Giao lưu trực tuyến “Trường học hạnh phúc: Trao yêu thương, nhận nụ cười”

“Trường học hạnh phúc: Trao yêu thương, nhận nụ cười” là chủ đề Chương trình giao lưu trực tuyến trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 đến 10h30 ngày 17/9/2021.

Giao lưu trực tuyến “Trường học hạnh phúc: Trao yêu thương, nhận nụ cười”

 Chương trình giao lưu có sự tham gia của 2 khách mời:

Cô Đỗ Huyền Trang, Giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội.

Cô Hà Thị Liêm, Giáo viên Trường Mầm non Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La.

Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Giáo dục từ năm học 2018 - 2019, nhằm giúp cho đội ngũ giáo viên ngày càng vững mạnh mọi mặt và sẵn sàng đồng hành với lộ trình đổi mới giáo dục nước nhà.

Có thể thấy, để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, thì nhất định phải nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.

Trường học hạnh phúc phải là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học.

Để người học có được niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi đến trường, từng cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; biết quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi học sinh; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.

Mặt khác, muốn xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, cần xây dựng môi trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến học sinh…

Tại buổi giao lưu trực tuyến, 2 cô giáo sẽ trao đổi về việc xây dựng trường học hạnh phúc tại cơ sở giáo dục nơi mình công tác; những quan điểm, việc làm cụ thể của bản thân để cùng nhà trường kiến tạo môi trường học tập hạnh phúc...

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội

Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

GV Trường MN Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La

Bạn đọc

Bạn Minhthuy@....:

Cô và đồng nghiệp đã có đóng góp, đề xuất gì với nhà trường, tổ chuyên môn để xây dựng trường học hạnh phúc?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Thực tế, BGH trường Tiểu học luôn lắng nghe những chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của GV để cùng nhau tay, chung sức xây dựng trường học hạnh phúc (THHP). Bản thân tôi và đồng nghiệp cũng đã tham gia chia sẻ ý tưởng xây dựng THHP tại buổi chuyên đề THHP do nhà trường tổ chức trong năm học vừa qua:

Thứ nhất, để hoàn thiện công tác xây dựng trường học hạnh phúc, chúng tôi nhận thấy môi trường sống là yếu tố quyết định tới hạnh phúc của mỗi con người.

Trong mỗi lớp học, giáo viên chúng tôi thường xuyên trang trí bảng lớp theo chủ đề mỗi tháng tạo nên cảnh quan lớp học vô cùng sinh động và hấp dẫn. Ngay trong từng lớp học, các thầy cô giáo chúng tôi đã tạo được một góc thiên nhiên giúp học sinh được thư giãn sau những giờ học đầy say mê. Để mỗi khi tới trường Tiểu học Phan Đình Giót, giáo viên và học sinh đều cảm giác thoải mái, thư giãn và đầy hứng khởi.

Thứ hai, muốn trường học hạnh phúc thì bản thân mỗi học sinh khi tới trường đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc:

Các em học sinh trường Tiểu học Phan Đình Giót đã được học những tiết học hạnh phúc trong những lớp học hạnh phúc. Những giờ học Toán không còn khô khan toàn con số, những tiết Khoa học không còn mang nặng tính lý thuyết thay vào đó các em được trải nghiệm, được sáng tạo.

Ngoài ra, các em còn được tham gia vào các giờ hoạt động trải nghiệm đầy lý thú và bổ ích. Được nghe, được chơi, được thực hành và trải nghiệm cùng bạn bè, thầy cô là những gì mà các em được nhận lấy khi học tập và sinh hoạt dưới mái trường Phan Đình Giót.

Hơn cả những giờ học, các em còn cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, tình yêu bao la từ trái tim người thầy thông qua hòm thư “Điều em muốn nói” – những tâm tư, tình cảm của các em được thầy cô chia sẻ, định hướng nhằm giúp các em được phát triển toàn diện.

 * Xây dựng trường học hạnh phúc trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19:

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội cũng như đời sống người dân và ngành giáo dục đào tạo. Đó vừa là khó khăn, cũng vừa là cơ hội để ngành GD-ĐT nói chung, trường TH Phan Đình Giót nói riêng chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học phải chuyển sang dạy học trực tuyến, nhưng tập thể CB,GV,NV trong nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với PH hướng dẫn tỉ mỉ, quan tâm đến từng cá nhân HS trong lớp để kịp thời tháo gỡ khó khăn đảm bảo phương châm “Tạm dừng đến trường – Không ngừng học”.

Vừa qua, nhà trường cùng giáo viên các lớp đã phát động ủng hộ phong trào “Máy tính cho em” để kịp thời gửi tặng những chiếc máy tính bảng hỗ trợ học sinh HCKK có đủ phương tiện tham gia học tập trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường còn trao tặng gần 20 suất quà cho HS hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Để chuẩn bị chào đón năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện CT16 đến 21/9, giáo viên đã tham mưu và nhận được sự hưởng ứng từ BGH để khẩn trương huy động nguồn lực từ GV, NV cũng như sự hỗ trợ từ phía PH để đóng gói và vận chuyển SGK qua đường bưu điện đến từng em HS đảm bảo các em có đầy đủ SGK trước thềm năm học mới.

Chính những việc làm ấy đã gắn kết tập thể CB,GV,NV trong nhà trường như những thành viên trong đại gia đình lớn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi khi nhớ về nhau.

Trải qua những ngày tháng phòng chống dịch bệnh, chúng ta mới cảm thấy trân quý, quý trọng những phút giây hạnh phúc được ở bên nhau. Đó chính là hình ảnh một ngôi trường hạnh phúc mà tập thể CB,GV,NV trường TH Phan Đình Giót đang nỗ lực xây dựng mỗi ngày.

Bạn đọc

Bạn Lanvu99@....:

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm khi gặp phải những tình huống giáo dục phức tạp, có thể dẫn tới sự nóng giận, không kiềm chế được hành động lời nói thì bản thân sẽ giải tỏa bằng cách nào?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Tôi rất thích câu nói: "Nếu người thầy thực sự tôn trọng, thương yêu học sinh thì chắc sẽ ít nóng giận hơn và nếu có nóng giận cũng ít có hành động không hay hơn! Đó mới là gốc rễ của vấn đề!”.

