Động thái tiếp theo của Israel khi Hamas thả con tin

GD&TĐ - Hamas đã thả 13 con tin Israel hôm 24 và 14 người khác vào 25/11 như một phần của thỏa thuận với Tel Aviv. Israel nghĩ gì về thỏa thuận?

Lực lượng IDF tại Gaza.
Lực lượng IDF tại Gaza.

Theo Jpost, lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày ở Dải Gaza bắt đầu lúc 8 giờ sáng (GMT+2) ngày 24/11. Là một phần của thỏa thuận, Hamas sẽ phải trao trả 50 con tin bị bắt trong vụ tấn công ngày 7 tháng 10 để đổi lấy 150 phụ nữ và trẻ vị thành niên Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.

Hôm 24, Hamas đã giải thoát hơn hai chục con tin, trong đó có 13 người Israel, 10 công nhân nông trại người Thái Lan và một người Philippines.

Về phần mình, Israel đã giải phóng 39 người Palestine trong khi hơn 130 xe tải viện trợ nhân đạo tiến vào Dải Gaza.

Avi Melamed, nhà phân tích tình báo chiến lược Trung Đông cho biết: "Toàn bộ vấn đề là ở các con tin Israel. Vụ bắt cóc, tất nhiên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Israel hoặc chính phủ của nước này, đối với người dân Israel.

Rõ ràng, cam kết của chính phủ là đưa công dân cũng như binh lính bị bắt cóc trở về. Vì vậy, rõ ràng là mọi sự trở về của con tin đều là nguồn vui cho gia đình họ".

'Trận chiến cân não' giữa Israel và Hamas

Ngày 7/10, Hamas và một số nhóm Hồi giáo Palestine khác phát động cuộc tấn công bất ngờ từ Dải Gaza bằng cách bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel và xâm nhập vào các khu định cư của quốc gia này, khiến nhiều dân thường, binh sĩ Israel thương vong và bắt giữ con tin.

Ngày 13 tháng 11, tờ Washington Post công bố thông tin về kế hoạch rõ ràng của những kẻ tấn công, cho rằng Hamas đã cân nhắc một cuộc tấn công dài hơn và sâu hơn bên trong lãnh thổ Israel với kỳ vọng rằng nó sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Tel Aviv.

Theo tờ báo, Hamas sẵn sàng hy sinh dân thường để gây ra một làn sóng phản kháng khổng lồ của người Palestine trong khu vực, liên quan đến Bờ Tây, và do đó thu hút sự chú ý đến chính nghĩa của người Palestine và chấm dứt quá trình bình thường hóa Israel-Ả Rập đang diễn ra.

Melamed nói: "Hamas biết sự nhạy cảm của dư luận Israel, sự nhạy cảm của chính phủ Israel. Áp lực liên tục và ngày càng tăng từ gia đình các con tin đã buộc chính phủ Israel phải đáp ứng yêu cầu của Hamas.

Về phía mình, Israel sẽ sử dụng những lá bài riêng, cụ thể là áp lực quân sự, để đẩy Hamas ngày càng vào chân tường và muốn rút ngắn quá trình ngừng bắn mà Hamas mong muốn kéo dài và cuối cùng là đánh bại hoàn toàn phong trào vũ trang này.

Và trong đó, Hamas có lợi thế vì thực tế là các nhà lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza đơn giản là ít quan tâm đến người dân Gaza. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza có lợi thế.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Israel đặt an toàn và phúc lợi của dân thường lên trên ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, cuộc chiến tại Gaza được coi là sự cân não giữa Hamas và Israel".

'Đình chiến' hay chỉ là tạm dừng chiến đấu?

Việc tạm dừng giao tranh đang diễn ra không thực sự là một "thỏa thuận ngừng bắn". Chuẩn tướng, Tiến sĩ Meir Elran, nhà nghiên cứu cấp cao và là người đứng đầu ba chương trình an ninh tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv nói.

Elran cho biết: "Đây là cách chúng tôi thấy ở Israel. Đó không phải là một thỏa thuận ngừng bắn có thể dẫn đến một số cuộc đàm phán hòa bình lâu dài giữa các bên tham chiến".

Theo phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari, quân đội Israel sẽ giữ nguyên vị trí của họ trong vài ngày tới, chuẩn bị tiếp tục chiến đấu khi lệnh ngừng bắn kết thúc.

"Có mối lo ngại về những gì đang xảy ra. Chúng tôi hoàn toàn không tin tưởng vào Hamas vì hành vi của họ. Mọi người lo ngại rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ không được thực hiện đúng cách và chúng tôi sẽ không thể gặp lại đầy đủ các con tin của mình", tướng Israel nói.

Có phải tất cả các đảng chính trị của Israel đều ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn?

Bình luận về việc Bộ trưởng An ninh Tel Aviv Itamar Ben-Gvir phản đối cái mà ông gọi là thỏa thuận con tin "thảm họa", các chuyên gia Israel nhấn mạnh rằng chỉ một nhóm nhỏ những người theo đường lối cứng rắn cánh hữu phản đối thỏa thuận này, trong khi phần lớn các nhà hoạch định chính sách của Israel ca ngợi thỏa thuận.

"Có một thiểu số rất nhỏ trong chính phủ, đảng cực hữu đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận. Vì vậy, đây là vấn đề mà chính phủ quan tâm; đối với người dân nói chung, mọi người rất ủng hộ quyết định của chính phủ" Elran giải thích.

Ông nói thêm rằng: "Ý tưởng về việc thả con tin của chúng tôi đang được công dân Israel đồng loạt hưởng ứng".

Trong khi đó, Ben-Gvir đã đe dọa sẽ từ chức khỏi nội các nếu hoạt động trên bộ của Israel chống lại Hamas không tiếp tục sau khi kết thúc thời gian tạm dừng nhân đạo kéo dài 4 ngày.

Melamed giải thích: "Ở vị trí của mình, Ben Gvir cũng nhằm mục đích gửi một thông điệp tới chính phủ. Điều này nằm trong bối cảnh mục tiêu của cuộc chiến từ phía Israel. Và mục tiêu của cuộc chiến về phía Israel được chính phủ xác định là đánh bại hoàn toàn Hamas ở Dải Gaza.

Vì vậy, ông ấy đã đưa ra thông điệp với chính phủ rằng mục tiêu đánh bại Hamas phải đạt được mà không cần thỏa hiệp dù giá cả là bao nhiêu. Đây chính là quan điểm của ông ấy và một số người phản đối thỏa thuận ngừng bắn".

Melamed chỉ ra rằng chính phủ Israel nhiều lần nhắc lại về sự cần thiết phải đánh bại Hamas (Tel Aviv coi là tổ chức khủng bố ở Dải Gaza). Vì vậy, kể từ khi IDF rút khỏi dải đất này vào năm 2005, Hamas và Israel đã nhiều lần tiến hành các hành động quân sự chống lại nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