Xem tranh 'thấy' tâm tưởng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 26 năm chiêm nghiệm và vẽ, họa sĩ Văn Binh tái xuất với một triển lãm cùng 26 tác phẩm trừu tượng – là tiếng nói của tâm tưởng.

Triển lãm “Vườn tâm tưởng” kéo dài đến 17/7 tại TPHCM.
Triển lãm “Vườn tâm tưởng” kéo dài đến 17/7 tại TPHCM.

Triển lãm “Vườn tâm tưởng” vừa được khai mạc và sẽ kết thúc vào ngày 17/7 tại TPHCM. 26 bức tranh được chọn lọc trong 26 năm qua được ví như khu vườn của trí nhớ, được hiện ra và tái hiện trong tiềm thức mỗi người.

Đây cũng là cảm hứng sáng tạo của họa sĩ trong bộ sưu tập với những miền ký ức về một thời xa vắng.

Tái xuất sau 26 năm

“Xem những tác phẩm trừu tượng họa sĩ Văn Binh vẽ, dễ nhận ra tâm thức “duy cảm xúc” của kẻ tạo tác những cảnh giới của cái đẹp. Cái đẹp đó ngầm ẩn đâu đó, khó nắm bắt trong đời sống nhưng có thực, và người vẽ đã vén mở cho chúng ta nhận diện” - Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Lý Đợi

Họa sĩ Trần Văn Binh sinh năm 1964 tại Điện Bàn (Quảng Nam). Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1985 và bắt đầu niềm đam mê với tất cả nhiệt huyết mang tinh thần xứ Quảng.

Gần 40 năm trước, khi đang làm việc tại một đơn vị văn hóa của huyện Điện Bàn. Một hôm, có người bạn rủ ông vào Vũng Tàu chơi ít hôm, nhưng rồi cái “ít hôm” ấy kéo dài hơn 4 tháng. Hàng ngày, ông đạp xe khắp Vũng Tàu, vừa dạo chơi vừa kiếm cơm bằng cách vẽ chân dung, vẽ pa nô, bảng hiệu...

Lúc bấy giờ, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng vụ Vũng Tàu đang trong quá trình xây dựng, thiếu người lo khâu trang trí. Tình cờ có người rủ vào làm, thế là Văn Binh đồng ý.

Sẵn có kinh nghiệm vẽ pa nô, tranh cổ động... nên “đề bài” nào đưa ra ông cũng làm được. Thậm chí, ông còn liều mình nhận làm cả phần tranh và phù điêu ghép gốm.

Đang làm việc quên cả thời gian thì một hôm, có người đến nhờ ông vẽ tấm pa nô quảng cáo pháo (lúc đó chưa cấm đốt pháo). Ngồi vẽ, Văn Binh giật mình nhớ ra là đã sắp Tết. Ông gác cọ, ngồi khóc tu tu vì nhớ quê. Câu chuyện xưa cũ này, cũng là một phần trong những hoài niệm để ông tổ chức triển lãm lần thứ ba của sự nghiệp hội họa - “Vườn tâm tưởng”.

Sau hai triển lãm cá nhân năm 1993 tại Đà Nẵng và 1996 tại Hội An, Văn Binh lui về chiêm nghiệm và vẽ. Cho đến nay đã 26 năm trôi qua, nhiều người tưởng một tên tuổi lớn trong làng hội họa xứ Quảng đã “rửa bay gác cọ”. Nhưng cũng thật bất ngờ, giữa lúc ấy – ông xuất hiện với 26 bức tranh.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho rằng, về mặt ý niệm - tranh của Văn Binh có hai thực tại, chúng hòa quyện và khuất lấp vào nhau. Đó là miền quê mà anh gắn bó máu thịt, chẳng thể rời xa. Đó là chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, ở giữa quê mà như xa quê, mà nhớ quê đến da diết. Nói như Bùi Giáng: “Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa”.