Chính vì vậy, trong những lúc dạy học, bản thân tôi cũng gặp những tình huống làm mình nóng giận và điều đầu tiên tôi làm đó là tự nói với bản thân phải bình tĩnh, quay lại hít thở thật sâu và nghĩ đây là trách nhiệm của mình. Sau khi bình tĩnh tôi phải đi tìm cách giải quyết những tình huống đó để chính tôi và những em học sinh đó hiểu nhau hơn.           

Đôi khi tôi viết ra giấy những điều tôi muốn nói với em học sinh để khi về nhà các em có thể tự đọc hoặc nhờ người nhà đọc cho em.

Hay có thể giải tỏa sự nóng giận của mình bằng cách tổ chức cho HS tham gia múa hát, tập thể dục hoặc chơi trò chơi để tôi có thể thật sự bình tĩnh hơn. Khi giảm dần được những sự nóng giận thì cô trò chúng tôi sẽ có được những tiết học, ngày học thật hạnh phúc. Kiếm chế nóng giận không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Bạn đọc

Bạn Hương Thuỷ - Nam Định:

Hàng năm ngành giáo dục, Phòng GD&ĐT, nhà trường… có sự chỉ đạo, nâng cao ý thức của giáo viên trong vấn đề bạo lực học đường hay không? Theo cô, hoạt động này có cần thiết không?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Hàng năm ngành giáo dục, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, BGH trường TH Phan Đinh Giót đều luôn có sự chỉ đạo sát sao và nâng cao ý thức của GV trong vấn đề bạo lực học đường.

Tại nơi tôi đang công tác, đã loại bỏ đi những phong trào thi đua mang nặng tính phong trào, hình thức vô bổ. BGH đã giảm các loại sổ sách ghi chép thủ công nhằm “giải phóng” giáo viên chúng tôi ra khỏi chính những áp lực.

Nhà trường cũng tạo điều kiện cho chúng tôi trau dồi chuyên môn, nâng cao ý thức của mỗi thầy cô. Dành thời gian và không gian để giáo viên dồn hết tâm huyết và thoải mái cho các hoạt động dạy học bằng tất cả những điều tốt đẹp nhất đối với học sinh.

Khi được tạo điều kiện và môi trường thuận lợi làm việc nhất thì bản thân mỗi giáo viên sẽ tránh được sự nóng giận, hết lòng vì học sinh và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trường học hạnh phúc là nơi khi mỗi học sinh tới trường đều cảm thấy được yêu thương, được vui vẻ, hạnh phúc.
Trường học hạnh phúc là nơi khi mỗi học sinh tới trường đều cảm thấy được yêu thương, được vui vẻ, hạnh phúc.

 

Bạn đọc

Bạn thuhoant@...:

Trường học hạnh phúc cũng bao hàm ở đó học sinh được an toàn về thân thể, tinh thần. Trong khi đó, những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường ở một bộ phận GV mang lại cho HS có xu hướng gia tăng. Theo cô, điều đó sẽ dẫn tới hệ lụy gì? Cách nào để giáo viên vượt qua những xung đột tâm lý để luôn hạnh phúc với công việc?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Bạo lực học đường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với HS:

Ví như, với học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi khi bị bạo lực học đường sẽ cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, tâm lý lo lắng và ám ảnh. Có học sinh trở nên nhút nhát, không dám ra ngoài chơi, đến trường, không thể tập trung học tập.

Ngay cả những học sinh bị chứng kiến hành vi bạo lực học đường cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Các em sẽ cảm thấy sợ hãi và cũng có thể hùa theo, ủng hộ hành vi này. Thậm chí nhiều khả năng các em có hành vi bạo lực trong tương lai.

Không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn ảnh hưởng đến chính gia đình các em. Khi thấy các em lo lắng và sợ hãi thì không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng.

Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của GV sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng. 

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hoa - Yên Bái:

Giáo viên mầm non đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn, khả năng kiềm chế tốt và có tinh thần trách nghiệm cao. Cơ duyên nào khiến cô chọn làm giáo viên mầm non?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Lí do tôi chọn nghề giáo vì một điều đơn giản, đó là tôi thích. Tôi muốn được học sinh yêu quý, được trải nghiệm với các bé ở độ tuổi khác nhau, cũng muốn có nhiều kỉ niệm với các em.

Biết là công việc này sẽ còn nhiều vất vả, nhưng vì đã chọn và đã quen với môi trường công việc rồi nên tôi xác định sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt công việc được giao.

Bạn đọc

Bạn tuanhuyen@…:

Ở vùng cao, tôi thấy việc vận động trẻ đến trường đã khó. Việc giữ chân các con ở lại trường còn khó khăn hơn. Có lúc nào cô thấy mệt mỏi, chán nản khi suốt ngày phải đi vận động như vậy không?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Việc duy trì sĩ số học sinh như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn. Có lúc tôi thấy mệt mỏi, nhưng nghĩ đến các con tôi lại tự nhủ là mình phải nỗ lực hơn nữa.

Khi một em nghỉ học, tôi phải vào tận bản để thuyết phục, vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường. Có những trường hợp phải đi đi, lại lại, cũng có khi lên bản cả tuần trời mới thuyết phục được gia đình.

Nếu không thực sự yêu nghề, không thật sự thương các cháu thì sau này các cháu sẽ lại vất vả như bố mẹ ngày trước.

Học sinh trường Mầm non Chiềng Nơi được ủng hộ áo ấm mùa đông.
Học sinh trường Mầm non Chiềng Nơi được ủng hộ áo ấm mùa đông.

 

Bạn đọc

Bạn Binhminh9x@...:

Trong một lớp học đông HS ở lứa tuổi bước từ mầm non lên tiểu học lại có cả HS hoà nhập, cô đã gặp tình huống nào “dở khóc dở mếu” và hạnh phúc khi vượt qua những tình huống đó.
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Các con học sinh từ Mầm non lên bậc Tiểu học có rất nhiều những bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Và cũng như tôi chia sẻ phía trên, bản thân tôi cũng đã dạy những học sinh đặc biệt hơn một chút nên tôi cũng không tránh được những lúc bực tức khi vừa mới hướng dẫn con xong một việc thì con đã làm ngược lại.

