Triển lãm "Gặp gỡ Hà Nội": Sợi dây kết nối nghệ thuật

GD&TĐ - 12 nghệ sĩ có nhiều đóng góp với mỹ thuật đương đại Việt Nam đã cho ra mắt triển lãm nghệ thuật “Gặp gỡ Hà Nội” đầy sức sáng tạo, sống động và thu hút người xem.

Tác phẩm “Đợi” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng.
Tác phẩm “Đợi” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng.

Hơi thở mới trong sáng tác

Phong phú về nội dung phản ánh đời sống giai đoạn đổi mới của đất nước, đa dạng về phong cách bút pháp các loại hình thể hiện là cảm nhận đầu tiên của người xem trước triển lãm nghệ thuật hội họa và mỹ thuật “Gặp gỡ Hà Nội” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Đây là triển lãm nghệ thuật với mục đích kết nối, chia sẻ và giới thiệu tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ xứ Thanh đang sống và làm việc tại Hà Nội. Sự kiện góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tác của các nghệ sĩ đồng hương.

Đồng thời cũng là tình cảm tri ân đặc biệt đến những miền đất thân thương, nơi các nghệ sĩ đã sinh ra, học tập, lớn lên và trưởng thành. Qua đây, nhóm nghệ sĩ mong muốn đưa tới công chúng một hơi thở mới trong những sáng tác mang màu sắc xứ Thanh và một tinh thần làm việc với nhiều cống hiến tại Thủ đô.

Triển lãm trưng bày 23 tác phẩm gồm các thể loại hội họa, đồ họa và điêu khắc. Các tác phẩm thể hiện với chất liệu đa dạng như sơn dầu, sơn mài, in khắc cao su, in độc bản, bút sắt, bột màu, hộp đồng tương tác, inox gương.

Tác phẩm “Dặm về” của họa sĩ Đỗ Quyên Hoa.
 
Tác phẩm “Dặm về” của họa sĩ Đỗ Quyên Hoa.

Chủ đề trong tác phẩm mà các nghệ sĩ quan tâm trong triển lãm này bao gồm thiên nhiên, con người, môi trường và những triết lý nhân sinh. Với sự định hình phong cách riêng trong ngôn ngữ tạo hình, thể hiện ở nhiều bút pháp, thể loại nghệ thuật khác nhau như popart, hiện thực, siêu thực và trừu tượng...

Đây là những tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc của 12 nghệ sĩ có nhiều đóng góp với mỹ thuật đương đại Việt Nam hiện nay. Đó là Phạm Hùng Anh, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Tuấn Dũng, Khúc Đình Dương, Vũ Xuân Đông, Nguyễn Trường Giang, Đỗ Quyên Hoa, Nguyễn Đức Hùng, Trịnh Liên, Vũ Mười, Phạm Nghĩa và Lê Thanh.

Mỗi tác phẩm lại cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tác giả đến các vấn đề nổi bật của xu thế cuộc sống đương đại. Trong đó, thiên nhiên và môi trường là chủ đề mà các lĩnh vực nghệ thuật thế giới đang đặc biệt chú ý và được đề cập với tần suất lớn.

Họa sĩ Đào Hải Phong khẳng định, “Gặp gỡ Hà Nội” là sự liên kết nghệ thuật cần thiết cho nền mỹ thuật nước nhà. “Có thể nói đây thực sự là một triển lãm nhóm với không ít các họa sĩ, mỹ thuật gia đang sung sức trong sáng tạo nghệ thuật.

Họ đang đồng tâm đồng lực kết liên động viên nhau tích cực góp phần vào trào lưu sáng tác phong phú ở lĩnh vực mỹ thuật, đặc biệt là hội họa đương đại của nước ta”, họa sĩ Đào Hải Phong bày tỏ.

Cuộc gặp gỡ kết nối nghệ thuật

Không chỉ mang mục đích kết nối, chia sẻ và giới thiệu tác phẩm, mà triển lãm còn góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tác của các họa sĩ “đồng hương”.

Tác phẩm in khắc cao su “Rách mới” của tác giả Lê Thị Thanh, “Hành trình” (sơn dầu) của tác giả Vũ Mười, hay “Khúc giao mùa” (sơn mài) của tác giả Lưu Hoàng… hướng tới những hành động vì môi trường.

