Quy định này như một luồng gió mới, không chỉ giúp các nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn, nâng cao chất lượng đào tạo mà còn thúc đẩy các công bố quốc tế tại trường. GS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về quy định mới đáng chú ý này.
- Quy định về chế độ làm việc đối với nghiên cứu sinh học tập trung liên tục tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đang gây được sự chú ý của truyền thông. GS có thể cho biết, đâu là điểm đáng chú ý nhất của Quy định này?
Các quy định thuộc Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT yêu cầu rất cao về chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ (yêu cầu chất lượng cao hơn nhưng thực hiện trong thời gian ngắn hơn so với quy định trước đó). Để có thể hoàn thành, đòi hỏi nghiên cứu sinh phải có những nỗ lực vượt bậc. Có hai điểm đáng chú ý của quy định: Một là, sự hỗ trợ tối đa của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh dành cho nghiên cứu sinh để nghiên cứu sinh có thể tập trung hoàn toàn cho việc học nhằm hoàn thành chương trình đúng hạn với chất lượng tốt nhất. Hai là, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh không chỉ xem nghiên cứu sinh là người học mà còn là một đối tác thông qua việc ký kết thỏa thuận (hợp đồng); mời tham gia giảng dạy, hoạt động chuyên môn tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và hưởng mức hỗ trợ tài chính thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế tương đương viên chức Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, trong Quy định về chế độ làm việc đối với nghiên cứu sinh học tập trung liên tục tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh ghi rõ: Về quyền lợi, nghiên cứu sinh toàn thời gian được miễn 100% học phí từng năm theo kết quả học tập và nghiên cứu năm trước đó.
Ngoài ra, nghiên cứu sinh toàn thời gian còn được hưởng các quyền lợi khác rất hấp dẫn như: Được bố trí không gian làm việc tại phòng làm việc chung của nghiên cứu sinh UEH hoặc phòng làm việc của giảng viên tại đơn vị đào tạo; được bố trí chỗ ở không thu phí tại một trong các cơ sở lưu trú của UEH (nếu cư trú ngoài TP Hồ Chí Minh); được hưởng mức hỗ trợ tài chính thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế tương đương viên chức UEH; được tiếp cận đầy đủ nguồn tài nguyên học thuật cũng như được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến các hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường.
Khi được người hướng dẫn đồng ý, nghiên cứu sinh toàn thời gian có thể tham gia hoạt động giảng dạy tại UEH và hưởng thù lao như giảng viên thỉnh giảng có học vị thạc sĩ. Khi được người hướng dẫn đồng ý, khoa/viện đào tạo có thể mời nghiên cứu sinh toàn thời gian tham gia các hoạt động chuyên môn của khoa/viện. Nghiên cứu sinh toàn thời gian hưởng thù lao các hoạt động chuyên môn theo Quy chế chi tiêu nội bộ của UEH. Thời gian tối đa tham gia hoạt động chuyên môn không quá 90 giờ/năm...
- Là trường tự chủ, việc thực hiện nhiều ưu đãi cho nghiên cứu sinh như vậy có gây khó khăn gì cho nhà trường hay không? Cần những chuẩn bị như thế nào để một trường ĐH có thể triển khai quy định này hiệu quả, thưa GS?
Một số chính sách thuộc Quy định này đã được thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ cho giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nâng cao trình độ và công bố quốc tế cũng như thu hút nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đến làm việc tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách ưu đãi này nên việc thực hiện không ảnh hưởng gì đến các hoạt động bình thường của trường.
Để một trường đại học triển khai hiệu quả Quy định này, tôi nghĩ, nhà trường cần có nguồn nhân lực chất lượng (thầy giỏi, có kinh nghiệm công bố quốc tế sẽ giúp học viên đi đúng hướng và tiết kiệm thời gian) và tài chính tốt (thu hút thầy giỏi và hỗ trợ để nghiên cứu sinh toàn tâm, toàn ý tập trung cho việc học).
- Quy định mới của nhà trường có phải là cách làm theo thông lệ quốc tế? Theo nhận định của GS, đã có nhiều trường ĐH tại Việt Nam thực hiện quy định tương tự như trên?
Quy định của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã tiệm cận với thông lệ quốc tế. Nhà trường đã tham khảo quy định của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới khi soạn thảo Quy định này. Theo thông tin tôi được biết, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng có chính sách trả lương cho nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu khoa học.
- GS kì vọng Quy định mới này sẽ tạo ra bước chuyển như thế nào đối với đào tạo sau đại học của nhà trường?
Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh kỳ vọng có thể thu hút được nhiều học viên có năng lực nghiên cứu tốt, hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn, kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có uy tín xếp hạng ISI/Scopus. Bên cạnh đó, trường cũng đang soạn thảo chính sách hỗ trợ cho học viên cao học thực hiện luận văn theo hướng nghiên cứu gắn với công bố quốc tế. Đây là nguồn tốt để đào tạo lên nghiên cứu sinh.
- Quyết định kí trước 1 ngày Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Thời gian này có nói lên điều gì không, thưa GS. Theo GS, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa được thông qua sẽ tác động như thế nào đến hệ thống giáo dục ĐH nói chung, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói riêng, trong đó có đào tạo sau ĐH?
Việc ban hành quy định là việc làm bình thường của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Thời điểm ban hành trước 1 ngày Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là ngẫu nhiên, không có tính toán trước.
Dưới áp lực của thị trường các cơ sở đào tạo sẽ phải nỗ lực đổi mới để thu hút người học thông qua chất lượng đào tạo cao. Các trường Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các chương trình liên kết đào tạo, các trường nước ngoài tại Việt Nam và các trường trong khu vực.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã tạo một hành lang pháp lý rộng hơn cho phép các trường chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực nhưng gắn liền với trách nhiệm giải trình. Chúng tôi tin rằng: Chất lượng đào tạo đại học và sau đại học sẽ được nâng cao trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn GS!