Giải tỏa “cơn khát” nghệ thuật
Những ngày này, nhiều triển lãm mỹ thuật đã và đang được tổ chức. Một trong các cuộc trưng bày đình đám và gây tranh cãi vì bán vé vào cửa, được chú ý như triển lãm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội).
Triển lãm mở cửa tới ngày 9/5, giới thiệu những bức tranh vẽ bằng màu tự nhiên trên giấy dó khổ lớn. Mặc dù còn hơn chục ngày mới kết thúc, và triển lãm phải mua vé vào cửa nhưng khá đông người yêu tranh chấp nhận điều ấy để giải tỏa “cơn khát” nghệ thuật.
Song song với triển lãm của đại thụ hội họa Phan Cẩm Thượng – “Trong rừng sâu” của Mai Đại Lưu cũng thu hút đông đảo giới mộ điệu đến thưởng lãm các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Nhiều bức tranh dài tới 8 mét, như “Trong rừng sâu” và “Ngắm nhìn hoa nở”. Những tác phẩm này cũng được Mai Đại Lưu vẽ trong khi dịch Covid-19 hoành hành khiến cuộc sống đảo lộn.
Những biểu lộ của họa sĩ Mai Đại Lưu trong triển lãm này được đánh giá là “một hành động vô tư đến mức gần như lơ đãng”. Tuy vậy, âm vang của khối cảm xúc lơ đãng ấy biểu lộ chính con người hoạ sĩ mà không ngôn từ nào có thể diễn tả được. Các tác phẩm ra đời từ những hoàn cảnh và xung động xã hội hiện tại, để gắn kết con người với nhau sau những xa cách bởi đại dịch.
Lê Thiết Cương lại kéo người xem đến Gallery Thăng Long (41 Hàng Gai, Hà Nội) với triển lãm “Truyện Kiều - Nguyễn Du/Lê Thiết Cương - 24 tranh”. Với mạch nguồn văn hóa truyền thống, 24 tranh và cuốn sách cùng tên của họa sĩ Lê Thiết Cương đang khiến người xem càng thêm yêu nền thi ca Việt.
Trong mỗi bức tranh đều kèm theo một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ Truyện Kiều. Công chúng thấy mối liên hệ đầy tính nghệ thuật và đa dạng của Kim Vân Kiều truyện đối với cuộc sống hiện tại và mỹ thuật hiện đại.
Lê Thiết Cương chọn giấy dó, vải màn và bột màu để làm chất liệu quan trọng khi sáng tác những bức tranh Kiều. Là người theo dõi quá trình sáng tạo này của Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha mô tả rằng: “Ngày nào tôi cũng tận mắt chứng kiến Cương chuẩn bị cho cái sự vẽ Kiều, bằng việc tạo ra loại toan vẽ đặc biệt cho riêng mình.
Đầu tiên là ngâm giấy dó vào nước cho giãn đều. Khi giấy dó vớt ra gần ráo nước, họa sĩ bôi keo vào bốn mép giấy dán lên một bản gỗ dầy. Dán xong để khô, họa sĩ vẽ phác thảo bằng chì. Xong xuôi mới bắt đầu công đoạn bồi tấm vải màn lên mặt giấy dó”.
Họa sĩ Đào Thành Dzuy cũng đem đến “Dzó Tháng Tư” tại không gian nghệ thuật Huyen Art House - số 8A Đặng Tất, phường Tân Định (Q.1 – TPHCM) với hơn 40 tác phẩm đặc sắc. Các bức tranh được sáng tác trong nhiều năm, hầu hết là thể loại nude vẽ trên chất liệu giấy dó bồi lên toan.
Đào Thành Dzuy gắn liền với sen, với tĩnh vật, đặc biệt là hình ảnh về những người đàn bà đẹp. Phụ nữ trong tranh anh, từ khoảng tóc tới vùng eo lưng, phần hông đều rất được chú trọng. Đặc biệt, khả năng nối giấy thành những khổ lớn, cách sử dụng kết hợp màu nước cùng bột điệp, quỳ vàng cũng là những điểm nhấn ấn tượng.
Chú trọng cả lượng lẫn chất
Từ khá lâu, một triển lãm tập hợp các bức tranh về đề tài cuộc sống và sinh hoạt văn hóa vùng cao mới được tổ chức. “Ngày rộng 3: Ngàn thước lên cao” là triển lãm lấy từ ý thơ Quang Dũng - diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh (Hà Nội).
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm phần lớn được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Theo đại diện ban tổ chức: “Ở bối cảnh ấy, họa sĩ được quyền chối bỏ những thứ theo họ là phi nghệ thuật để tìm đến vẻ đẹp thực sự. Đó cũng là cơ hội để họ nhìn sâu vào bản thể, kiếm tìm và nhận ra chính mình rõ nét hơn”.
Để bản sắc miền núi qua ngôn ngữ hội họa đạt hiệu quả cao, họa sĩ Phùng Văn Tuệ chú trọng gam trầm ấm. Về bút pháp, bề mặt tranh được phủ nhiều lần nhằm tạo lớp lang chiều sâu không gian. Người xem không thấy sự cụ thể trong mỗi tác phẩm nhưng nhìn sâu vào bố cục tranh, họ sẽ nhận ra trùng điệp giá trị và vẻ đẹp vùng cao ẩn tàng.
Trong khi đó, vùng cao của Nguyễn Quang Hoan lại là những sắc hoa rực rỡ trong ánh nhìn xa xăm, triền núi sắc nhọn mà mềm mại trong nét vẽ hay dáng người nhỏ bé, đơn lẻ nhưng không chênh vênh nhờ gắn kết với mảnh đất này.
Sau đại dịch Covid-19, giới hoạ sĩ cũng không còn lo lắng phải đóng cửa triển lãm hay tình trạng thưa vắng người xem. Thế nên khi “vào mùa”, triển lãm không chỉ được chú trọng về số lượng mà chất lượng cũng được đề cao.
Đầu tháng 5 tới, “Phổ hiếu kỳ” - một trưng bày nhóm của 26 nghệ sĩ với 46 tác phẩm trong và ngoài khuôn khổ bộ sưu tập NAF - được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng Ace Lê sẽ diễn ra tại Thủ Đức (TPHCM).
Triển lãm mong muốn đào sâu mối giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học, thông qua các hình thái thử nghiệm về mặt thẩm mỹ, chất liệu, phương tiện và ý niệm. Tiêu đề của trưng bày là một sự hồi đáp, phản tư và mở rộng khái niệm “căn buồng hiếu kỳ” thuở xưa.
Nghệ sĩ vay mượn những góc nhìn của các nghệ sĩ - khoa học gia ngày nay, khi họ thử nghiệm những giới hạn về mặt đề tài, chất liệu và phương tiện để theo đuổi tính hiếu kỳ của bản thân và của xã hội hậu hiện đại.