Một số tác phẩm thể hiện cái nhìn khác khi ngẫm ngợi về việc hồi sinh đời sống thiên nhiên như “Sông Tô” (gò đồng tương tác) hay “Sông Tô 47” (bột màu) của tác giả Vũ Xuân Đông hay “Nụ hôn hồi sinh” (sơn dầu) của tác giả Khúc Đình Dương…

Ở góc khác của tư tưởng các họa sĩ, với triết lý nhân sinh, cũng phô diễn nhãn quan thẩm mỹ riêng biệt về sự trân trọng giá trị tinh thần tôn giáo. Chẳng hạn “Hoa tâm bừng sáng vầng trăng pháp” (bút mực) hay “Ngàn năm soi sáng chốn linh thiêng” (bút mực) của Nguyễn Đức Hùng…

Bằng bút pháp vững vàng quen thuộc riêng biệt, các họa sĩ thể hiện các phong cách hiện thực rất ấm áp, như “Dặm về” (sơn dầu) của tác giả Đỗ Quyên Hoa, “Đợi” (acrylic) của tác giả Nguyễn Tuấn Dũng.

Tác phẩm “Chuyện phố phường” của họa sĩ Khúc Đình Dương.

Tác phẩm “Chuyện phố phường” của họa sĩ Khúc Đình Dương.

Bên cạnh đó là phong cách trừu tượng, siêu thực nhưng với sự thể hiện thật dịu dàng, mềm mại, như tác phẩm sắp đặt “Trống mái” (inox gương) của tác giả Nguyễn Trường Giang, “Nude 1 + 2” (sơn mài) của tác giả Phạm Nghĩa, hoặc “Phiến đá nở hoa” (sơn dầu) của tác giả Trịnh Liên…

Chia sẻ về các tác phẩm của mình góp mặt tại triển lãm nhóm, nữ họa sĩ nổi tiếng nhờ thời trang thêu tay và gây bất ngờ với hội họa Đỗ Quyên Hoa cho biết: “Các sáng tác của tôi hiện nay tập trung vào đề tài con người và thiên nhiên Tây Bắc.

Vùng đất mà tôi đã bị mê hoặc. Tôi từng luồn bản nhiều ngày để thu nhận những khoảnh khắc đẹp, độc đáo, “không đụng hàng”. Những hình ảnh mà tôi yêu mến về Tây Bắc là chất liệu để tôi say, vẽ và chia sẻ nó đến với người yêu hội họa”.

Cuộc gặp gỡ của 12 họa sĩ quê gốc Thanh Hóa tại Hà Nội nhờ vào sợi dây kết nối là nghệ thuật, “đơm hoa” thành cuộc triển lãm giàu sức sáng tạo.

Sự kết nối trong hoạt động nghệ thuật rất cần được khuyến khích để các cuộc “Gặp gỡ Hà Nội” tiếp theo tiếp tục đem đến các tác phẩm chất lượng và để nghệ thuật tiếp tục gửi gắm tiếng nói đúng mức, kịp thời trước các vấn đề quan trọng của đời sống.

Tiến sĩ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Hội Văn nghệ sĩ xứ Thanh tại Hà Nội - chia sẻ: “Nhiều đồng nghiệp trẻ đã sáng tạo và làm được những việc mà cả họa sĩ có kinh nghiệm lâu năm chưa chắc đã thực hiện được.

Các nghệ sĩ đang hoạt động một cách tích cực và có nhiều đóng góp lớn nhỏ cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Những tác phẩm là sự mới mẻ, đồng điệu về tâm hồn và thu hút đông đảo người trẻ tham gia tìm hiểu, học hỏi”.

Nguyễn Hoài Thương - sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - chia sẻ, triển lãm này thực sự sinh động và rất chân thực. Những gam màu tươi sáng, có đôi chút màu xám chính là hiện thực của cuộc sống này.

Đối với những người trẻ, thông qua triển lãm không chỉ học được kiến thức chuyên môn về nghệ thuật đương đại, mà còn cả sự đồng điệu, sức sáng tạo, lan tỏa của những nghệ sĩ trẻ thổi hồn vào tác phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.