Ví dụ, tôi vừa dẫn con ra nhà vệ sinh và hướng dẫn con khi đi vệ sinh thì đến giờ ra chơi con đã đi vệ sinh ở bồn cây lớp bên cạnh. Lúc đó tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở và thay đồ cho con. Nhưng chỉ một lúc sau con lại đi vệ sinh ra lớp rồi lại ra cả hành lang. Dù có bực nhưng tôi cũng phải cố gắng bình tĩnh, giải tỏa tâm lý để tiếp tục nhẹ nhàng giải thích và thủ thỉ với con.

Cứ nhẫn nại, vừa dạy vừa dỗ như vậy… đến bây giờ thì con đã tự biết đi vệ sinh, cần sự trợ giúp gì thì con đã không ngại gọi cô hỗ trợ. 

Bạn đọc

Bạn Linhbui@....:

Thưa cô, học sinh ở lớp miền núi thường học theo phương pháp học lớp ghép nhiều độ tuổi. Mô hình này có thuận lợi và khó khăn gì?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Bữa trưa của học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh tư liệu
Bữa trưa của học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh tư liệu

Lớp ghép là hình thức dạy học ở hầu hết các trường học miền núi vì dân cư ở đây phân bố thưa thớt. Mỗi một bản có rất ít hộ dân, các bản lại cách xa nhau. Học sinh trong từng độ tuổi ở mỗi bản lại không nhiều. Do đó phải tổ chức lớp ghép cho học sinh độ tuổi khác nhau thành một lớp.

Thuận lợi khi dạy lớp ghép là trẻ lớn ngoan, có nề nếp thì trẻ nhỏ sẽ học theo. Cứ em nhỏ học theo anh chị, ví dụ như việc vệ sinh cá nhân, tập nói… chẳng hạn.

Còn nếu nói về khó khăn thì rất nhiều rồi. Như lớp của tôi chẳng hạn, học sinh theo học ở 3 độ tuổi. Vì thế giáo viên sẽ phải sử dụng cùng lúc 3 giáo án khác nhau, điều này khiến giáo viên rất vất vả.

Ngoài dạy học, cô còn phải tranh thủ thời gian lo cơm nước cho các cháu, cho các cháu ăn, cho các cháu ngủ… Ngoài ra, học sinh ở đây 100% là trẻ dân tộc, nhận thức của các em chưa đồng đều. Vẫn còn trẻ nói ngọng, nói lắp, nên còn nhút nhát, diễn đạt câu ý chưa mạch lạc. Vì thế, để nâng cao chất lượng dạy học đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất lớn.

 

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hằng – Thanh Hoá:

Ngành giáo dục đang bước vào triển khai đổi mới giáo dục với Chương trình GDPT 2018. Vậy GV cùng thực hiện song hành với xây dựng trường học hạnh phúc có áp lực không? Hai hoạt động này tương hỗ nhau ra sao?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Ngành GD đang thực sự chuyển mình trong giai đoạn này. Nếu như CTGDPT 2006 chú trọng vào kiến thức thì đến CT GDPT 2018 đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển năng lực của HS, đó cũng chính là mục tiêu mà trường học hạnh phúc hướng tới.

2 hoạt động động này cùng song hành, hỗ trợ lẫn nhau tất cả vì mục tiêu chung lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng sự phát triển của từng cá nhân học sinh, thúc đấy sự sáng tạo giúp cho các em hình thành các phẩm chất, năng lực cần thiết phục vụ cho nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện đại.

Học sinh trường tiểu học Phan Đình Giót chào đón năm mới. Ảnh tư liệu
Học sinh trường tiểu học Phan Đình Giót chào đón năm mới. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Vuonghanh@...:

Bản thân các thầy cô khi được cống hiến trong môi trường giáo dục hạnh phúc sẽ phát huy được lợi thế, mặt mạnh ra sao? và từ đó hoàn thiện chuyên môn thế nào?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Theo tôi, được cống hiến trong một ngôi trường hạnh phúc thì điều lợi thế đầu tiên của tôi đó là giáo viên được hạnh phúc. Khi đó bản thân giáo viên chúng tôi sẽ được mạnh dạn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới. Mỗi giờ học đem sự sáng tạo, gợi mởi cho học sinh.

Ban giám hiệu nhà trường không tạo áp lực mà luôn đồng hành cùng giáo viên về công việc, đem lại cho chúng tôi sự tự tin, tận tình trong mọi công việc.

Chính điều đó, đã giúp giáo viên chúng tôi năng động, thêm yêu nghề, gần gũi với học sinh trong các tiết học để giúp các con phát huy được những năng lực cá nhân

Bạn đọc

Bạn Thuhuyen@....:

Tôi thấy ở vùng cao, thầy cô giáo thường đi dạy một tuần mới về nhà một lần, gắn bó với trường nhiều hơn ở nhà. Vậy, cô sắp xếp việc nhà như thế nào cho phù hợp để tình cảm gia đình không bị ảnh hưởng đến công việc?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của người giáo viên ở vùng cao. Thế nhưng, chúng tôi luôn mong muốn các em ngày càng đến trường nhiều hơn, học tốt hơn để sau này bớt đi vất vả. Để chuyên tâm vào công việc, tôi luôn chủ động sắp xếp công việc gia đình hợp lý. Dù chỉ về nhà vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng tuần nào tôi cũng cố gắng về nhà dù đường xá có đi lại khó khăn.

Con cái tôi phải gửi ông bà chăm sóc. Nhiều khi con ốm tôi cũng chẳng được về chăm con được. Nhưng khi đã xác định muốn theo được công việc này, đôi khi phải biết hy sinh một chút về bản thân. Nếu không như vậy thì chẳng thể làm giáo viên vùng cao được bởi điều kiện buộc phải như vậy.

Bạn đọc

Bạn Quytranminh@...:

Xây dựng trường học hạnh phúc nếu muốn không trở thành “lý thuyết”, “khẩu hiệu” suông, theo cô nhà trường, giáo viên cần lưu ý điều gì? Cô có thể cho ví dụ cụ thể từ nhà trường, bản thân.
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Tại ngôi trường tôi đang công tác, BGH nhà trường đã xây dựng nhà trường bằng chính con đường giáo dục, tạo cho tập thể giáo viên chúng tôi một môi trường giáo dục an toàn lành mạnh; giảm áp lực và luôn tạo được động lực để mỗi giáo viên trong nhà trường luôn cảm thấy thoải mái và cố gắng cống hiến.

