Anh hùng thầm lặng
Nhìn Đào Thu Hương làm việc, ngón tay lướt trên bàn phím máy tính không ai nghĩ cô là người khiếm thị. Với chiếc máy tính được cài phần mềm hỗ trợ đọc màn hình cho người khiếm thị, Thu Hương hoàn toàn có thể làm việc trên Word, Excel, thao tác trên Internet.
Thu Hương chia sẻ: “Khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Tiếng Anh, máy tính là công cụ giúp tôi ghi chép, làm bài kiểm tra.
Ngoài ra, máy tính cũng giúp tôi thao tác trên Internet để tìm kiếm các video dạy tiếng Anh, các bài tập tiếng Anh. Sau này với công việc điều phối của mình, máy tính là công cụ để tôi làm việc và kết nối với các đối tượng thụ hưởng của mình”.
Bị dị tật mắt bẩm sinh, thị lực giảm dần và năm 9 tuổi, Thu Hương hoàn toàn mất đi ánh sáng. Hương nhớ lại: “Trường Tiểu học Quang Trung là nơi tôi không thể quên. Tôi đã thu trọn cả thế giới vào trí nhớ. Nét phấn trắng trên bảng đen, màu nắng vàng chiếu qua kẽ lá bàng là những hình ảnh dù nhiều năm sau này đã mất hẳn thị lực vẫn không phai nhòa trong tâm trí. Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi phải bắt đầu làm quen với bóng tối”.
Cuộc sống khi mất đi thị lực của Hương gặp nhiều xáo trộn. “Người mù bẩm sinh định hướng di chuyển đã khó, người nhìn kém khi mất đi hoàn toàn thị lực càng gặp nhiều gian nan. Tôi phải học lại từ đầu mọi thứ: Học cách di chuyển với gậy dò đường, học chữ nổi, học tập trong môi trường mới (Trường Nguyễn Đình Chiểu). Mọi thứ ban đầu đều rất khó, nhiều lúc tôi vẫn giữ thói quen cúi xuống nhìn chữ nổi thay vì sờ chữ bằng xúc giác đầu ngón tay”, Đào Thu Hương nói.
Chữ nổi giúp Đào Thu Hương tiếp tục hành trình tìm ánh sáng tri thức. Năm 2003, Hương là một trong 20 học sinh tiêu biểu của thành phố Hà Nội.
Năm 2006, Hương được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp ở vị trí thủ khoa. Bên cạnh đó, Đào Thu Hương luôn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện. Hương biên soạn một đĩa CD dạy tiếng Anh cho các bạn học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu, làm MC Anh – Việt cho các chương trình của hợp ca Hy Vọng (một đội nhạc của người khiếm thị). Đào Thu Hương cũng kèm thêm tiếng Anh cho các em khiếm thị tại nhà.
Với nỗ lực vươn lên và những cống hiến của mình, Hương được Tập đoàn Microsoft vinh danh là Anh hùng thầm lặng khi học năm thứ 3 đại học.
Ngọn hải đăng…
Những cống hiến của Đào Thu Hương không nhìn thấy trong sớm chiều. Tương lai sẽ có nhiều luật sư khiếm thị, nhà báo khiếm thị, họ sẽ làm phong phú cho thị trường lao động đồng thời thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật. Từ sự vươn lên nghịch cảnh bản thân đến mong ước nâng tầm đời sống của người khiếm thị đó là hành trình kì diệu Đào Thu Hương viết lên như chính sức mạnh tự thân nơi cô – ngọn hải đăng thầm lặng.
Đều đặn mỗi ngày trong một tháng, lớp học kỹ năng sống sôi nổi được tổ chức ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (47 Hàng Quạt). Đây là một trong nhiều hoạt động thường xuyên của dự án định hướng nghề nghiệp cho học sinh khiếm thị do Sama tổ chức.
Học viên của lớp là các bạn học sinh, sinh viên khiếm thị không chỉ đến từ Hà Nội mà còn ở nhiều miền quê như Bắc Ninh, Hưng Yên, Cao Bằng… Người đứng lớp chia sẻ những kỹ năng đó chính là cô Đào Thu Hương.
Xuất phát điểm là một người khiếm thị, hơn ai hết Hương hiểu những khó khăn của người đồng cảnh ngộ có lẽ vậy những tiết học kéo dần khoảng cách giữa học viên trong lớp, giữa cô và trò để rồi các em gọi Đào Thu Hương thân thiết tiếng chị Hương.
Triệu Hà Duy học viên lớp kỹ năng sống hào hứng chia sẻ: “Những kỹ năng được chị Hương lồng ghép vào các trò chơi tạo sự thích thú cho chúng em. Như chuyến đi trải nghiệm ở Sóc Sơn chỉ là một đêm đốt lửa trại nhưng tất cả chúng em dám đứng lên nhảy sạp, cầm tay tất cả mọi người nhảy múa không phân biệt bản thân khuyết tật hay không. Đó chính là tinh thần vươn lên để hòa nhập”.
Dương Thị Phương, một học viên khác của lớp kỹ năng trải lòng: “Mình tham gia lớp học được gần 2 năm. Từ một cô bé nhút nhát, trong lớp luôn trầm lắng giờ đã hoàn toàn tự tin, không e ngại khi đứng thuyết trình nơi đông người”.
Để có những kết quả đó không đơn giản chỉ qua một hai buổi học là cả quá trình dài, Đào Thu Hương tâm niệm: “Khi học chương trình thạc sĩ ở Australia, khoa Phát triển Cộng đồng Quốc tế, tất cả tôi có chỉ là lý thuyết.
Trở về Việt Nam tham gia điều phối dự án, mỗi một buổi học là một lần tôi thay đổi cách truyền đạt sao cho các em hứng thú với bài học. Nhiều em ban đầu đến lớp học với sự rụt rè, thậm chí bất hợp tác nhưng sau mỗi buổi học dường như một kỹ năng nào đó đã chạm đến nhu cầu của các em.
Các em chủ động tích cực phát biểu, thay đổi sau từng buổi. Đó là động lực để tôi cố gắng”.
Bên cạnh việc cung cấp những kỹ năng sống, dự án hướng nghiệp còn định hướng giúp cho nhiều học viên tìm ra đam mê, ước mơ và định hướng nghề nghiệp trong thị trường lao động.
“Nhiều em học sinh không dám ước mơ vì đóng đinh suy nghĩ người khiếm thị chỉ có thể làm tẩm quất, tăm tre, hát rong. Lớp học đã phá băng định kiến, tìm ra thế mạnh của từng em để định hướng tương lai của bản thân”, Hương nói. Từ lớp học này, nhiều bạn học sinh khiếm thị đã dám ước mơ, dám theo đuổi ước mơ của bản thân.
Vũ Hải Anh học sinh lớp 8 của Trường Nguyễn Đình Chiểu, thành viên của câu lạc bộ Nhà báo tương lai nói: “Em thích viết, đặc biệt là viết báo nhưng xung quanh em không có bạn nào có sở thích giống em. Nhờ chị Hương giới thiệu một bạn có cùng đam mê với em ở Trường Nguyễn Văn Tố. Ban đầu chúng em nói chuyện qua Facebook, một thời gian sau gặp gỡ và thành lập ra câu lạc bộ Nhà báo tương lai”.