Đốt vết đen lạ vô tình kích thích tế bào ung thư di căn

GD&TĐ -Người đàn ông đến cơ sở thẩm mỹ đốt vết đen lạ ở lòng bàn chân, không ngờ việc làm này đã kích thích tế bào ung thư di căn.

Đốt vết đen lạ vô tình kích thích tế bào ung thư di căn

Đó là trường hợp xảy ra với nam thanh niên 25 tuổi sống ở Hà Nội. Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân cho biết, bản thân phát hiện lòng bàn chân có một vết đen, không gây đau hay ngứa.

Thậm chí vết đó cũng không lồi lên, ngược lại bằng phẳng và lan theo dạng bề ngang cách đây hơn 1 năm. Nghĩ đơn giản là nối ruồi cơm nên bệnh nhân đã đến cơ sở thẩm mỹ đốt.

Tuy nhiên tổn thương sau khi đốt của bệnh nhân ngày càng to dần. Khi tới bệnh viện, vết loét rộng tới hơn 1cm, chảy máu, rất khó đi lại.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết nhìn bằng mắt thường cũng biết đây là ung thư hắc tố.

Với tổn thương ung thư tưởng là nốt ruồi này, càng đốt sâu, càng loét hơn, chảy máu, không thể liền được.

Đáng tiếc, ung thư hắc tố di căn rất nhanh bởi tế bào ung thư bị "kích thích" khi bị đốt, nhanh chóng "chui" vào mạch máu và lan tỏa khắp nơi, không chỉ ở bàn chân.

Do đó, bệnh nhân không những có nguy cơ bị cắt cả bàn chân mà còn phải nạo vét hạch vị trí cao, phối hợp hóa chất, trị liệu...

Được biết mỗi người có trung bình khoảng 10-40 nốt ruồi trên cơ thể. Đa số các nốt là lành tính, song cũng có một số nguy cơ ác tính, bị "ác tính hóa" do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể hoặc vị trí tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hóa chất.

Trước đó chia sẻ với báo chí về tình trạng này, ThS, BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hầu hết các nốt ruồi trên cơ thể không cần thiết phải loại bỏ vì nó gần như không ảnh hưởng tới chức năng. Việc tẩy nốt ruồi hay loại bỏ nốt ruồi chỉ nên loại bỏ khi nốt ruồi đó khi ảnh hưởng về chức năng, ác tính hóa, thẩm mỹ.

Bản chất của nốt ruồi là tổn thương tế bào sắc tố da, những tế bào này có nguy cơ nhất định về ung thư hóa. Trong đó, nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ tiến triển ung thư cao nhất, tỷ lệ 13%.

Bên cạnh đó, ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu,… nốt ruồi cũng được xem là có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Vì vậy, nếu bệnh nhân tới khám có nốt ruồi ở vị trí này, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân phẫu thuật càng sớm, càng tốt.

Theo BS Sơn, các nốt ruồi ở vị trí khác khi có sự thay đổi nhất định cũng trở thành dấu hiệu cảnh báo ung thư như thay đổi về kích thước - những nốt ruồi bẩm sinh nhưng lớn nhanh hơn sự phát triển của cơ thể; Thay đổi về màu sắc: đang đậm chuyển nhạt, đang nhạt chuyển đậm hoặc chuyển loang lổ, xuất hiện thêm màu khác; Thay đổi về bề mặt: nốt ruồi đang nhẵn nhụi, nhô hẳn lên; Thay đổi về ranh giới: nếu như đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là cảnh báo ung thư.

Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da. Ngoài ra, một số triệu chứng khác như viêm, chảy máu, loét ngứa,... từ nốt ruồi, cũng cần lưu ý đến nguy cơ ung thư.

Theo bác sĩ Sơn, nguy cơ ung thư hóa có thể xảy khi chọn phương pháp loại bỏ nốt ruồi kém an toàn. Bởi vì, tế bào sắc tố của nốt ruồi có thể bị kích thích dẫn tới tình trạng ung thư hóa.

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều trường phái khác nhau để loại bỏ nốt ruồi như: phẫu thuật, đốt laser, dùng hóa chất. Phương pháp cắt bỏ nốt ruồi, để lại sẹo nhỏ, có tính thẩm mỹ cao được ưa chuộng tại Mỹ và châu Âu nhưng chi phí phẫu thuật cao.

Theo Vietnamnet, Báo Nhân Dân,

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