Giáo dục thực chất chính là giáo dục trên bản thân năng lực của cá nhân mỗi học sinh, phát triển năng lực mỗi cá thể. Chúng tôi không đưa thi đua và chạy theo hình thức một cách phù phiếm mà quan trọng luôn quan tâm đến chất lượng giảng dạy. Khi gặp những em học sinh năng lực còn non thì chúng tôi trao đổi riêng với phụ huynh để các em tránh mặc cảm.

Đối với giáo viên chúng tôi luôn tìm tòi và học hỏi những phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo không khí vui vẻ, nhẹ nhàng và luôn nở nụ cười trên môi trong mỗi tiết học. Bên cạnh đó, trong mỗi giờ học ở trường Tiểu học Phan Đình Giót các em học sinh được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn thông qua các hoạt động ngoại khóa đa dạng và rất phong phú như: Ánh trăng rằm, Bông hoa tặng mẹ, Cháu yêu chú bộ đội… Tôi nghĩ rằng các em học sinh đã có được những tiết học hạnh phúc.

Bạn đọc

Bạn Lê Ngọc - Hà Nội:

Nhiều người nghĩ, học sinh mầm non chóng nhớ mau quên nên dạy mầm non không cần quá chỉn chu? Quan điểm của cô như thế nào?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Theo tôi, tình yêu đối với trẻ là tình “mẹ con”. Cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ, là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Vì thế tôi luôn xác định quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Phải có phương pháp dạy trẻ hợp lí với từng lứa tuổi, vùng miền.

Bạn đọc

Bạn Ngocbich@....:

Hạnh phúc của cha mẹ là con cái bình thường như chúng bạn. Tôi có con bị tự kỉ, năm nay cháu 4 tuổi nhưng tôi vẫn chưa cho cháu đi học do sợ cháu nghịch quá sẽ bị cô phạt và bạn bè không chơi cùng. Nếu cô có học sinh bị tự kỉ cô sẽ làm gì để giúp cháu hòa nhập với các bạn?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu về chứng tự kỷ. Theo tôi, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường trước 3 tuổi. Trẻ mắc chứng tự kỉ ít có sự giao tiếp, tương tác xã hội nên các mối quan hệ và các mặt tâm lý và xã hội đều hạn chế.

Tôi có một số biện pháp đối với học sinh tự kỉ như:

Tìm hiểu sở thích của trẻ: Cần tìm hiểu sở thích của trẻ. Khi trẻ làm được việc tốt cần phải có sự khuyến khích động viên kịp thời. Đối với trẻ tự kỉ phải quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn.

Gần gũi, khuyên bảo: Có những phần thưởng nhỏ mỗi khi các trẻ trở nên ngoan hơn, hoặc hòa đồng cùng các bạn hơn. Bảo ban, khuyến khích học sinh chơi cùng các bạn và nhờ các bạn khác quan tâm tới trẻ hơn không phân biệt, kì thị nhau. Đề nghị trẻ nói lên ý muốn của mình. Kiên nhẫn, trò chuyện với trẻ nhiều hơn.

Quan tâm chăm sóc: Vào các giờ nghỉ cá nhân, chăm sóc, hỏi han, dạy dỗ, tạo điều kiện cho con hòa nhập với các bạn, bổ sung thêm những kiến thức mà các con chưa nắm được do tiếp thu chậm. Khuyến khích các bạn khác giúp đỡ bạn. Nếu trẻ phá phách hoặc ngang bướng và không biết nghe lời, để giúp em ấy kiềm chế cảm xúc nên cho trẻ ngồi một chỗ yên tĩnh hơn khoảng 5 phút (không phải là phạt). Và trao đổi nhẹ nhàng về hành vi của mình để trẻ hiểu và định hướng  thay đổi.

Tuyên dương những hành vi tốt: Tuyên dương có thể mang lại những tiến bộ đối với trẻ tự kỷ. Vì vậy, cần cố gắng động viên để trẻ tiếp tục phát huy những điều tốt đã làm được. Tuyên dương trẻ khi em ấy biết cách ứng xử hay học được một kĩ năng mới. Chỉ ra hành vi nào của trẻ đang được khen. Và nghĩ ra những cách khác nhau để thưởng cho trẻ.

Kết hợp với cha mẹ học sinh: Trao đổi với cha mẹ trẻ về những tiến bộ của trẻ khi ở trường. Khi về nhà, những điều chưa khắc phục được và cô giáo và phụ huynh cùng bàn bạc, tìm ra phương pháp có lợi nhất cho sự phát triển của con.

Bạn đọc

Bạn Trần Bình – Hà Nội:

Cô có thể cho biết, sự khác biệt rõ rệt nhất của thầy cô, học sinh khi triển khai và không triển khai trường học hạnh phúc?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Theo ý kiến cá nhân tôi, sự khác biệt rõ rệt nhất khi triển khai trường học hạnh phúc đó là:

Đối với giáo viên: GV đến trường với tâm thế thực sự thoải mái hơn, được thỏa sức sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng mới với BGH

Đối với học sinh:HS trở nên mạnh dạn hơn, sáng tạo trong mỗi hoạt động học tập vui chơi, được học tập sinh hoạt dưới môi trường an toàn – yếu tố cần thiết và cũng là đầu tiên để xây dựng trường học hạnh phúc; hơn nữa trong mọi hoạt động, các thầy cô luôn đồng hành, thấu hiếu và sẻ chia cùng học sinh, từ đó tình cảm cô trò ngày càng khăng khít khiến cho các em cảm thấy vô cùng thích thú mỗi khi tới trường.

Bạn đọc

Bạn Nguyenlinh@....:

Thưa cô, được biết ở các điểm bản vùng cao, biên giới, cơ sở vật chất nhất là đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học rất hạn chế. Khó khăn là vậy, cô đã làm gì để cho lớp học của mình thêm sinh động, bài giảng thêm hiệu quả?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Quả đúng như vậy, ở các điểm trường lẻ thì cơ bản là thiếu đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Để cải thiện điều này, chúng tôi thường tận dụng những vật liệu sẵn có để “chế tạo” đồ chơi cho các con. Ví dụ như từ cái dây thừng và mấy chiếc lốp xe máy cũ thôi, chúng tôi đã tạo được một chiếc “xích đu” cho bé. Hay như chỉ cần mấy cây tre tận dụng lại của bà con, chúng tôi chế tạo ra một chiếc cầu bập bênh…

Những lúc rảnh, tôi nhờ phụ huynh thu gom vỏ chai lọ, lon bia… để chế tạo ra các đồ vật như: đèn lồng, các con vật ngộ nghĩnh…

Mỗi lần thấy có đồ mới là các em hào hứng và phấn khởi lắm. Thấy vậy tôi lại cố gắng làm nhiều đồ chơi hơn.

