuận lợi cho các em sau khi ra hành nghề cứu người”, PGS.TS Cảnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hai năm gần đây Học viện cũng đã nghiên cứu và làm việc với Trường ĐH Véc-Na (Bungary) đưa SV đến học tập tại khoa Y học phương Đông theo hướng liên kết phần lớn dành thời gian nghiên cứu, thực hành tại đây và được cấp bằng ĐH, đủ căn cứ chuyên môn để hành nghề trên thị trường quốc tế.

PGS.TS Cảnh cho biết thêm, trước đây, bản chất chương trình học này các thí sinh không cần thi đầu vào, tất cả tuyển sinh sẽ dựa trên các tiêu chí xét tuyển học bạ; nhưng đến nay, phương thức xét tuyển và chất lượng thí sinh phải có kết quả học lực khá, giỏi trở lên.

Đồng thời đòi hỏi các em cần một sự tập trung học tập và thực hành rất gắt gao, nghiêm ngặt mới có thể bám trụ lại tới khi trở thành bác sỹ chuyên khoa đạt chuẩn.

“Tôi cho rằng, thành công của chất lượng đào tạo liên kết như hiện nay quan trọng nhất vẫn là yếu tố cá nhân và nội lực của SV, Học viện sẽ đóng vai trò cung cấp, hỗ trợ tối đa về mặt cơ hội, chương trình học và kĩ năng nghề nghiệp, luôn tôn trọng sự vươn lên của chính các em SV.

Y học cổ truyền là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, tôi hi vọng chính các em SV sẽ là những người mang đặc sắc ấy đi cứu người trên khắp thế giới” - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh kì vọng.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh trao Bằng khen cho các SV tốt nghiệp xuất sắc của Học viện YDHCT.
  • PGS.TS Đậu Xuân Cảnh trao Bằng khen cho các SV tốt nghiệp xuất sắc của Học viện YDHCT.

Đào tạo bác sỹ đủ đức, đủ tài

Trong những năm qua, Học viện YDHCT luôn không ngừng đổi mới theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; cùng với quy định khung trình độ đúng chuẩn đầu ra bậc ĐH của Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng đánh giá đầy đủ 4 kĩ năng chuẩn đầu ra cho SV.

PGS.TS Cảnh nhận định, Học viện luôn chú ý đến chuẩn đầu ra của SV với 4 nhóm chính về chuyên môn nghiệp vụ bác sỹ đa khoa, bác sỹ y học cổ truyền và dược sỹ ĐH gắn liền lớp học và bệnh viện. Tiếp theo đó là năng lực về tin học, công nghệ thông tin để kết nối tốt trong công việc; năng lực ngoại ngữ tốt đạt chuẩn B1, B2 châu Âu và năng lực lập kết hoạch và hiểu biết pháp luật.

Nghề bác sĩ là nghề quyết định trước sinh mạng con người, cho nên người thầy thuốc phải có năng lực nhất định; do đó Học viện luôn coi trọng chất lượng của SV hơn là số lượng, với phương châm dù đào tạo được ít nhưng 100% số đó đều là bác sĩ giỏi đủ tâm, đủ đức cứu người. 

Đồng thời, trong những năm qua, Học viện luôn đẩy mạnh cải cách việc dạy ngoại ngữ bằng nhiều ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp…

SV được tự do lựa chọn các thứ tiếng để theo học, giúp các em phát huy khả năng cũng như để các em tự đặt ra hướng đi cho bản thân một cách phù hợp nhất. Bởi vì, Học viện đang hướng SV đến việc xuất khẩu bác sĩ y học cổ truyền ra nước ngoài chứ không phải chỉ riêng để phục vu các bệnh viện trong nước như hiện tại.

Cùng với đó, PGS.TS Cảnh cũng cung cấp thêm thông tin, Học viện vẫn luôn duy trì tốt các hình thức đào tạo truyền thống, đồng thời cũng đã xây dựng một số trung tâm đào tạo chất lượng cao để mở thêm nhiều lớp học theo nhu cầu, nguyện vọng về trang bị bằng cấp và kĩ năng cho SV cần thiết trong việc dễ dàng nắm được cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tuyển sinh đầu vào nghiêm ngặt

Đi đôi với bài toán chuẩn đầu ra cho SV thì vấn đề xét tuyển đầu vào rất được Học viện coi trọng, PGS.TS Cảnh cho rằng, đến nay, Học viện đã có truyền thống 47 năm tham gia đào tạo từ cấp trung học đến cấp ĐH và sau ĐH; có đủ kinh nghiệm, năng lực trong việc tham gia các kì thi và lấy điểm xét tuyển các thí sinh đầu vào nên Học viện rất hiểu điểm mạnh và điểm yếu của từng phương thức thi.

PGS.TS Cảnh băn khoăn khi là một trong những trường lấy điểm xét tuyển đầu vào cao trong nhóm các trường y dược của cả nước, Học viện lựa chọn xét tuyển thí sinh nghiêm ngặt và có khảo sát đánh giá cụ thể.

Nhưng hiện nay, vấn đề đầu vào của Học viện đang đối mặt với việc SV điểm thi ĐH cao, xếp loại học lực khá, giỏi trở lên nhưng khi cập vào chương trình học ĐH thì có phần hơi đuối.

“Theo tôi nhận định, một phần nguyên nhân là do các em bị xao nhãng, với tư tưởng học lực ở bậc THPT giỏi thì lên ĐH cũng sẽ giỏi, phần còn lại là do chương trình ĐH hoàn toàn khác xa với bậc phổ thông nên SV bị lạc và khó bắt kịp”.

Do đó, nếu Bộ GD&ĐT có quyết định chính thức về Kỳ thi THPT quốc gia năm tới không còn phục vụ mục tiêu “2 trong 1” thì Học viện sẽ lập tức lên phương án không dựa hoàn toàn vào kết quả thi, chỉ mang hình thức tham khảo và kết hợp với xét tuyển cùng học bạ.

Đồng thời, Học viện dự kiến sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá lại một trong ba môn thí sinh đăng kí xét tuyển với phương thức thi trắc nghiệm trực tuyến qua mạng; mỗi thí sinh chỉ được làm bài một lần trong thời gian quy định từ 90 đến 120 phút.

Như vậy, vừa đảm bảo được đầu vào tốt hơn như trường mong muốn và cũng là phương án tốt để tổ chức song song với Kỳ thi THPT quốc gia giúp thí sinh giảm áp lực thi cử, tránh được gian lận thi cử và Học viện cũng luôn muốn tự chủ hơn nữa trong việc tuyển sinh, đánh giá đầu vào của SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