Xe tăng Abrams bị cóng trong giá rét chiến trận?

GD&TĐ - Theo Đại tá Sergey Suvorov, xe tăng Abrams Mỹ có thể hoạt động tốt trong điều kiện lạnh giá ở Ukraine trong mùa đông.

Binh sĩ mang phù hiệu quân đội Ukraine đứng cạnh tăng Abrams.
Binh sĩ mang phù hiệu quân đội Ukraine đứng cạnh tăng Abrams.

Lạnh giá không làm khó được Abrams

Nhận định trên được hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Sergey Suvorov, Đại tá của quân đội Nga và chuyên gia về xe tăng cho biết.

Theo ông, xe tăng Abrams của Mỹ khó có thể tồn tại lâu trong xung đột Ukraine.

Những hình ảnh trước đó được truyền thông Ukraine và phương Tây công bố cho thấy, lực lượng Ukraine đã tiếp nhận xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams từ Mỹ.

Hình ảnh này xuất hiện vài tuần sau khi hình ảnh xác xe tăng Leopard 2 của Đức bị cháy thành than gây xôn xao dư luận.

Sergey Suvorov cho rằng trong khi những chiếc xe tăng Abrams này vẫn chưa được nhìn thấy tác chiến trên chiến trường sau khi Ukraine tiếp nhận, có thể do Kiev giữ 'bảo vật' này khỏi bị phá hủy trước những loại vũ khí diệt tăng tối tân của Nga.

"Tôi nghĩ họ đang giữ những chiếc xe tăng này trong dự trữ để tránh có thêm báo cáo về việc xe tăng NATO bị phá hủy. Chà, đằng nào thì chúng (xe tăng Abrams) cũng sẽ cháy. Những chiếc xe tăng Abrams này từng nhiều lần bốc cháy ở Iraq và những nơi chúng được triển khai", ông Suvorov nói.

Ông cũng bác bỏ tuyên bố rằng động cơ của xe tăng Abrams không thể chịu được nhiệt độ dưới 0 ở vùng xung đột Ukraine trong mùa đông.

Trong khi động cơ diesel thường mất tới 30 phút để 'làm nóng' nhằm khởi động trong điều kiện thời tiết lạnh, thì động cơ tua-bin khí như chiếc M1 Abrams hay xe tăng T-80 của Nga có thể khởi động trong vòng 50 giây ở bất kỳ thời tiết đóng băng nào", Đại tá Nga cho biết thêm.

Chiến thuật hợp lý

Đánh giá về hiệu quả Abrams có thể mang lại cho quân đội Ukraine, tờ War Zone cho rằng, tăng M1 Abrams sẽ đem lại lợi ích cho đà phản công của Ukraine nhưng rất khó có thể giúp thay đổi cục diện chiến trường khi nó được chuyển giao quá muộn với số lượng quá ít.

Trong giai đoạn đầu phản công, Ukraine áp dụng chiến thuật xung kích bằng tăng thiết giáp kiểu NATO, song đã phải chuyển sang cách đánh truyền thống, chủ yếu sử dụng bộ binh, sau khi mất một lượng lớn phương tiện do phương Tây viện trợ trước các bãi mìn dày đặc và hỏa lực tầm xa áp đảo của Nga.

Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), tuần trước thừa nhận các bãi mìn của Nga là "thách thức lớn" đối với phương tiện bánh xích như xe tăng, vì một quả mìn cũng có thể khiến xe tăng đứt xích và mất khả năng cơ động, buộc kíp lái phải bỏ xe.

Ông cho biết thiết giáp hạng nặng hiện chủ yếu được quân đội Ukraine sử dụng làm phương tiện vận chuyển binh sĩ, ít khi được dùng cho các cuộc xung kích vào phòng tuyến Nga.

"Xe tăng Abrams chỉ nên được sử dụng một cách phù hợp trong các chiến dịch cụ thể và được chuẩn bị kỹ càng. Nếu dàn trận tham gia các trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, chúng sẽ không thể tồn tại lâu trên chiến trường", Budanov nói.

Phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cũng đã thừa nhận xe tăng Abrams là vũ khí "không thể coi thường", nhưng ông nói thêm rằng lực lượng Nga trong gần hai năm tham chiến ở Ukraine đã không ngừng tìm cách thích nghi với các loại vũ khí mới.

"Không có thuốc trị bách bệnh và không loại vũ khí nào có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường Ukraine", ông Peskov nói và nhấn mạnh: "Chúng cũng sẽ bị thiêu rụi như những xe tăng khác của phương Tây".

Barry, cựu chỉ huy xe tăng Anh, cho rằng cảnh báo của Nga không phải là không có cơ sở, bởi các xe tăng hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Kiev, trong đó có Leopard của Đức và Challenger của Anh, đều đã bị UAV Lancet phá hủy.

"Abrams có nhiều lợi thế so với các xe tăng khác, khiến nó khó bị bắn trúng hơn, nhưng lực lượng Ukraine sẽ phải sử dụng chúng thận trọng. Bộ binh Ukraine sẽ phải có khả năng chống lại UAV tự sát Nga để bảo vệ những cỗ xe tăng quý giá này", Barry nhấn mạnh.

Clip UAV Lancet Nga tấn công loạt khí tài Ukraine ở Kherson.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