Trẻ nhỏ hứng thú với đồ chơi do các cô tự tạo.
Trẻ nhỏ hứng thú với đồ chơi do các cô tự tạo.

 

Bạn đọc

Bạn Luongminh@...:

Quan điểm của cô về trường học hạnh phúc là gì? Theo cô, nhân tố nào là quan trọng nhất để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Theo tôi:  “Hạnh phúc" bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất”, chính vì vậy bản thân tôi thấy trường học hạnh phúc là nơi khi mỗi học sinh tới trường đều cảm thấy được yêu thương, được vui vẻ, hạnh phúc và mỗi phụ huynh đều thấy yên tâm, tin tưởng khi gửi con học tập và vui chơi tại trường.

Bạn đọc

Bạn Vì Huyền - Lào Cai:

Để vận động phụ huynh đồng thuận đưa trẻ ra lớp, các giáo viên đã phải làm thêm những công việc gì? Cô có thể chia sẻ về niềm hạnh phúc khi vận động được trẻ ra lớp?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Năm nào cũng vậy, tôi đều phải đến từng nhà vận động học sinh đi học. Mùa hè thì oi bức, nắng gay gắt, người ướt đẫm mồ hôi. Mùa mưa đường trơn trượt, lầy lội, tôi phải đi bộ từ đầu bản tới cuối bản. Mỗi khi đi chiêu sinh thực sự là một thử thách không nhỏ.

Đến nhà thấy học sinh thì thương lắm. Nhà bằng bức vách tre, mái lợp bằng bạt. Trong nhà thì đơn sơ, tuềnh toàng, các em không đủ quần áo để mặc. Bữa ăn chỉ một nồi cơm, bát cánh, đĩa rau. Thương học sinh không được đi học, có những gia đình tôi phải đến vận động ba, bốn lần phụ huynh mới đồng ý cho con đến lớp.

Có những em nhà xa, tôi phải đi hơn 10km đường rừng mới đến được. Vất vả là thế, nhưng với giáo viên ở điểm bản lẻ thì cứ làm sao để các con đến lớp đông đủ là vui rồi!

Một buổi sáng đi học của học sinh trường Mầm non Chiềng Nơi. Ảnh tư liệu
Một buổi sáng đi học của học sinh trường Mầm non Chiềng Nơi. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Lethuhuong@...:

Khi được phân công giảng dạy trong những lớp có HS hòa nhập, đặc biệt ở lớp 1 với bao khó khăn vất vả…, bản thân cô cảm nhận gì và có phương pháp giáo dục nào để bảo đảm hoạt động dạy học vẫn đạt hiệu quả chung?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Trường của tôi không phải là trường chuyên tiếp nhận học sinh hòa nhập song có những  học sinh quá độ tuổi, học sinh tự kỉ và học sinh còn chưa tự tin trên địa bàn của nơi cư trú nên trường luôn tôn trọng và đón nhận tất cả các con học sinh.

Cô Đỗ Huyền Trang cùng các em học sinh lớp 1 trường tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh tư liệu
Cô Đỗ Huyền Trang cùng các em học sinh lớp 1 trường tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh tư liệu

 

Năm học vừa qua lớp tôi cũng có một bạn học sinh hơi đặc biệt. Ban đầu, tôi cũng phần vân lo lắng trong việc tìm phương pháp giáo dục em học sinh đặc biệt này. Ngay từ những ngày đầu tiên đi học, con rất thông minh, đã biết đọc và tính toán rất nhanh nhưng tôi quan sát thấy con ít giao tiếp với các bạn trong lớp và đôi khi có những hành vi mất kiểm soát (VD: như đi vệ sinh không đúng chỗ, không nhìn vào mặt mọi người, tự ý ra khỏi chỗ, chỉ chơi một mình …)

Lúc này, tôi chỉ biết nỗ lực cố gắng vừa dạy vừa dỗ, nhẹ nhàng nói chuyện với con, động viên con “Con phải đi vệ sinh đúng chỗ, đi như này vừa mất vệ sinh mà các bạn lại cười trêu con nữa” và nhờ các bạn trong lớp đi cùng con đến cửa nhà vệ sinh…

Tôi cũng sắp xếp chỗ ngồi cho con vị trí thuận lợi nhất, cho con tham gia nhiều hoạt động cùng các bạn. Mọi tiến bộ của con dù chỉ là những điều nhỏ nhất thì tôi cũng ghi nhận và khen ngợi con để con thấy vui vẻ và tự tin hơn...

Cuối năm học vừa rồi, con đã tiến bộ và tự tin giao tiếp hơn rất nhiều. Điều đó làm tôi cảm thấy thật hạnh phúc!

Bạn đọc

Bạn Hoanglinh@....:

Thưa cô, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Cô đã có những đổi mới gì trong phương pháp và hình thức dạy học? Đặc biệt ở trường vùng cao như nơi cô đang công tác?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Để có những đổi mới trong phương pháp và hình thức dạy học, tôi không ngừng học hỏi thêm những kinh nghiệm của các đồng nghiệp.

Tôi tự thiết kế tiết học bằng hình thức trình chiếu sinh động, phù hợp với trẻ để trẻ hứng thú vào bài, thích đi học.

Ngoài ra, tôi cũng tìm hiểu các ứng dụng công nghệ thông tin có thể sử dụng trong dạy học. Từ đó, tôi tìm ra con đường ngắn nhất, dễ hiểu và sáng tạo nhất để tạo ra những bài giảng hấp dẫn, hiệu quả. Tạo cho trẻ một sự say mê, tích cực, trong những tiết học trong điều kiện cơ sở vật chất còn đầy hạn chế.

"Gian hàng" trải nghiệm do giáo viên tự sáng tạo làm sân chơi cho trẻ
"Gian hàng" trải nghiệm do giáo viên tự sáng tạo làm sân chơi cho trẻ

 

Bạn đọc

Bạn Minhquyhp@...:

Thời gian qua, một trong số hoạt động tạo nên trường học hạnh phúc tại trường Tiểu học Phan Đình Giót là triển khai đón học sinh vào lớp theo biểu tượng cảm xúc (chào, ôm, đập tay…). Quá trình triển khai hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng ra sao của học sinh? Có đạt được mục đích, yêu cầu theo kỳ vọng của thầy cô?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Trong thời gian qua, trong một số hoạt động tạo nên trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót thân thương của tôi đã thực hiện triển khai một hoạt động đó là gửi đến các học trò một món quà đặc biệt. Trước cửa mỗi lớp học sẽ có những biểu tượng bắt tay, cụng tay, đập tay và ôm nhau trước khi các em bắt đầu ngày học mới. 