Về mặt sáng tạo, Văn Binh cho thấy một kỹ thuật tuyệt vời và một cảm xúc dạt dào, được hun đúc dài lâu. Dường như ông tạo ra một thực tại hiện thực trước, sau đó tìm cách tẩy xóa nó bằng những đường chéo đan xen, dàn trải khắp mặt tranh. Chúng tạo ra không gian đa chiều, tiếp nối, dịch chuyển như từ miền hiện thực tìm về miền tâm tưởng, và từ miền tâm tưởng vọng về miền hiện thực.

Cảm xúc từ nội tâm

Tranh của Văn Binh đạt sự hấp dẫn về thị giác.

Tranh của Văn Binh đạt sự hấp dẫn về thị giác.

Những ai còn “thương nhớ đồng quê” - chữ Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Nhật Minh, thì có lẽ xem triển lãm “Vườn tâm tưởng” sẽ thấy rõ những suy tư. Với họa sĩ Văn Binh, ông có hai ngôi làng - một ngôi làng ngoài thực tại, và một ngôi làng trong tâm tưởng. Đôi khi, tâm tưởng còn đẹp đẽ và rõ ràng hơn cả thực tại.

Khu vườn ấy không được dựng lên từ hương xa và chủ nghĩa lãng mạn, mà là sự truy vấn, tiếc nuối, phản tư với làn sóng đô thị hóa bạo liệt.

Nếu nhìn thoáng qua tranh, hẳn có người nghĩ ông dùng sơn dầu hay thậm chí sơn mài. Nghĩ sơn dầu vì thấy tính ngông táo bạo. Nghĩ sơn mài vì thấy tính sâu. Và khó nghĩ ngay acrylic đầu tiên. Văn Binh đã đẩy chất liệu ra khỏi tất cả mọi tính toán, và khôn ngoan khi kết hợp acrylic trên giấy dó, để hồn tranh thêm sâu như thấy cả nội tâm.

Nhìn tranh Văn Binh, người xem tưởng tượng đó là một cuốn phim của đời người, với đủ mọi cung bậc. Màu giấy dó xưa cũ kết hợp chất liệu màu nước với cách dụng sắc nóng tối đa điểm xuyết sắc lạnh đậm nhạt, gây ấn tượng quyến rũ tức khắc nhưng dư âm kéo dài.

Những diễn đạt biểu hiện ở tầng sâu theo nghĩa trên bề mặt tranh là những ký ức của trải nghiệm, những kỷ niệm về vùng đất và con người nơi họa sĩ. Nhưng có lẽ nó được ẩn bớt đi hay thực tế đã “làm mờ” về mặt thị giác, chỉ còn những nét “neo” cảm xúc trên một bảng màu đẹp.

Nhờ nhẩn nha vẽ, trầm tư sâu lắng và thủ đắc một kỹ thuật vững vàng, tranh của ông luôn ở độ chín, đạt đến sự hấp dẫn về thị giác. Nói chung, họa giới của Văn Binh đủ gây ấn tượng cho triển lãm cá nhân lần này. Và sau đó là những triển lãm khác, với ngôn ngữ khác và chất liệu khác.

Tranh của Văn Binh - ông hay ký thân mật là Văn Bi - cũng là cách giản lược bớt việc biểu hình, giản lược bớt đường nét “vẽ vời” để chỉ còn những “tiếng nói vụn” - những “ký tự tối giản” như những miếng vá, miếng thổ cẩm trôi nổi trong bầu trời màu sắc.

Giới sưu tập nói rằng, tranh của Văn Binh có giá khoảng vài nghìn đô, có bức tới 5 nghìn USD. Tuy nhiên, ông “họa sĩ gàn” xứ Quảng không muốn bàn luận nhiều về chuyện tiền nong. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm giao cảm giữa nghệ sĩ với người thưởng lãm.

“Tôi thích người xem cứ đến, xem và ngẫm về những ý tưởng, sự sáng tạo của mình đưa vào tranh hơn là bàn luận về giá cả. Mọi con số chỉ mang tính ước lượng”, họa sĩ Văn Binh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