Báo cáo nêu rõ, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội đóng góp hoàn thiện thêm đối với Dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể như sau:
Về hình thức và trình độ đào tạo giáo dục đại học
UBTVQH nhận thấy, loại hình đào tạo chính quy được quy định trong Dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung.
Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH.
Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra.. của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.
Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.
Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.
Liên quan đến đào tạo trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về trình độ, văn bằng chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù tại khoản 4 Điều 6, khoản 6 Điều 38.
Về cơ sở giáo dục đại học
UBTVQH nhận thấy mô hình, tên gọi cơ sở GDĐH trên thế giới rất đa dạng, không có sự đồng nhất giữa các quốc gia, khu vực hoặc ngay trong bản thân từng nước, trong đó mô hình đại học gồm tổ hợp/nhóm các trường đại học thành viên không phải là điều mới và cũng đang là một trong những xu hướng phát triển của GDĐH thế giới.
Mô hình đại học ở nước ta đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp.
Xuất phát từ quan điểm xây dựng Luật phải phù hợp với xu hướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, bảo đảm ổn định và tạo điều kiện cho phát triển hệ thống, Dự thảo Luật quy định 2 mô hình là trường đại học và đại học, trong đó đại học được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đang tồn tại, hoặc từ một trường đại học tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở GDĐH tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình.
Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng. Do vậy, UBTVQH đề nghị xin được giữ quy định như trong Dự thảo Luật GD ĐH.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quochoi.vn |
Về cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý điểm c khoản 6 Điều 16 theo hướng yêu cầu quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường.
UBTVQH nhận thấy, trong xu thế tăng cường tự chủ và để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị thì Luật không nên can thiệp vào chi tiết như quy định tiêu chuẩn, điều kiện của từng thành viên hội đồng trường hay việc giới thiệu, ứng cử, bầu thành viên ngoài trường vào trong hội đồng trường mà để cơ sở GDĐH tự điều chỉnh trong quy chế tổ chức và hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định thành viên đương nhiên trong hội đồng trường là đại diện Ban chấp hành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và xác định rõ đại diện này phải là người học nhằm một mặt bảo đảm được tính định hướng tư tưởng, mặt khác vẫn bảo đảm có tiếng nói đại diện cho người học trong hội đồng trường. Việc tăng thêm thành viên hội đồng trường là đại diện Đoàn thanh niên, hội sinh viên sẽ làm mất cân đối trong cơ cấu chung của hội đồng trường.
Về tỉ lệ thành viên hội đồng là người ngoài trường, UBTVQH nhận thấy việc tham gia hội đồng của thành viên bên ngoài trường nhằm gắn kết các quyết sách của nhà trường với cuộc sống bên ngoài, nhu cầu xã hội đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với các thành phần gồm các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, đại diện cho cơ quan, tổ chức sử dụng lao động,… thì thành phần bên ngoài này sẽ đóng góp rất lớn vào định hướng hoạt động của nhà trường đáp ứng nhu cầu xã hội.
Luật hiện hành đã quy định tỉ lệ này tối thiểu là 20%. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỉ lệ này ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển là rất lớn, thậm chí trên 50%. Nhằm triển khai quan điểm gắn nhà trường đại học với xã hội, Dự thảo Luật quy định tỉ lệ này tối thiểu là 30%. Dự thảo Luật không khống chế số lượng thành viên bên ngoài mà để cho nhà trường tự quyết định.
Về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và kiểm định chất lượng giáo dục đại học
UBTVQH nhận thấy, thông lệ quốc tế, việc đào tạo đại học chỉ thực hiện tại cơ sở GDĐH hoặc các cơ sở, phân hiệu ở địa phương khác.
Thực tế Việt Nam cho phép liên kết đào tạo ngoài địa phương đối với trình độ đại học để phục vụ nhu cầu chuẩn hóa và nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực ở các địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Riêng trình độ thạc sỹ, tiến sĩ để đào tạo đội ngũ nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu cần hướng đến đào tạo tập trung, chính quy tại cơ sở GDĐH trong môi trường nghiên cứu, giảng dạy, có sự tương tác với giảng viên và nhóm nghiên cứu để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Về yêu cầu nội dung giảng dạy và các môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc trong chương trình liên kết đào tạo, UBTVQH đã giải trình nội dung này trong Báo cáo số 336/BC-UBTVQH14. Nguyên tắc liên kết đào tạo là bên nào có thẩm quyền cấp bằng thì bên đó có quyền quy định nội dung chương trình đào tạo.
Theo đó, các chương trình liên kết đào tạo các trình độ GDĐH được thực hiện tại Việt Nam, do cơ sở GDĐH Việt Nam cấp bằng hoặc cùng cấp bằng thì có quy định các môn học trên trong chương trình đào tạo.
Việc bổ sung các kiến thức chính trị, cơ sở lý luận đối với các sinh viên học chương trình nước ngoài sẽ được yêu cầu và triển khai tiếp tục trong quá trình phát triển và làm việc của sinh viên tại Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến đại biểu liên quan đến mức độ chế tài xử lý theo mức độ, tính chất vi phạm về chỉ tiêu tuyển sinh, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ nếu cơ sở GDĐH vi phạm quy định về đối tượng, chỉ tiêu, điều kiện tuyển sinh thì áp dụng chế tài theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34. Các mức độ xử lý sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, làm rõ thêm các quy định về tài chính, tài sản; về phát triển hệ thống giáo dục đại học tư thục; về giảng viên và người học; về quản lý nhà nước về GDĐH và về một số nội dung khác và kỹ thuật văn bản.
>>>> Xem thêm thông tin tại đây