Việc làm này khiến các em học sinh bớt bỡ ngỡ hơn trước bậc học mới, thầy cô và bạn bè mới. Từ việc chào hỏi này, tình cảm cô trò trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui. Những cái ôm, bắt tay, đập tay, cụng tay… trước đây khá xa lạ với cả GV và HS nhưng khi áp dụng đã giúp trẻ mau chóng bỏ lại lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu (đặc biệt với những em học sinh lớp 1).

Các em sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin, dễ dàng hòa nhập và học tập. Có thể coi đây là hoạt động chào hỏi rất mới mẻ, thân thiện và cho con cảm hứng đầu giờ sáng đi học. Việc vào lớp vui vẻ, phấn chấn có thể giúp con tiếp thu các kiến thức, hoạt động tốt hơn.

Tôi cũng muốn xen kẽ chương trình học có thêm nhiều những hoạt động để cô trò gần gũi nhau hơn, các con được vui chơi, cọ xát với nhau để có thể phát triển tư duy nhanh nhẹn và vui hơn”

Việc xây dựng lớp học hạnh phúc cũng có tác dụng 2 chiều. “Khi các con đến lớp phấn khởi, vui vẻ thì các giáo viên cũng sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lây. Tôi cảm thấy có động lực, hứng thú hơn với công việc hằng ngày và như được tái tạo năng lượng sáng tạo.

Những tâm huyết mà mình bỏ ra thì điều trước tiên được nhất là các con học sinh vui và được phụ huynh ghi nhận. Đó là điều tôi cảm thấy vui nhất mà cũng là đền đáp xứng đáng nhất. Hoạt động này được học sinh hưởng ứng tích rất tích cực và phát huy được mục đích, yêu cầu mà tôi đặt ra.

Bạn đọc

Bạn Nguyenmai@....:

Công việc của giáo viên mầm non vùng khó cần rất nhiều nỗ lực và nhẫn nại. Xin cô cho biết, điều mang lại hạnh phúc lớn nhất sau những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô nơi đây là gì?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Đối với tôi, mỗi ngày, khi nghe thấy tiếng vỗ tay, tiếng hát lanh lảnh hòa trong tiếng cười hồn nhiên của các con, thì đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Tất cả muộn phiền, lo âu… dường như sẽ không còn. Tiếng nô đùa của bọn trẻ ở bản vùng cao nghèo này sẽ là nguồn động lực để những giáo viên cắm bản như chúng tôi tiếp tục công việc mà mình đã chọn.

Bạn đọc

Bạn Caduong@....:

Cô có ý kiến như thế nào khi xem những video cô giáo bạo hành trẻ em mầm non? Theo cô có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này để phụ huynh có thể yên tâm cho con đi học?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Đó là một hành động xấu xa cần phải lên án. Bác Hồ đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Ấy thế mà có những búp non đã chưa được nâng niu đúng mực.

Quản lý một lớp học đông đến vài chục cháu học sinh, trong khi mỗi cháu lại có những hành động, biểu hiện khác nhau ở cùng thời điểm. Có cháu ốm, sốt, có cháu quấy khóc; lại có cháu chẳng chịu ăn, chịu học… điều này rất dễ gây ra tâm lý ức chế với giáo viên.

Nếu giáo viên không kiểm soát được cảm xúc và hành động trong những lúc như vậy thì rất dễ có những suy nghĩ và hành động lệch chuẩn. Tôi cho rằng như vậy thì không nên. Dù đó là hành động nhất thời, song khi sự việc xảy ra sẽ bị xã hội lên án. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh nhà giáo, ảnh hưởng đến những nỗ lực mà toàn ngành đang cố gắng xây dựng.

Giải pháp cho tình trạng này, theo tôi trước tiên nhà giáo phải làm chủ được suy nghĩ và hành động trong mọi tình huống. Làm được điều này nghĩa là phải thực sự dành tình cảm cho công việc của mình, dành nhiều tình cảm cho những đứa trẻ ngây thơ, non nớt.

Về góc độ pháp lý, tôi cho rằng nhà trường cũng cần có những biện pháp can thiệp và xử lí thích đáng với những người coi bạo hành là hình thức giáo dục.

Niềm vui của trẻ em vùng cao bên đồ chơi mới. Ảnh tư liệu
Niềm vui của trẻ em vùng cao bên đồ chơi mới. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Tranthuha@...:

Nói tới trường học hạnh phúc là nói tới sự tận tâm, nỗ lực, hết lòng vì học trò, của thầy cô, nhà trường. Vậy bản thân cô và những đồng nghiệp đã thay đổi ra sao trong hoạt động giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, kiến tạo môi trường giáo dục hạnh phúc?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Nói tới trường h ọc hạnh phúc là nói tới sự tận tâm, nỗ lực, hết lòng vì học trò, lấy học trò làm trung tâm của mọi đổi mới giáo dục của thầy cô, nhà trường. Bản thân tôi và những đồng nghiệp đã cùng thay đổi rất nhiều.

Chúng tôi thay đổi bản thân, kiến tạo hạnh phúc. Chúng tôi cười nhiều hơn với học sinh để tạo một bầu không khí thân thiện, vui vẻ trong giờ học. Đúng như ông cha ta đã nói “ Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, lợi ích của nụ cười đã được khoa học chứng minh. Việc này tưởng đơn giản nhưng không phải giáo viên nào cũng làm được vì giáo viên chưa biết cách quản lý cảm xúc của mình, không có tính hài hước nhưng chúng ta sẽ làm được nếu ta có tâm với nghề, yêu thương học sinh như những đứa con của mình.

Chào đón học sinh với nụ cười thật tươi làm cho các con cảm thấy được chào đón, được thấy mình là một phần của lớp, của trường.
Chào đón học sinh với nụ cười thật tươi làm cho các con cảm thấy được chào đón, được thấy mình là một phần của lớp, của trường.

 

Ở lớp học của tôi, chào đón học sinh của mình từ cổng trường với nụ cười thật tươi và cái bắt tay, cái ôm thật thân thiện, làm cho các con cảm thấy được chào đón, được thấy mình là một phần của lớp, của trường.

Vào các giờ ra chơi, tôi tham gia trò chuyện, tâm sự với các con, tạo sự gần gũi, thoải mái, xoá bỏ đi bức tường ngăn cách giữa cô và trò.

Lồng ghép sự hài hước vào trong lớp học bằng lời nói, biểu cảm, hành động của giáo viên. Ví dụ, khi học sinh mắc lỗi khi đang nói, thay vì cắt ngang hay sửa lại, tôi thường làm khuôn mặt khôi hài để giúp học sinh nhìn ra được lỗi của mình mà sửa sai. Hoặc đó có thể là một câu bình luận khôi hài, lời nói thú vị diễn ra tự phát trong các tình huống xảy ra trong giờ học.

Tôi thường hướng dẫn nhẹ nhàng khi học sinh làm sai, giữ bình tĩnh khi học sinh mắc lỗi, không phê bình nặng lời, gay gắt trước mặt người khác. Khích lệ, khen thưởng các em nhiều hơn.

Tôi thường xuyên dùng công thức “khen” trước “chê” sau, nghĩa là, dù tệ đến đâu cũng cố gắng tìm ra vài điểm tích cực để khen.

Ngoài ra tôi còn tạo không gian lớp học thân thiện. Không gian học tập là môi trường ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thoải mái của học sinh.

Lớp học của tôi được nhà trường cung cấp đầy đủ về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng được các nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Ngoài ra, các con còn được học tập và vui chơi trong không gian thân thiện và gần gũi với thiên nhiên. Lớp được thiết kế các góc “xanh” giúp giáo viên và học sinh thư giãn sau những giờ học căng thẳng.

Môi trường lý tưởng là việc chúng ta thường xuyên sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực; bao dung với học trò; duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện; mọi thành viên trong lớp học được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn. Học sinh được quan tâm, được bày tỏ và được đáp ứng mong muốn, nguyện vọng về vui chơi, về học tập.

Một lớp học hạnh phúc được xây dựng chủ yếu dựa trên các mối quan hệ tích cực. Bởi vậy, trong mỗi giờ học, tôi đã mạnh dạn thực hiện những việc làm sau:

Bắt đầu vào tiết học, tôi cho học sinh khởi động bằng một số việc làm đơn giản như vài động tác thể dục, một bài hát, những trò chơi… để kích thích những cảm xúc tích cực trong học sinh, từ đó các con thu nhận kiến thức dễ dàng hơn.

Tôi luôn cố gắng đem những kĩ nắng sống gần gũi với cuộc sống hàng ngày và lồng ghép những hoạt động trải nghiệm trong mỗi giờ học với các con HS. Chính điều đó đã giúp con con HS lớp tôi được thực hành rất nhiều.

Với tôi, mỗi giờ lên lớp là một sự đổi mới. Việc đổi mới phương pháp dạy học luôn được chú trọng, trong mỗi tiết học, học sinh được phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo trong việc hình thành và tiếp nhận kiến thức mới cũng như vận dụng vào thực tiễn. Mọi đối tượng học sinh đều được quan tâm và được ghi nhận kết quả làm việc trong mỗi giờ học.

Bạn đọc

Bạn Lò Hoa - Sơn La:

Trong hành trình “cắm bản” của mình, chắc cô cũng có kỷ niệm với học sinh? Xin cô chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong quá trình công tác?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Hình ảnh học sinh vào ngày mưa, rét vẫn đến lớp học chăm chỉ, đúng giờ là những khoảnh khắc tôi không bao giờ quên.

Có khi trời mùa đông mưa và rét học sinh vẫn phải đi chân đất đi học. Thấy người các con ướt đẫm và chân thì đỏ lạnh mà tôi rơi nước mắt.

Học sinh lớp ghép giúp cô chăm sóc các em mẫu giáo bé. Ảnh tư liệu
Học sinh lớp ghép giúp cô chăm sóc các em mẫu giáo bé. Ảnh tư liệu

 

Học sinh ở đây hầu như không được bố mẹ đưa đến trường. Trời nắng cũng như trời mưa, các con phải tự đi bộ băng qua những dãy núi đến lớp cùng anh chị học tiểu học.

Thấy được sự khó khăn vất vả đó, tôi càng không dám để bản thân mình nản chí, ngược lại thật sự càng yêu thương, coi các con như con ruột của mình. Gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống cho trẻ. Tôi luôn kết hợp với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Bạn đọc

Bạn Builinh…@gmail.com:

Cô đang dạy học ở một nơi hầu hết là dân tộc thiểu số, bất đồng về ngôn ngữ và phong tục tập quán, trong quá trình công tác cô đã gặp khó khăn gì và giải quyết ra sao?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Những khó khăn, vất vả Chiềng Nơi thì vô vàn. Đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ, cô và trò không giao tiếp được để hiểu nhau hơn. Các con ở đây rất nhút nhát, không biết vệ sinh cá nhân, cũng không nói được tiếng phổ thông.

Lúc ấy tôi nghĩ: “Muốn các con hiểu cô nói thì tại sao cô không thử hiểu ngôn ngữ của trẻ, xem các con đang nói gì ?”. Vì vậy, tôi đã bắt tay vào việc học tiếng dân tộc của các em, rồi làm thân với từng trẻ. Từ đó, biết được nhu cầu của gia đình và các em học sinh.

Khi hiểu được rồi, tôi bắt đầu tăng cường dạy tiếng phổ thông cho trẻ, để trẻ có khả năng nói tiếng Việt nhiều hơn, giao tiếp được nhiều hơn, giúp các con mạnh dạn hơn khi đến lớp học. Việc học chữ cái cũng trở nên dễ dàng hơn.

Bạn đọc

Bạn Nguyenanh@...:

Theo cô, xây dựng trường học hạnh phúc có gì khó khăn với giáo viên không? Sự định hướng, động viên khuyến khích của Ban giám hiệu có vai trò gì đối với quá trình xây dựng trường học hạnh phúc của giáo viên?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Tổ chức sinh nhật cho học sinh để tạo niềm vui, tăng gắn kết yêu thương. Ảnh tư liệu
Tổ chức sinh nhật cho học sinh để tạo niềm vui, tăng gắn kết yêu thương. Ảnh tư liệu

Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng trường học hạnh phúc không khó khăn gì với mỗi giáo viên.

Có 3 yếu tố chính để tạo nên trường học hạnh phúc đó là Con người, Môi trường làm việc và Phong cách làm việc. Trường học hạnh phúc đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá thể trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ.

Bên cạnh phương pháp giảng dạy vui vẻ, lôi cuốn, học sinh được tự do sáng tạo, có môi trường gắn kết nhau; giáo viên, học sinh và người lao động có cơ hội thể hiện, khẳng định và được công nhận giá trị của bản thân.

Trong quá trình thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc, bản thân tôi nói riêng và giáo viên nhà trường nói chung luôn nhận được sự định hướng, động viên khuyến khích từ BGH nhà trường. BGH luôn tôn trọng sự sáng tạo, luôn giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích.

Ngoài ra chúng tôi luôn nhận được sự động viên, truyền cảm hứng để từ đó chúng tôi tự cố gắng, để đáp ứng mong mỏi của xã hội, cố gắng và làm được - nghĩa là nhà giáo sẽ cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc của nhà giáo đem đến hạnh phúc cho HS, cho cha mẹ HS và nhiều người trong xã hội.

Bạn đọc

Bạn Lehung19@...:

Tôi đã đi vào xã Chiềng Nơi để làm tình nguyện. Lúc ấy hầu hết đường đi ở đây đều là đường mòn, mùa mưa trơn trượt lầy lội, nhiều nơi không có điện, nước, sóng điện thoại. Động lực nào giúp cô ở lại một nơi khó khăn như vậy?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm - GV Trường MN Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La
Cô Hà Thị Liêm - GV Trường MN Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La

Quãng đường đi từ nhà tôi đến trường vừa xa, vừa khó đi. Nhất là đi vào những hôm trời mưa thì thật vất vả.

Ngày nhận quyết định công tác tôi cũng nghĩ: Khi được luân chuyển về xã Chiềng Nơi đầy khó khăn này, cũng muốn xin ở lại trường cũ. Nhưng qua tuần đầu tiên được trải nghiệm dạy học ở đây, tôi cảm thấy yêu mến học sinh vì ở đây các con rất ngoan. Khi các cô đến thì đã chờ ở lớp, sẵn sàng ngồi học rồi.

Đấy là động lực khiến cho bản thân cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa. Ngoài ra, nghĩ đến những thầy, cô giáo khác đã làm được thì mình cũng làm được.

Nhiệm vụ là một giáo viên mầm non cũng là động lực cho tôi ở lại. Đối với tôi, ngoài việc chăm sóc giáo dục trẻ thì việc giao tiếp, ứng xử và tuyên truyền với phụ huynh là một việc làm rất quan trọng. Đặc biệt là khi đi chiêu sinh. Làm sao để họ hiểu và thông cảm và ủng hộ là một điều không dễ dàng.

Bằng sự tâm huyết nghề nghiệp, tôi đã chăm sóc các cháu như con em của mình trong gia đình của mình, các cháu đến lớp đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, về nhà lễ phép với ông bà, bố mẹ và người lớn.

Bạn đọc

Bạn Thuý Hà – Bắc Ninh:

Cô có thể cho biết tại ngôi trường nơi cô đang giảng dạy có những hoạt động gì để xây dựng trường học hạnh phúc? Các hoạt đông này mang lại hiệu quả ra sao trong việc thay đổi môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học?
Cô Đỗ Huyền Trang

Cô Đỗ Huyền Trang

Cảm ơn chị đã quan tâm và tới trường học của chúng tôi. Tôi xin trả lời như sau:

Tại ngôi trường nơi tôi đang giảng dạy có rất nhiều hoạt động để xây dựng trường học hạnh phúc như: Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian giữa các lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống từ những việc nhỏ và gần gữi với cuộc sống hàng ngày (VD: nhặt rau, luộc trứng, gấp quần áo, vắt nước cam…)

Mỗi giáo viên luôn phối hợp với phụ huynh cùng nhau tạo nên khung cảnh sư phạm thêm gần gũi, thân thiện và cởi mở với các em học sinh. Trong mỗi lớp học, hành lang đều tạo nên những góc không gian xanh khiến cho giáo viên, học sinh đến trường cảm thấy thư giãn.

Cô Đỗ Huyền Trang và học sinh trong một số hoạt động tại trường tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh tư liệu
Cô Đỗ Huyền Trang và học sinh trong một số hoạt động tại trường tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh tư liệu

 

Nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử, phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với Công đoàn tổ chức tốt các chuyên đề về quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo để duy trì bầu không khí học tập, làm việc ấm áp và thân thiện, mọi thành viên trong nhà trường đều được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn.

Các hoạt động này rất thiết thực và đã mang lại cho chúng tôi những hiệu quả rất lớn trong việc thay đổi môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi giáo viên chúng tôi khi đến trường luôn cảm thấy không bị áp lực, đem lại sự hứng khởi, tạo nên năng suất lao động cao nhất. Chính nhờ những điều đó mà trường tôi đã khơi gợi được rất nhiều cô giáo tài năng, nhiệt tình và sáng tạo trong các giờ học.

Bạn đọc

Bạn Minhtuanle@...:

Cô có thể cho biết, tố chất quan trọng nhất đối với một giáo viên mầm non là gì? Giáo viên mầm non cần làm gì để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho học trò, xứng đáng là người mẹ ở trường của các con?
Cô Hà Thị Liêm

Cô Hà Thị Liêm

Theo tôi, là một giáo viên mầm non, ngoài chuyên môn nghiệp vụ vững vàng còn phải có tinh thần trách nhiệm cao, vị tha, chu đáo, gần gũi, nâng niu trẻ.

Giáo viên cần xác định được vai trò, trách nhiệm của mình. Phải cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và những kiến thức đã học, đặc biệt là những trải nghiệm thực tế, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, không ngừng học tập, học hỏi những kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Để làm người mẹ ở trường của các con, các cô giáo cần bình tĩnh, dịu dàng bởi đây là nghề “Làm việc vì tình yêu” coi học sinh như con của mình. Cần gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống; tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các con vui chơi, khám phá cho đến việc vệ sinh cá nhân, rửa tay, tắm, giặt quần áo,… Và kết hợp với cha mẹ học sinh để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.